Hành trình của người phụ nữ da màu đầu tiên giành HCV thế vận hội

Chia sẻ

Thế vận hội (Olympic) mùa đông tại Bắc Kinh đã chứng kiến nhiều giây phút xúc động của các vận động viên, nổi bật trong đó là khoảnh khắc Erin Jackson – nữ vận động viên trượt băng da màu bật khóc khi giành tấm Huy chương Vàng (HCV).

Nỗ lực không ngừng vượt lên phía trước

Sinh ra ở Ocala, Florida (Mỹ), Erin Jackson đến với môn trượt băng lần đầu tiên vào năm tám tuổi. Bắt đầu với trượt băng nghệ thuật, Jackson nhanh chóng thể hiện tài năng. Cô giành được nhiều danh hiệu và được Ủy ban Olympic Hoa Kỳ vinh danh là Nữ vận động viên của năm 2012 và 2013. Năm 2016, Erin Jackson chuyển sang trượt băng tốc độ. Vào tháng 11 năm 2021, cô lập hai kỷ lục trong cuộc đua trượt băng tốc độ 500 mét World Cup ở Ba Lan, trở thành người phụ nữ Mỹ da màu đầu tiên giành chiến thắng tại World Cup.

Nói về quá trình tập luyện, Jackson cho biết, cô từng bị chấn thương rất nặng ở đầu gối. Những cơn đau liên tục hành hạ khiến cô nhiều lần muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên mỗi khi bước ra sân băng, được truyền cảm hứng khi nhìn các đồng nghiệp lướt trên mặt băng, cùng sự khích lệ của huấn luyện viên, cô đã nén đau để luyện tập. “Tôi cảm thấy tự do khi được thả mình trên mặt băng, lúc ấy mọi đau đớn dường như đều tan biến. Tôi có một tình yêu sâu nặng với trượt băng”, cô chia sẻ. Việc chuyển đổi từ trượt băng nghệ thuật sang trượt tốc độ đã gây không ít khó khăn cho Jackson bởi những khác biệt về kỹ - chiến thuật. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, cô đã học rất nhanh và được tin tưởng vào đội tuyển Olympic Hoa Kỳ. Mặc dù chỉ có rất ít thời gian luyện tập nội dung trượt tốc độ, thậm chí bị coi là thiếu kinh nghiệm nhưng cô vẫn tự tin bước ra sân đấu vốn được thống trị bởi các vận động viên Bắc Âu và gần đây là Hà Lan. Cuối cùng mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng.

Erin Jackson đã xúc động tới mức “đeo nhầm” mặt sau của tấmhuy chương cao quýErin Jackson đã xúc động tới mức “đeo nhầm” mặt sau của tấm huy chương cao quý

Erin Jackson giành Huy chương Vàng nội dung trượt băng tốc độ 500m với thành tích 37 giây 04. Sau khi hoàn thành phần thi, cô hồi hộp, không rời mắt khỏi bảng điện tử cho đến khi số 1 hiện bên cạnh tên mình. Jackson gần như đã quỵ ngã, ôm chầm lấy huấn luyện viên và khóc nức nở. Chiến thắng này đã mang lại cho cô rất nhiều cảm xúc. Không chỉ là một thành tích đáng nể tại đấu trường thế giới, Jackson còn đi vào lịch sử Olympic mùa đông khi trở thành nữ vận động viên da màu đầu tiên giành HCV trượt băng tốc độ, hơn người về nhì Miho Takagi (Nhật Bản) đúng 0,08 giây.

Câu chuyện cảm động về tinh thần thể thao Olympic

Nhìn chiến thắng của Jackson không ai biết được rằng giấc mơ Olympic của cô đã có lúc “tan thành mây khói” sau khi thất bại trong cuộc đua ở vòng loại diễn ra tại Mỹ hồi tháng trước. Biết được điều này, người bạn thân Brittany Bowe đã nhường suất tham dự cự ly 500m của mình cho Jackson.

Sau khi biết tin bạn thân giành HCV, Bowe chia sẻ: “Tôi rất rõ vị trí của mình trên bảng xếp hạng thế giới. Jackson mới là số 1, cô ấy giờ đây là nhà vô địch Olympic”. Mặc dù là một phần của câu chuyện nhưng Bowe luôn muốn dành khoảnh khắc đẹp nhất cho bạn mình. “Tôi muốn khoảnh khắc này thuộc về Jackson. Tôi rất tự hào về cô ấy”, Bowe nói. Đáp lại tình cảm của đồng đội, cũng là người bạn thân hơn một thập kỷ, Jackson kể: “Bowe đã ôm tôi, nói rằng cô ấy thực sự tự hào về tôi. Lúc đó tôi không biết phải nói gì, chỉ biết tôi đã cảm ơn cô ấy rất nhiều".

Chiến thắng của Jackson không chỉ đánh dấu lần đầu tiên Mỹ có được tấm HCV trượt băng tốc độ ở nội dung 500m kể từ khi vận động viên Bonnie Blair giành được 3 huy chương liên tiếp từ năm 1988 đến năm 1994 mà còn thể hiện rõ tinh thần của Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm nay, đó là “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn, Cùng nhau”.

Câu chuyện về Erin Jackson đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là những thanh thiếu niên da màu muốn vượt khỏi định kiến hay rào cản sắc tộc để đến và thành công với bộ môn thể thao này. “Hy vọng chúng ta có thể thấy nhiều người thiểu số, đặc biệt là ở Hoa Kỳ thoát khỏi vùng an toàn và thử sức ở một số môn thể thao mùa đông. Tôi cũng hy vọng thành công của mình sẽ là một ví dụ điển hình”, Erin Jackson chia sẻ.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.