Điểm Du lịch xã Dương Xá:

Kết nối lịch sử và hiện đại

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Xã Dương Xá, huyện Gia Lâm có khu di tích đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan nổi tiếng. Từ cuối năm 2022, xã được thành phố công nhận là Điểm du lịch. Ngay trong Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã có hàng vạn du khách đến tham quan, chiêm bái và tưởng nhớ công lao của tiền nhân và kết nối với hiện tại.

Từ trung tâm thành phố Hà Nội theo Quốc lộ 5 chừng 20km, khu di tích đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan nằm bên Quốc lộ 5, thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm. Đây là vùng đất cổ thuộc trấn Kinh Bắc xưa, là vùng căn cứ địa cách mạng thời kỳ chống Pháp bảo vệ Tổ quốc, nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị, có khu di tích đền thờ Hoàng Thái hậu - Nguyên phi Ỷ Lan, bao gồm: Chùa, đền, điện, sơn trang nằm trong khuôn viên rộng khoảng 3ha có sân, nhà thủy đình, cây xanh các loại.

Theo sách sử ghi, Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến (1044 - 1117), cũng có sách ghi bà là Lê Thị Yến Loan hay Lê Thị Khiết. Bà xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở hương Thổ Lỗi, xưa thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm. Bà vốn là một thôn nữ, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm. Năm Quý Mão 1063, qua một lần về viếng thăm chùa Dâu ở Thuận Thành, vua Lý Thánh Tông có cảm tình với bà và đón vào cung, được phong là Nguyên Phi Ỷ Lan, rồi Thái hậu Linh Nhân. Năm 1069, khi vua Lý Thánh Tông cầm quân đi đánh giặc đã trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Nguyên Phi Ỷ Lan đã góp phần cai quản việc nước, thu phục nhân tâm, tạo điều kiện giúp vua đánh thắng giặc Chiêm Thành. Đến năm 1072, Lý Thánh Tông qua đời, Càn Đức lên ngôi vua mới có 7 tuổi (vua Lý Nhân Tông), bà buông rèm điều khiển việc nước, cùng Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt tổ chức đánh thắng giặc Tống xâm lược vào năm 1076.

Nguyên Phi Ỷ Lan là vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ vua Lý Nhân Tông đã hai lần buông rèm nhiếp chính thay vua (chồng và con) trị quốc an dân, đắp đê phòng lụt, chống giặc ngoại xâm, chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài, giúp dân chăm lo sản xuất, trồng dâu nuôi tằm, se tơ dệt lụa, cấm giết trâu bò, mở kho cứu đói, đổi mệnh cho cung nữ... Những công lao có đóng góp to lớn của với quốc gia Đại Việt đã được lịch sử ghi danh và đưa vào hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất trong lịch sử phong kiến nước nhà.

Kết nối lịch sử và hiện đại - ảnh 1
Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN thành phố Hà Nội, lãnh đạo xã dâng hương tại đền thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. ảnh Ngọc Lam

Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, chùa Bà Tấm (Linh Nhân Tư Phúc Tự) do chính Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng và khánh thành vào tháng 3 năm Ất Mùi (1115). Có thể khẳng định, về quy mô và mặt bằng kiến trúc, một di tích nổi tiếng, gắn liền với lịch sử Thăng Long - Hà Nội hơn ngàn năm tuổi. Dấu tích nền móng kiến trúc và thành bạc đá của chùa Linh Nhân Tư Phúc thời Lý (năm 1115) được khai quật lần 2 năm 2013-2014. Với những di vật cổ của thời Lý hiện còn đã đưa khu di tích chùa và đền thờ bà Ỷ Lan ở Dương Xá trở thành trung tâm văn hóa nổi bật nhất, quan trọng nhất trong hệ thống di tích tưởng niệm Nguyên Phi Ỷ Lan.

Nơi đây còn là điểm di tích cách mạng trong thời gian tiền khởi nghĩa, các đồng chí Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ như: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng... đã về đây hoạt động.

Năm 2010, để tưởng nhớ công đức của bà Ỷ Lan, Ban quản lý di tích đền đã tôn tượng đài Nguyên Phi Ỷ Lan cao 9,1m, nặng 30 tấn đúc bằng đồng nguyên chất, đằng sau có bức phù điêu đá xanh 31,2m, tượng đặt ở bên trái cửa đền, trên quảng trường rộng lớn, thoáng mát. Hàng năm, từ 19 đến 21 tháng 2 Âm lịch, du khách thập phương lại hành hương về Dương Xá, tham dự lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày Nguyên Phi Ỷ Lan đăng quang và ngày 24, 25 tháng 7 Âm lịch ngày mất của bà.

Cùng nhóm bạn theo tour du lịch Bát Tràng - Dương Xá - Phù Đổng, chị Tạ Thị Thanh Thủy ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai đã có trải nghiệm thú vị trong một ngày, bởi vừa được chiêm bái ở khu di tích Nguyên phi Ỷ Lan, có những giờ phút tìm hiểu về lịch sử, được hiểu hơn về một quốc mẫu đáng kính, vừa được xem người dân làm nghề và đến với không gian hiện đại vui chơi ở Khu Vinhome OceanPark. Khi về chị Thủy còn mang theo một số sản phẩm OCOP của làng nghề như hành phi thơm ngon.

Bà Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xá cho biết, từ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, đã có hơn 20.000 lượt khách đến tham quan khu di tích đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan, làng nghề chế biến nông sản Thuận Quang và mua sắm các sản phẩm OCOP của địa phương. Bên cạnh đó, Dương Xá cũng là địa bàn có Trung tâm thương mại VinCom OceanPark- Khu Vinhome OceanPark, từ đây tạo thành chuỗi du lịch tâm linh - trải nghiệm - mua sắm - nghỉ dưỡng, đem lại nhiều hứng thú cho du khách.

Trước khi được công nhận là điểm du lịch, từ năm 2020 đến đầu năm 2022, xã đã đón 105.000 lượt khách du lịch, trong đó có 1.500 lượt khách quốc tế và 103.500 lượt khách nội địa, tổng doanh thu 845 tỷ đồng. Năm 2022, nơi đây trở thành địa chỉ đỏ du lịch bởi được Sở Du lịch Hà Nội công nhận là “Điểm du lịch xã Dương Xá”. Theo bà Phạm Thị Thúy, năm 2023, UBND xã đã có kế hoạch triển khai các nhiệm vụ đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách, nhất là trong mùa dịp du xuân.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.