Hạnh phúc muộn màng (PS18)

Chia sẻ

Nhiều người từng ái ngại khi chứng kiến cảnh hai mẹ con Hoa ngày ngày lủi thủi đưa nhau đi học, đi chợ. Có những đợt, trường học nghỉ để phòng dịch Covid-19, bé Su phải theo mẹ đến cơ quan trong những ngày mưa rét, nhìn đến tội. Với người hiểu chuyện chỉ thấy con bé đáng thương còn với Hoa thì chẳng có lý do gì biện bạch được cả. Vì ngay cả chính cô cũng chẳng biết phải trách ai bây giờ?

Câu chuyện bắt đầu từ cuộc đời một cô bé sinh ra ở miền núi có cái tên rất đẹp là Hoa. Thực tình, khi lớn lên, Hoa không thật sự xinh đẹp nhưng được cái ưa nhìn với làn da trắng, thân hình đầy đặn, nụ cười luôn khiến người khác bị hút hồn. Từ lúc đi học cấp III, người ta đã đồn đại nào là con bé này được học sinh giỏi vì được thầy “chiều”. Chữ “chiều” ấy nó tế nhị lắm. Nào là cô sẽ tiến thân bằng “vốn tự có”. Thực tình, chẳng mấy ai biết mỗi buổi đi học về, Hoa phải đi hót phân trâu, đi vớt bèo và thường đến trường với bàn tay đầy những vết sẹo do bị dao cắt, gai cào.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế rồi, hết lớp 12, Hoa cũng thi đỗ đại học nhưng ở một trường của địa phương, cách xa nhà đến cả trăm cây số. Là sinh viên, cô dễ dàng lọt vào “tầm ngắm” của nhiều chàng trai nhưng đặc biệt trong đó có một giảng viên. So với hồi còn ở nhà, lúc này Hoa mạnh mẽ sôi nổi hơn dù cuộc sống tự lập rất khó khăn. Khi bạn bè nhận ra những chiếc váy mới của cô, họ đã liếc nhìn nhau. Nhiều đứa còn mạnh miệng bảo: “Không biết lúc nhận bằng tốt nghiệp ra trường con Hoa có phải mặc váy bầu không chúng mày nhỉ? Ha ha”. Bản thân Hoa cũng đã được nghe những lời đó, nhưng cô im lặng. Chính trong chiếc tủ vải của cô ở góc phòng cũng đang có những chiếc váy bầu đúng như thế. Cô có cái lý riêng để không phải giải thích với ai về sự lựa chọn của mình, không phải hổ thẹn với gia đình.

Sau lễ tốt nghiệp là đám cưới gấp gáp của Hoa và thầy giáo kia. Họ hàng và bạn bè ngỡ ngàng tới dự và ngồi cụng ly nhìn nhau. Họ đều có chung ý nghĩ: Thôi thì gái có thì, thời buổi này chuyện “bác sĩ bảo cưới” cũng đâu có gì lạ, miễn là hai người sống hạnh phúc với nhau và tu chí làm ăn...

Nhưng mọi chuyện bắt đầu nảy sinh sau khi bé Su ra đời. Ban đầu, ai cũng khen bé bụ bẫm, xinh xắn, vừa có làn da trắng trẻo của mẹ, vừa tinh tường giống bố. Nhưng dần dần, người ta nhận ra bé có nét gì đó khá lạ, chẳng thấy giống ai. Người chồng của Hoa hoàn toàn im lặng trong suốt quãng thời gian ấy mặc những lời bình phẩm của thiên hạ. Cho đến một ngày bạn bè của Hoa bắt đầu xì xào bàn tán rằng: khuôn mặt bé Su giống một người bạn trai cùng khoá với Hoa. Rồi cùng với đó là những lời lao xao: Hình như dạo đó hai người cùng đi thực tập ở một trường cấp III, hình như thời điểm ấy thầy giáo (chồng của Hoa bây giờ) đang đi tập huấn ở Hà Nội thì phải.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một ngày, Hoa bất ngờ khi biết tin chồng cô được đi du học. Một tuần rồi một tháng đầu tiên trôi qua không có chồng ở nhà cô cảm thấy trống vắng. Nhưng lạ ở chỗ những cuộc gọi của chồng cứ thưa dần, thưa dần, dù cô chủ động gọi cũng không thấy anh mấy khi bắt máy. Cuối cùng cô cũng tìm được câu trả lời cho điều khó hiểu ấy khi cô phát hiện ra một sự thật: Trước đây, chồng cô từng có một đời vợ nhưng hai người phải chia tay sau thời gian chung sống mà không có con. Không rõ nguyên nhân từ người nào nhưng Hoa bắt đầu cảm thấy rờn rợn khi nghĩ đến cái đêm mưa liên hoan chia tay đoàn thực tập. Đêm ấy, cô và Hùng - cậu sinh viên cùng khóa luôn cung phụng giúp đỡ cô và cũng luôn tìm cớ gần gũi, đụng chạm vào cô mỗi khi chỉ có hai người đã không làm chủ được bản thân. Hùng khỏe mạnh, bản năng và mê đắm cô. Sau đó, cô cũng không cho Hùng một cơ hội nào khác. Nhưng, một lần thế là quá đủ cho một đời.

Đọc những dòng status của Hoa trên trang facebook cá nhân, nhiều người ở xa hoặc không hiểu rõ sự tình cảm thấy ái ngại, trách móc bố của bé Su. Ngần ấy năm bé Su lớn lên, hai mẹ con chẳng nhận được sự quan tâm nào về vật chất và tinh thần từ gia đình bên nội. Sau mấy lần đưa con lên thăm ông bà nội, khi chồng cô đã về nước, Hoa biết ông bà vẫn không mảy may biết gì nên vẫn thương cháu. Ngược lại, chồng cô thì vẫn hờ hững và vô cảm. Mỗi khi biết cô và con lên, anh đều tìm cớ lẩn tránh bằng lý do bận công việc hay đi công tác.

Trong câu chuyện này, chỉ có Hoa là hiểu rõ mình đâu phải là “nạn nhân” mà chính cô là thủ phạm của sự bất hạnh trong cuộc hôn nhân này. Lúc này Hùng cũng đã có gia đình. Giờ mỗi khi gặp, hắn ta nhìn cô bằng nửa con mắt. Đối với Hoa, mọi cánh cửa đều đã đóng, cô chỉ còn biết một mình hứng chịu hậu quả.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau khi làm thủ tục ly hôn, Hoa xin về công tác ở một xã miền núi. Cô quyết tâm đến nơi xa xôi, nơi không ai biết về mình để làm lại cuộc đời. Lúc này, hành trang của cô là một khối nợ mua nhà, mua trả góp xe máy cùng đứa con gái đang tuổi bướng bỉnh. Cô không còn mải mê những cuộc vui, không tham vọng đổi đời mà lặng lẽ bươn chải để kiếm thêm, lo cho cuộc sống của hai mẹ con.

Một ngày, người ta lại thấy Hoa mặc chiếc váy bầu. Nghe nói, cô có tình cảm với một anh cán bộ xã hay lui tới ăn sáng ở quán hàng mà cô mở. Người đàn ông này cũng từng kết hôn một lần nhưng hạnh phúc tan vỡ, anh rất quý bé Su, hai chú cháu thường đưa nhau đi ăn kem, đi xuống thị trấn mua đồ chơi, sách vở học tập.

Hạnh phúc có thể đến muộn màng nhưng vẫn luôn là món quà ngọt ngào với những ai thành thật và biết giữ gìn những gì mình đang có…

VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.