Khi con trai muốn... làm vợ người ta

Chia sẻ

… “Thú thật với anh, tôi cũng là cán bộ, có học hành, hiểu biết về xã hội cũng không đến nỗi kém, vậy mà về chuyện của cậu con trai, cả hai vợ chồng tôi bối rối, mất ăn mất ngủ cả năm nay rồi” – người đàn ông ngoài 50 tuổi, mở đầu câu chuyện của mình khi đã yên vị trong văn phòng tư vấn của chúng tôi.

Để anh bình tâm chia sẻ câu chuyện của mình, tôi nói rằng chúng ta không thể biết hết tất cả mọi điều trong cuộc sống. Anh kỹ sư tin học vẫn phải gặp bác sĩ khi ốm đau, cán bộ ngân hàng vẫn phải “nhờ cậy” các thầy cô giáo dạy dỗ con mình, các nhà báo cũng phải tìm đến luật sư khi có những vấn đề liên quan tới pháp luật. Xã hội phân công nghề nghiệp theo lĩnh vực hẹp và chuyên môn sâu. Cuối cùng, người bố tuổi trung niên ấy chia sẻ câu chuyện của mình với chúng tôi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cháu Kiên (tên đã thay đổi) là con trai của anh chị, sinh năm 2001, năm nay 20 tuổi, đang là sinh viên của một trường đại học lớn ở Hà Nội. Gia đình anh chị có hai cô con gái và “cậu út” này. Khi còn đi học phổ thông, con trai anh chị là cậu bé ngoan ngoãn, tính tình vui vẻ, cởi mở, dễ làm quen với bạn mới và dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Cháu học rất tốt, mặc dù không phải học ngày học đêm. Cháu vừa là cán bộ lớp, vừa làm chủ nhiệm mấy câu lạc bộ của học sinh trong trường như câu lạc bộ “Cho đi là còn mãi”, câu lạc bộ “Khát vọng trẻ”. Các thầy cô giáo hài lòng về cậu và kết quả là cậu đỗ vào trường đại học mà mình yêu thích với kết quả thuộc top đầu.

Anh Cường (tên vị khách, đã thay đổi) nói rằng vì gia đình có điều kiện kinh tế, lại có mỗi đứa con trai, cháu lại làm cha mẹ hài lòng vì kết quả học tập cũng như lối sống, nên khi cháu lên Hà Nội nhập học năm đầu, gia đình đã thuê hẳn cho cháu một căn hộ, có đủ tiện nghi để con sinh sống. Tin tưởng ở con, lại nghĩ con là sinh viên rồi, tức là “đã lớn”, nên anh chị ít dành thời gian cho con hơn, tôn trọng sự độc lập của con nhiều hơn. Anh chị mở tài khoản ngân hàng cho con, tiền bạc ăn uống, chi tiêu hàng tháng anh chị chuyển vào tài khoản. Tiền thuê nhà, anh chị trả cả năm cho chủ nhà ngay sau khi ký hợp đồng. Cứ khoảng 2 tháng, con trai anh chị lại về quê một lần, thường là khi nhà có việc như giỗ chạp, lễ Tết. Thấy con lớn lên, khoẻ mạnh, vẫn tích cực với các hoạt động xã hội như trước, anh chị yên tâm.
Tuy nhiên, một lần đi dự hội nghị tại Hà Nội, anh đã không ở khách sạn theo bố trí của Ban tổ chức, mà về ở cùng con trai 2 tối. Con trai anh ban ngày đi học, buổi tối cũng có việc đi cùng các bạn, nên anh ở nhà một mình xem truyền hình và đợi con về. Trong thời gian đó, anh mở máy tính của con trai, mới phát hiện ra “sự việc động trời”. Trong máy tính xách tay của con trai đầy những phim tình dục đồng giới được tải về, chủ yếu là phim của nước ngoài. Trong phần lịch sử tìm kiếm mạng internet, anh thấy con truy cập vào rất nhiều trang “web đen” có nội dung tình dục đồng giới nam. Anh nghĩ có thể con anh đã lớn, tò mò xem những thứ mà một thanh niên mới lớn đang muốn khám phá, bởi chính anh cũng đã có thời khao khát tìm hiểu “chuyện ấy”. Nhưng anh thật sự không thể chịu đựng được nữa khi thấy trong máy của con còn có nhiều đoạn clip ghi lại cảnh con trai anh “âu yếm”, “yêu sai cách”, có quan hệ như vợ chồng với một chàng trai khác, mà con anh đóng vai trò là “người vợ”. Chúng làm đủ mọi thứ, với đủ mọi tư thế, kiểu dáng, như một đôi vợ chồng, chỉ có điều con anh bị cậu kia “hành hạ”, bởi nó đóng vai “ở dưới”.

Anh không phải là chưa bao giờ nghe hay đọc về hiện tượng đồng tính, tình dục đồng giới, nhưng không bao giờ nghĩ con trai mình lại như vậy. Đầu óc anh quay cuồng, khi nghĩ đến việc đã hắt hủi 2 cô con gái vừa xinh, vừa học giỏi, ép vợ sinh “cậu út”, để gia đình có người “nối dõi tông đường”. Nếu giờ đây, con trai anh lại là thanh niên đồng tính, lại muốn “làm vợ người ta”, anh làm sao mà sống nổi?

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh kiên nhẫn chờ con về. Việc đầu tiên khi con trai vừa bước vào nhà, anh giáng vào mặt con một cái tát như trời đánh, kèm theo câu mắng, chửi mà chưa bao giờ anh làm với các con là: “Tao không ngờ mày lại sống khốn nạn thế này”. Cậu con trai chỉ biết ôm mặt vì đau, không hiểu có chuyện gì mà mình bị bố đánh. Rồi buổi tối hôm đó, anh cũng đã khai thác được ở con những thông tin ban đầu. Con trai anh thú nhận là có lên mạng xem phim “giải trí”, đầu tiên là xem “phim vợ chồng” bình thường. Rồi cậu vô tình bấm vào đường link, dẫn tới một trang web của những người đồng giới. Những hình ảnh, những thước phim ấy khiến cậu tò mò, muốn xem tại sao hai người con trai lại có thể làm được chuyện đó. Càng xem càng thấy mới lạ, hấp dẫn. Từ đó cậu hay xem nhiều hơn, khi xem cậu thường “tự sướng” để thoả mãn nhu cầu của một chàng trai đang lớn, tuổi khát yêu. Rồi một hôm, có cậu bạn cùng lớp đến chơi, cậu cũng cho “cậu bạn” xem những phim nói trên, rồi hai đứa “hứng tình”, tắt phim và quay ra “thực hành” như những gì nhìn thấy trên phim.

Trả lời câu hỏi “có phải mày là thằng gay không?” của bố, cậu con trai trả lời “con cũng không biết nữa, nhưng con sai rồi, con đang lầm đường lạc lối, sa đà xem phim rồi dẫn đến đánh mất giới tính của mình, con xin lỗi bố và con hứa sẽ từ bỏ tất cả những thứ này, con sẽ dành nhiều thời gian cho học tập và rèn luyện sức khoẻ…”. Anh Cường tin con nói thật, chỉ là nó tò mò, sa đà, lạc lối, giờ nó nhận ra mình sai, sẽ cho nó thời gian để “sửa sai”.

Sang đến năm học thứ hai, vì dịch Covid-19 bùng phát, các trường đại học cho sinh viên nghỉ, về nhà chuẩn bị học online. Chính vì con trai phải rời Hà Nội về nhà ở cùng bố mẹ, nên bố mẹ nắm rõ thời gian biểu, lịch sinh hoạt, thói quen, lối sống của con, anh chị mới thật sự lo lắng và tìm đến văn phòng tư vấn của chúng tôi.

Anh nói rằng có lẽ con anh không phải chỉ là tò mò, sa đà vào chuyện xem phim đồng tính, mà nó đã “nghiện tình dục đồng giới”. Ở nhà, con anh vẫn lén lút xem phim ấy rồi “tự xử”. Thỉnh thoảng con anh có đưa bạn trai về chơi, giới thiệu là học cùng trường, khác khoa, rồi hai đứa lên phòng của nó để “học bài”. Anh cài đặt phần mềm theo dõi con, thấy con chat chit với nhiều các bạn trai khác, thường xuyên gửi ảnh khoả thân và cảnh quan hệ nam nam cho nhau. Anh còn phát hiện con trai anh “sex ảo” với một người con trai khác qua zalo có hình. Có hôm, hơn mười giờ đêm rồi mà khi nhận được tin nhắn của một thanh niên, con anh mặc quần áo, ra đường gọi taxi và đi, chắc là để hẹn hò với cậu ấy, mặc cho cha mẹ ngăn cản. Đặc biệt, con trai anh không có bất cứ bạn gái mới nào sau khi học xong phổ thông và cũng chưa phát hiện thấy yêu cô bạn gái nào…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rất có thể con trai anh là người đồng tính nam. Chuyện này, nếu có thật, cũng không có gì là “kinh khủng”, bởi trong bất cứ xã hội nào, ở phương Tây hay phương Đông, vẫn tồn tại một nhóm thiểu số những người tình dục đồng giới, tức là có sự hấp dẫn về giới tính, tình dục với người cùng giới tính với mình. Kinh nghiệm chúng tôi cho thấy, người cần được tư vấn chính là cha mẹ, chứ không phải là những đứa con đồng tính. Cha mẹ cần được làm quen từ từ, được cung cấp thông tin nhiều hơn nữa, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận mọi hoàn cảnh xảy ra với con mình. Chính vì thế, tôi không kết luận hay khẳng định rằng con trai anh ấy là người đồng tính. Thay vào đó chúng tôi “nói nước đôi, nước ba”, rằng có thể con trai anh là “trai thẳng”, trai bình thường, nhưng bị bạn trai khác lôi kéo, rủ rê vào mối quan hệ đồng giới, rồi thành nghiện, không dứt ra được. Con trai anh cũng có thể chỉ là “yêu tạm bạn trai” trong khi chưa có người yêu là bạn nữ. Nhưng cũng có thể bạn ấy thực sự là người đồng tính. Để xác định chính xác nhất, con anh ấy là ai, chúng tôi cần gặp con trai anh ấy, lắng nghe chia sẻ sâu hơn, kỹ hơn về cảm nhận cũng như trải nghiệm của bạn ấy, làm những trắc nghiệm khách quan để đánh giá về tình trạng của cậu ấy. Sau khi đã xác định được bạn ấy là ai, chúng tôi sẽ quay lại tư vấn cho gia đình cách ứng xử, đối mặt, chấp nhận hay thay đổi con mình…

Người cha đồng ý với những gì chúng tôi trao đổi, lập kế hoạch. Anh xin phép ra về và hẹn một buổi khác đưa con đến để được chúng tôi “giúp đỡ”. Anh không quên nói một câu rằng: “Trăm sự nhờ các anh chỉ bảo, chúng tôi có một mình nó là con trai, là niềm tin và hy vọng của cả gia đình, họ tộc!”…

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.