Khám phá tiềm năng ở trẻ tự kỷ

VIỆT ĐAN - HUYỀN TRANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 2/4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, điều trị, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn.

Dùng hội họa để can thiệp trẻ tự kỷ

Từ Thanh T (Cần Thơ) năm nay đã 23 tuổi. T mồ côi cha mẹ từ khi 10 tuổi và sống với ông bà nội. Từ bé, hành vi và ngôn ngữ của T đã có những dấu hiệu bất thường, nhưng không nhận được sự cảm thông. Mọi người nói T là “dở dở ương ương”, T không được đi khám bệnh mà trái lại, nhận được những lời nói cay nghiệt và trận đòn vô cớ của người chăm sóc. Chính điều này khiến bệnh của T ngày một nặng thêm. T lớn lên với sự lầm lỳ, sợ giao tiếp, sợ mọi thứ xung quanh. Bị bạn bè chế giễu, kì thị, T càng thấy buồn và tủi thân, càng co mình lại.

Cuộc sống bế tắc khiến cô bé phải bỏ nhà ra đi khi đang học dở cấp ba. Lang thang ở thành phố Hồ Chí Minh, em được nhận vào mái ấm tình thương. Ở đó một năm, T ra Đà Nẵng, tự kiếm sống và xin đi học trở lại ở trung tâm giáo dục thường xuyên của thành phố. Ban ngày, T đi học, ban đêm, cô bé giúp việc ngoài cảng cá, ai nhờ gì làm nấy. Thông qua một group của trẻ tự kỷ, T quen cô Phan Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền trẻ em.

Cô Hương định hướng cho T ra Hà Nội học, đồng thời tạo điều kiện cho em tham gia lớp học vẽ miễn phí ở trung tâm. T được cầm cọ, được pha màu, được vẽ nên những điều mình nghĩ. Những ngày ở lớp học vẽ, với T và các em nhỏ tự kỷ không chỉ đơn thuần là vẽ, mà còn là giờ học phát âm tiếng Việt sao cho tròn vành rõ tiếng, là học kĩ năng sống, học về giao tiếp, cách biểu lộ cảm xúc cá nhân… Sự tiến bộ về mọi mặt ở lớp học này không thể tính bằng ngày, bằng tuần mà tính bằng tháng, bằng năm.

Thế giới tranh của T trong trẻo và tươi xanh với những cánh đồng hoa, hàng cây đổ bóng, hay một ô cửa gỗ phủ đầy hoa lá... Điều đó nói lên rằng, trẻ tự kỷ có thể trở thành những hoạ sĩ tài năng, những người thợ lành nghề bằng chính khả năng của mình.

Khám phá tiềm năng ở trẻ tự kỷ  - ảnh 1
Trẻ tự kỷ ở Trung tâm Giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội đang
tỉ mỉ làm đồ handmade.
 

Có con bị tự kỷ tăng động, chị N.N.D, trú tại quận Thanh Xuân lúc đầu vô cùng hoang mang, lo lắng. Chị cho biết, con trai chị là H.M, sinh năm 2006. Năm 2,5 tuổi, chị phát hiện con bị hội chứng tự kỷ thể tăng động. Thời gian trị liệu cho con, chị gác lại những cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp để đồng hành bên con. Chị đọc tài liệu về thể tăng động, cùng các thầy cô ở lớp quan tâm, can thiệp cho con. Con chị đến nay đã trầm tĩnh hơn, ý thức học tốt lên.

Thấy con thích vẽ tranh, chị đều cho con tham gia vào các lớp học hội hoạ dành cho trẻ tự kỷ. Bản thân chị D cũng tự đi học thêm 1 lớp học cảm thụ nghệ thuật để con có trải nghiệm vẽ. “Không kỳ vọng con thành công này nọ nhưng chỉ cần con phát huy được sở trường của mình” - chị D nói và nhận thấy con trai thích vẽ, đã có những tác phẩm được trung tâm đánh giá cao.

Trong trẻ tự kỷ là cả thế giới phong phú

Một đứa trẻ tự kỷ vất vả 7-8 tháng trời mới viết được một chữ O, không biết phải mất bao năm mới có thể nhớ bảng chữ cái, nhưng kì diệu thay, chỉ được dạy trong 2 ngày, chúng có thể khâu hoàn chỉnh một chiếc túi nhỏ để tặng mẹ và bà. Nghệ thuật khiến tụi trẻ tự kỉ háo hức và say mê đến lạ. Đó là điều thú vị mà các cô giáo ở Trung tâm giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội nhận thấy.

Ở Trung tâm Giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội, trẻ em mắc chứng tự kỷ ở nhiều phổ khác nhau được trao cơ hội trải nghiệm, thử tận tay làm đồ handmade như nơ cài đầu, dây chun buộc tóc, đóng sổ có bìa vải, làm hoa giấy tặng mẹ ngày 8/3… Tất tần tật những sản phẩm giàu tính thiện ấy sẽ được rao bán trên facebook, hoặc bán qua kênh bạn bè, đồng nghiệp của các cô giáo, cán bộ… Số tiền ấy quay vòng cho hoạt động của Trung tâm, cũng là cách để trẻ tự kỷ được nhận lương từ chính công sức lao động của mình.

Khám phá tiềm năng ở trẻ tự kỷ  - ảnh 2
Các sản phẩm của trẻ tự kỷ.

Nhìn những phong bao lì xì nhiều màu sắc, những bức tranh với nhiều mảng màu “bí hiểm”, độc đáo và sáng tạo, cô giáo Chu Thị Chung Thuỷ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp Hà Nội mỉm cười: Đừng bảo trẻ tự kỷ không có cảm xúc, thậm chí cảm xúc của chúng rất mạnh, cô giáo đôi khi phải “nương theo” để cùng chúng làm đồ handmade hay dạy chúng học các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

“Tự kỷ là một thế giới phong phú, mình phải tìm được điểm mạnh của từng bạn để dẫn dắt chúng làm đúng sở trường, sở thích của mình…” - chị Thủy nói.

Niềm vui của trẻ tự kỷ khi làm xong một  bao lì xì, một cái chun buộc tóc là một thì niềm hạnh phúc của các cô giáo nhân lên 10. Những niềm vui ấy đến bất ngờ, không dự báo trước. Chị Thủy cười: “Có khi 6 tháng trời con không có chút tiến bộ nào, nhiều lúc cô thấy chùn chân, mệt mỏi, nhưng bất ngờ sang tháng thứ 7, con lại cầm kéo lành nghề, hoặc con đếm được 10 chiếc bao lì xì để vào từng tệp nhỏ cho cô… Từng hành động nhỏ làm cô chảy nước mắt. Những niềm vui không phải giáo viên nào cũng có cơ hội trải nghiệm”.

Là người gắn bó khá lâu với nhóm trẻ đặc biệt, chị Thuỷ lúc nào cũng đau đáu dạy trẻ tự kỷ hay những đứa trẻ chậm phát triển. Chị bảo, có rất nhiều trung tâm dạy trẻ tự kỷ, nhưng rất ít trung tâm dạy kĩ năng nghề nào đó để các bạn đó làm được sản phẩm, bán ra, lấy lương và hòa nhập cộng đồng. Chị muốn trao cho trẻ tự kỷ cơ hội thực hiện ý tưởng của mình.

Ở Trung tâm này, trẻ được dạy theo 3 mô hình, một là lớp can thiệp (dạy trẻ các vận động tinh, thô, kỹ năng hướng nghiệp như dùng dao, kéo, bột, hồ…); hai là lớp kỹ năng (dạy văn hóa theo trình độ trí tuệ của từng đứa trẻ, dạy trẻ quét dọn, sắp xếp đồ, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình…); ba là lớp hướng nghiệp, học hội họa, học làm đồ handmade để trẻ có thể bán đồ, nhận lương và dần hòa nhập cộng đồng.

Khám phá tiềm năng ở trẻ tự kỷ  - ảnh 3
Nếu được khơi gợi, trẻ tự kỷ có thể làm được nhiều điều kỳ diệu.

Từ trước đến nay, trẻ tự kỷ ở Trung tâm chỉ mới mày mò làm sổ cá nhân, làm chun buộc tóc, phong bao lì xì Tết hay làm hoa giấy… Mỗi cuốn sổ có giá khoảng 40-45.000/cuốn, bao lì xì bán giá 30.000/10 cái… Ý tưởng sắp tới của Trung tâm là phát triển cửa hàng hoa, để dạy trẻ tự kỷ bó hoa, đi ship hoa cho khách, thú vị hơn là cho các con làm tranh hoa khô tận dụng từ những bông hoa khô…

Theo họa sĩ Đỗ Hiệp, chủ nhiệm CLB Nghệ sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, trẻ tự kỷ luôn là thế giới đặc biệt. Những gì chúng thể hiện trong tranh là tâm tư nguyện vọng của các bé. Có những trẻ chưa biết nói đã viết vẽ, đó là cách để bộc lộ ngôn ngữ. Với trẻ tự kỷ, vẽ tranh là cách giao tiếp và bày tỏ ý tưởng của các con. Có nhiều mảng màu trong tranh của trẻ khiến nhiều người ngạc nhiên bởi sự đặc biệt của nó. Nhiều tác phẩm có sự sáng tạo, với mảng màu đầy sức sống và kỳ lạ…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.