Kết hôn, sinh con để thực hiện trách nhiệm với gia đình và xã hội

H.Nhung - T.Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều phụ nữ trẻ không muốn sinh con hoặc chỉ sinh ít con khiến tỷ suất sinh ở Việt Nam hiện đang ở mức thấp. Theo các chuyên gia, hơn bao giờ hết, người phụ nữ rất cần sự chia sẻ của cộng đồng, gia đình đặc biệt là người chồng để đẩy lùi... nỗi sợ ấy.

Đối mặt với nhiều nguy cơ

Vân Thanh, 30 tuổi, sống ở Hà Nội, có công việc tốt, thu nhập khá. Cô có cuộc sống tinh thần phong phú, quan tâm đến chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp và thường xuyên trải nghiệm khám phá các địa điểm mới trong nước và quốc tế. Mặc dù không ít người tán tỉnh, song Thanh vẫn “chảnh”, không mở lòng với ai.

Lý do cô đưa ra là vì chưa muốn ràng buộc bởi bất cứ ai. “Với tôi, việc gặp gỡ, cà phê với đồng nghiệp, đi du lịch khám phá mọi miền cùng bạn bè, hay cuối tuần quây quần bên bố mẹ, người thân thú vị hơn nhiều so với việc ngồi nói chuyện, tìm hiểu một chàng trai nào đó. Tôi thấy, thời gian để sống cho bản thân, chăm sóc bố mẹ quan trọng hơn cho một mối quan hệ yêu đương” – Thanh nói.

Còn Hoàng Minh, 29 tuổi, đã có người yêu. Trên facebook cá nhân của cô thường xuyên “khoe” các bức ảnh hai người check-in ở những địa điểm sang chảnh, các món ăn ngon, những status lãng mạn, sến súa… Song, dù bố mẹ ra sức thúc giục kết hôn để ổn định cuộc sống, nhưng Minh lại vẫn cứ đủng đỉnh, chần chừ. Minh cho rằng, em chưa sẵn sàng để bước vào hôn nhân.

“Em độc lập, hướng ngoại và chưa muốn bị ràng buộc. Thời điểm này, em đang muốn khẳng định vị trí của mình trong công việc, nếu lấy chồng sinh con thì chắc chắn công việc sẽ bị ảnh hưởng, mất cơ hội, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến thu nhập” – Minh nói và lấy hình mẫu một số người bạn của mình đang tất bật chăm sóc con nhỏ, không có thời gian giao lưu sau giờ làm vì phải về chăm sóc gia đình, hay có người phải nghỉ việc, tạm thời từ bỏ ước mơ để dành toàn thời gian cho con cái, gia đình…

Kết hôn, sinh con để thực hiện trách nhiệm với gia đình và xã hội - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngoài những lý do trên, nhiều cô gái trẻ hiện nay ngại lấy chồng, sợ sinh con bởi họ đã từng trải qua nhiều đổ vỡ, bị tổn thương trong quá khứ hay chứng kiến những cuộc hôn nhân không tốt đẹp của người thân, bạn bè xung quanh.

Hồng Phương, đến từ Thanh Hoá cho biết, ngày bé, cô ám ảnh việc bố đã thờ ơ, lạnh nhạt với con, ép mẹ sinh thêm chỉ vì mẹ cô chỉ sinh được 3 cô con gái. Mẹ cô nhẫn nhục, chịu đựng, cố sinh thêm em thứ 4, thì bị mang thai ngoài dạ con, dẫn đến cắt buồng trứng. Do không thể sinh cho gia đình chồng một “quý tử”, mẹ cô luôn bị coi thường, chê trách. “Tôi sợ mình kết hôn sẽ lặp lại nỗi đau của mẹ” – Phương nói.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Chỉ số già hóa (số người cao tuổi trên 100 trẻ em dưới 15 tuổi) tăng nhanh từ 2009, xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.

Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội già hóa sang xã hội già. Xu thế “lười” kết hôn, không muốn sinh con trong một bộ phận giới trẻ càng khiến khả năng già hóa dân số nước ta tăng cao. Theo các chuyên gia xã hội học, xu hướng lười yêu, ngại cưới, sợ sinh con và thích độc thân đang dần trở thành xu hướng và phát triển mạnh mẽ trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Sự phát triển của Internet, mạng xã hội cũng khiến người trẻ thu mình, ngại các mối quan hệ xã hội khác bên ngoài.

Ở góc độ tích cực, xu hướng lười yêu, ngại cưới giúp cá nhân phát huy được bản ngã, thể hiện năng lực trong công việc, cống hiến nhiều hơn cho xã hội nhưng nó cũng gây ra những tác động tiêu cực vô cùng lớn như: phân hóa khoảng cách giới trong xã hội; đẩy nhanh tiến trình già hóa dân số, gây nên nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai; nền tảng gia đình - tế bào của xã hội sẽ bị lung lay; không có mối quan hệ tình yêu, hôn nhân bền vững khiến con người dễ gặp các vấn đề về tâm lý...

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, sinh con ở người lớn tuổi sẽ có nhiều nguy cơ không tốt cho mẹ và bé, dễ dẫn đến một thế hệ “yếu đuối” về mặt sinh học, ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Kết hôn, sinh con để thực hiện trách nhiệm với gia đình và xã hội - ảnh 2
Ảnh minh họa

Chia sẻ, đồng cảm giúp người trẻ xóa bỏ nỗi sợ

Cũng theo báo cáo của Cục Dân số, Bộ Y tế, số liệu ước tính cho thấy tổng tỷ suất sinh năm 2023 của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ) và ở dưới mức sinh thay thế. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra (2,1 con/phụ nữ). Nếu mức sinh tiếp tục giảm, theo dự báo của Liên Hợp Quốc, năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An hiện nay.

GS.TS Phan Thị Kim, Viện trưởng Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho biết: Năm 2023, dân số Việt Nam là 100,3 triệu người, trong đó nữ giới chiếm 50,1%. Tỷ lệ sinh/1 phụ nữ của Việt Nam hiện là 1,7-2, trong đó ở TP Hồ Chí Minh chỉ là 0,9, tương đương với nhiều quốc gia ở châu Á cũng đang có tỷ lệ sinh thấp khiến Chính phủ phải có biện pháp khuyến khích sinh đẻ như Singapore: 0,9; Hàn Quốc: 0,7; Nhật Bản: 0,6;

Theo TS Phan Thị Kim, chúng ta cần có giải pháp để khuyến khích các bạn trẻ kết hôn, sinh đủ con. Cụ thể, đó là có chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ sinh;  trợ cấp cho phụ nữ khi sinh con thứ 2, 3; hỗ trợ cho gia đình có nhiều con; duy trì chế độ nghỉ chăm con ốm đau đối với cả vợ và chồng; cải thiện an sinh xã hội và thu nhập cho người lao động; xây dựng nhà ở xã hội để thanh niên và các gia đình trẻ có cơ hội tiếp cận thuê hoặc mua với giá thấp;

Kết hôn, sinh con để thực hiện trách nhiệm với gia đình và xã hội - ảnh 3
Ảnh minh họa

Một số giải pháp kỹ thuật khác có thể được kể đến, theo TS Phan Thị Kim là mở rộng mạng lưới với đầy đủ trang thiết bị và thầy thuốc tại phường xã để các cặp vợ chồng có con nhỏ có thể dễ dàng thăm khám, chăm sóc về mặt y tế cho con thay vì phải đi bệnh viện xa, vượt tuyến rất vất vả; có hệ thống trường mẫu giáo, cấp 1 ở khu dân cư để cha mẹ thuận tiện trong đưa đón con, mức học phí cũng phù hợp với thu nhập sẽ giúp người trẻ giảm áp lực nuôi con; có dịch vụ để giảm thời gian nội trợ cho phụ nữ.

TS Kim cho biết, hiện nay, đánh giá cho thấy, người phụ nữ khi sinh, nuôi con sẽ mất nhiều thời gian cống hiến cho sự nghiệp, chăm lo cho bản thân hơn so với nam giới. Vì vậy, việc người thân trong gia đình san sẻ việc nhà, cộng với xã hội có thêm các giải pháp giúp người phụ nữ giải phóng khỏi công việc nội trợ sẽ giúp các bạn trẻ không cảm thấy “ngại” sinh con và bản thân bị thiệt thòi.

Một giải pháp nữa cũng rất quan trọng là phải tăng thời lượng truyền thông để nâng cao nhận thức cho thanh niên về chủ đề hôn nhân và gia đình: Cần kết hôn sớm và sinh con để thực hiện trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.