Hai mẹ con hàng xóm

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cạnh nhà tôi, cùng tầng 8 của khu chung cư, có một cặp mẹ con. Theo mẹ của cậu bé chia sẻ vợ chồng chị ly hôn từ khi con mới được 2 tuổi. Vì vậy chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau.

Năm học này, cậu bé chuyển trường mới nên hai mẹ con thuê căn hộ ở tầng 8. Vậy là chúng tôi có thêm những người hàng xóm mới.

Cậu bé bề ngoài khá khôi ngô, gặp người lớn luôn chào hỏi lễ phép. Mẹ cậu cũng hiền lành, chịu thương chịu khó. 

Cho đến một ngày kia, giữa đêm, từ căn hộ của hai mẹ con bỗng phát ra những tiếng đập rất mạnh “thình thịch thình thịch”. Tất cả chúng tôi đều choàng tỉnh dậy, vội chạy ra ngoài xem có chuyện gì. Tôi thấy mẹ cậu bé đang đứng ở ngoài cửa khóc. Bên trong nhà, cậu bé cầm chiếc ghế gỗ đang ném thẳng vào tường. Chúng tôi đều sửng sốt vì không nghĩ một cậu bé hiền lành lại làm như vậy. Lúc này, mẹ cậu mới nói con mình mắc bệnh tâm lý. Bình thường, con rất hiền nhưng khi  cơn giận nổi lên thì con sẽ không còn là con nữa. 

Rồi từ đó, thi thoảng, trong nhà hai mẹ con lại phát ra những âm thanh tương tự. Lần thứ hai, có khoảng vài gia đình chạy ra xem xét tình hình, tìm cách giúp cậu bé bình tĩnh lại. Rồi đến lần thứ ba, thứ tư, chúng tôi bắt đầu thờ ơ và tự nhủ: “Có can ngăn thì cũng chỉ được lần này. Một khi bệnh đã phát lên thì lần sau, lần sau nữa thằng bé sẽ lại đập phá tiếp thôi”. Rồi chúng tôi dặn các con hạn chế lại gần cậu bé mắc bệnh.

Hai mẹ con hàng xóm - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi lại tới một ngày, lần này là 5h sáng. Tiếng mẹ cậu bé hét lên: “Ôi trời ơi, con ơi, cứu tôi với mọi người ơi”. Liền sau đó lại là tiếng nện thình thịch, rồi kèm theo tiếng bình lọ sứ vỡ loảng xoảng. Khi mới 5h sáng, phải rời khỏi giường thật không dễ dàng gì. Hơn thế, chúng tôi thừa hiểu chuyện gì đang xảy ra với hai mẹ con. Thế nên, chẳng có ai ra ngoài tìm hiểu và mọi người vẫn tiếp tục ngủ.

Cho đến giờ đi làm, các nhà mới lục tục khóa cửa, bước ra hành lang. Căn hộ của hai mẹ con lúc này mở toang, đèn vẫn sáng. Chúng tôi thấy bên trong là một bãi chiến trường với chiếc ghế gỗ bị gẫy chân, long cả thành ghế. Cạnh đó là mấy mảnh sứ vỡ văng từ những chiếc cốc. Nói chung, sau mỗi lần cậu bé bị kích động, việc đồ đạc trong nhà bị xáo trộn, vỡ nát như vậy chẳng có gì lạ. Vì thế, chúng tôi đều lần lượt đi làm.

Trưa đó, tôi có việc phải về nhà một lát, thấy hơi lạ vì căn hộ nhà bên vẫn mở cửa, cảnh tượng thì nguyên trạng. Tôi lại thầm nghĩ, hay là hai mẹ con sắp chuyển nhà đi? Trước đó, tôi từng nghe mẹ cháu kể là một năm hai mẹ con có thể vài lần chuyển nhà thuê. 
Rồi tôi tiếp tục đi làm. Đến chiều muộn trở về, lúc này trời đã rất tối, vừa bước ra khỏi thang máy, đập ngay vào mắt tôi vẫn là căn hộ với cánh cửa mở toang. Các nhà xung quanh đang nấu ăn, không ai quan tâm nhiều đến hai mẹ con nữa. Lúc này, tôi chợt nghĩ, hai mẹ con không thể để nhà cửa như vậy suốt cả ngày, lại còn không đóng cửa khi trong nhà còn nhiều đồ đạc, tài sản. Tôi bước vào trong, tìm quanh nhà không thấy ai. Bếp gas vẫn đang bật, bên trên là ấm nước có vẻ đang được đun dở nhưng hình như gas hết giữa chừng. 

Sợ rằng có chuyện bất ổn thật, tôi tìm cách liên hệ với hai mẹ con. Nhưng, tiếng là ở cạnh nhà mà chúng tôi không hề lưu điện thoại của nhau. Tôi chỉ biết mẹ cháu tên là Phương, cháu tên là Hưng, còn mẹ cháu làm ở đâu, cháu học trường nào thì chịu.

Hai mẹ con hàng xóm - ảnh 2
Ảnh minh họa

Trong lúc tưởng chừng hết cách thì may thay, con trai tôi nhớ ra có một lần đã nhắn tin cho cháu Hưng vì hai đứa rủ nhau mua chung một trò games trên mạng. Thật may, sau khi tôi gọi điện thì mẹ cháu bé trả lời máy. Từ đầu dây bên này, mẹ cháu sụt sùi thông báo sáng nay, cháu Hưng tự cầm dao chém vào tay mình. Mẹ cháu hoảng quá, vội đưa con đi cấp cứu tới mức không kịp khóa cửa, tắt điện. Xung quanh các nhà đều khóa cửa kín nên mẹ cháu không thể nhờ ai giúp đỡ, đành tự mình cứu con.

“Giờ cháu đã tỉnh lại và không bị nguy hiểm đến tính mạng. Em sẽ ở lại với con hết ngày mai rồi về nhà. Em nhờ chị giúp em trông nom nhà khi mẹ con em đi vắng”, mẹ cháu mếu máo nói.

Mẹ cháu bé nói lời cảm ơn, nhưng từ góc độ của người hàng xóm, tôi tự thấy mình không nên nhận lời cảm ơn đó. Ngẫm lại, tôi thấy mình quá thờ ơ với hai mẹ con họ. Tôi chưa từng hỏi xem hai mẹ con có cần giúp gì, khi cháu bé gặp nạn, tôi cũng không hay. Ngôi nhà của hai mẹ con bỏ không từ sáng sớm tới tối khuya mọi người đều nhìn thấy nhưng coi như chẳng liên quan đến mình. Giả sử nếu hai mẹ con bị ngất ở trong nhà cần được cứu chữa, chắc cũng không ai biết. Rồi cả cái bếp gas đang được bật may mà hết gas giữa chừng, chứ không còn có nguy cơ cháy nhà.

Qua việc này, tôi rút ra một điều, hàng xóm không chỉ là những người ở cạnh nhà mà còn cần “tối lửa tắt đèn có nhau”. Là người mẹ, tôi đâu chỉ biết lo cho con của mình mà cũng nên để tâm đến con của những người mẹ khác, nhất là với người mẹ đơn thân nuôi con bệnh tật.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.