Hỗ trợ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ

Bài và ảnh: Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Xác định việc hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ là nhiệm vụ quan trọng của Hội, thời gian qua Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức thành lập và ra mắt nhiều mô hình Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ tại các địa phương. Qua đó khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc tham gia phát triển kinh tế, nhất là tham gia phát triển thành phần kinh tế tập thể, đồng thời phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ.

Phát triển nghề truyền thống của địa phương

Xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất nổi tiếng với nghề làm chuồn chuồn tre. Xã có 5 thôn dân cư, tập trung sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề truyền thống như: Mây tre đan, mộc, nề và các mặt hàng bánh kẹo như bánh tẻ, chè lam, bỏng… Tuy nhiên trong xu thế xã hội phát triển hôm nay, các ngành nghề truyền thống ngày càng bị mai một, nhất là các ngành nghề thủ công mây, tre, giang đan… Để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của các ngành nghề thủ công truyền thống, chị Nguyễn Thị Minh, hội viên phụ nữ xã Thạch Xá cho biết: Hiện nay, trên địa bàn còn rất ít hộ gia đình gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre vì nghề này mang lại thu nhập không cao. Mỗi sản phẩm chuồn chuồn tre có giá bán trung bình chỉ khoảng 10.000 đồng. Trong khi đó, để làm một sản phẩm chuồn chuồn tre phải trải qua nhiều công đoạn công phu như cào tinh tre, phơi, cắt từng bộ phận cánh, thân, lắp ghép và sơn vẽ…  

Nhưng với tình yêu, niềm đam mê gắn bó với nghề truyền thống của địa phương, gia đình chị Minh tiếp tục giữ nghề và phát triển không chỉ làm chuồn chuồn tre mà còn mở rộng ra sản phẩm khác như con chim, con bướm, công, rùa… bằng tre để phục vụ nhu cầu của thị yếu của khách. Năm 2023, thông qua tổ chức Hội Phụ nữ kết nối, nhận thấy việc thành lập mô hình Hợp tác xã (HTX) có nhiều ý nghĩa vừa phát triển kinh tế vừa có cơ hội quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống, chị Minh cùng với các cán bộ Hội Phụ nữ đã vận động chị em trên địa bàn tham gia. Thật bất ngờ đã có 7 hộ gia đình sản xuất chuồn chuồn tre trên địa bàn xã Thạch Xá sẵn sàng đồng hành cùng tổ chức Hội và đã đăng ký thành lập HTX chuồn chuồn tre do chị Minh làm chủ. 

Chị Khuất Thị Khuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Thạch Thất cho biết: Ngày 30/12/2022, HTX Chuồn chuồn tre Minh Đính Thạch Xá đã hoàn thiện các hồ sơ gồm: Giấy phép kinh doanh, đăng ký mã số thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn, đăng ký con dấu và mở tài khoản tại ngân hàng, đăng ký chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Việc thành lập mô hình HTX do nữ làm chủ khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc tham gia phát triển kinh tế, nhất là tham gia phát triển thành phần kinh tế tập thể. Được biết, trong thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị điều hành, tổ chức tham quan, học tập trong và ngoài nước cho nữ quản lý, điều hành HTX... Tại xã Thạch Xá có chùa Tây Phương, tháng 7/2022 được UBND TP Hà Nội công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt, đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá sản phẩm chuồn chuồn tre đến với du khách trong nước và quốc tế. 

Hỗ trợ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ - ảnh 1
Thay mặt lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội tặng hoa chúc mừng HTX Chuồn chuồn tre Minh Đính huyện Thạch Thất ra mắt tháng 4/2023.

Tại huyện Gia Lâm, thời gian qua, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ, kết nối để chị em có thể vay được các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Bản Việt, Liên Việt; hỗ trợ tư vấn pháp lý đăng ký thương hiệu sản phẩm; kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đối với một số mô hình phát triển kinh tế tập thể. Chị Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Vào tháng 3/2022, Hội LHPN huyện Gia Lâm cũng đã hỗ trợ vay vốn, hoàn thiện hồ sơ để thành lập HTX Dược liệu Phú Thị gồm 7 thành viên, trong đó có 3 thành viên là phụ nữ. Hiện HTX đang sử dụng hơn 10.000m2 đất sản xuất nông nghiệp để trồng sả, chanh, bồ kết làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm như dầu gội thảo dược, trà thảo dược, nước rửa chén thảo dược. Mô hình HTX thực hiện từ khâu trồng nguyên liệu, chế biến, sản xuất ra thành phẩm được cơ quan y tế công nhận, sản phẩm có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và được bày bán tại các siêu thị trong toàn thành phố. Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ của huyện cũng đã hỗ trợ thành lập 10 tổ hợp tác, 2 tổ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn với tổng số thành viên tham gia là hơn 300 hội viên. Việc tham gia các mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác đã giúp các thành viên có thu nhập bình quân ổn định từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể 

Theo Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 01/QĐ TTg ngày 03/01/2023. Đây là đề án đầu tiên về phát triển kinh tế tập thể với đặc thù riêng cho giới nữ nhằm đóng góp vào việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hỗ trợ các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể; kết hợp lồng ghép các Chương trình Mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác có liên quan. 

Việc phê duyệt Đề án ngay từ ngày đầu tiên của năm 2023 là niềm vui lớn đối với cán bộ, hội viên, phụ nữ và các cấp Hội LHPN Việt Nam, là cơ sở quan trọng để phát huy vai trò của phụ nữ cả nước trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể và tạo việc làm cho người lao động trong thời gian tới. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đặt ra nhiệm vụ của các cấp Hội, đó là phối hợp với các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành, đoàn thể tìm ra các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, tăng số lượng và chất lượng HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tăng số phụ nữ tham gia HTX ở cả vai trò quản lý đến vai trò lao động. Đây cũng là phương thức giúp phụ nữ vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động nữ trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế và phục hồi sau đại dịch Covid-19. 

Hỗ trợ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ - ảnh 2
Sản phẩm chuồn chuồn tre do HTX Minh Đính huyện Thạch Thất sản xuất.

Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030, phấn đấu củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 1.500 HTX, 10.000 Tổ hợp tác (THT) được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 30.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 100.000 lao động nữ trong THT. 100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể. Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 750 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ… “Việc Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là căn cứ quan trọng để Hội cùng các ngành, các cấp thúc đẩy hơn nữa hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ”, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khẳng định. 

Trong lĩnh vực kinh tế tập thể, với hơn 29.000 hợp tác xã trên toàn quốc, có khoảng 10% hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, trong đó, nhiều hợp tác xã của phụ nữ đang khẳng định có nhiều ưu điểm, thế mạnh, đóng góp lớn trong sản xuất sản phẩm bản địa, chiếm 39% chủ thể sản phẩm OCOP, 80% lực lượng lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp là phụ nữ. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2017-2022, Hội Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ thành lập hơn 800 hợp tác xã và 10.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.