Kho báu của ông
(PNTĐ) - Chiều Chủ nhật, hai mẹ con tôi vô tình tìm thấy một hộp sơn mài cổ, đặt trong tủ sách của gia đình. Con tôi nín thở, khe khẽ hỏi tôi: Mẹ ơi, hình như là kho báu.
Tôi chưa nhớ ra đó là cái hộp gì cho tới khi cùng con mở nắp hộp ra. Bên trong, là những mảnh giấy đã ố vàng với những nét chữ viết bằng mực xanh, tuy hơi nhòe nhưng vẫn đọc được khá rõ ràng. Lúc này, thì mọi ký ức trong tôi bỗng ùa về. Tôi bỗng reo lên theo bản năng: “À, mẹ biết rồi, đây là những tờ khẩu hiệu mà ông của mẹ, tức là cụ của các con vẫn dán trong nhà hồi cụ còn sống”.
Quả nhiên, những tờ giấy đã đưa tôi trở về thời tôi chỉ mới hơn 10 tuổi. Tôi nhớ rất rõ hồi đó, trong nhà tôi có rất nhiều tấm giấy như thế, chúng tôi vẫn thường gọi đó là tờ khẩu hiệu. ở trong phòng của tôi là các tấm có nội dung: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, “Ấu bất học, lão hà vi”. Ở lối vào phòng của ông tôi là các tấm giấy dán với dòng chữ: “Người già để đức cho con”, “Tre già măng mọc”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Ở phòng của bố mẹ tôi là các khẩu hiệu như: “Phúc đức tại mẫu”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”… Rồi ngay ngoài cửa ra vào, trên cánh cửa, ông tôi cũng dán các chữ: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Chí, Tín”, “Tâm, Đức, Phúc”… Những mảnh giấy được ông tôi viết nắn nót, to, rõ ràng, bên ngoài kẻ khung, trang trí hoa lá rất cẩn thận.

Hồi đó, tôi chỉ biết là ông dán các chữ đó vậy thôi, nhưng có nhiều người độc miệng thì còn bảo: “Ông tôi chắc là đang chửi xéo ai đó”. Ông tôi nghe được nhưng bỏ ngoài tai, ông bảo tôi: “Sau này lớn, tôi sẽ hiểu những khẩu hiệu ông viết là gì”. Tôi nhớ lại, khi bán nhà để ông chuyển về quê, mẹ tôi đã cẩn thận bóc những tờ khẩu hiệu này xuống đem cất đi. Và sau đó, bằng một cách nào đó, những mảnh giấy đang nằm trong chiếc hộp mà con tôi gọi là “kho báu”.
Bây giờ, khi đã là một bà mẹ ở tuổi trung niên, bỗng nhiên thấy lại được những mảnh giấy của ông tôi viết cách đây hàng chục năm trước. Càng đọc chúng, tôi lại càng thấm thía và đã hiểu vì sao, tùy từng nơi mà ông dán những khẩu hiệu phù hợp. Với chúng tôi, đám trẻ con đang lớn, ông dán các câu về lòng biết ơn, nhắc chúng tôi phải học tập chăm chỉ. Với bố mẹ tôi, ông nhắc phải sống tốt để làm gương cho con cháu và nhớ đến hậu quả của việc nếu mắc lỗi thì có thể con cháu đời sau sẽ gánh chịu hậu quả. Với người già như ông, ông cũng tự nhắc mình phải để phúc cho con cháu, xứng đáng là cây cao bóng cả. Còn với mọi người nói chung tới chơi nhà, thì ông nhắc về đạo lý ở đời…

Tôi mới thấy, từ thời đó, ông tôi đã rất đề cao vai trò của việc giáo dục. Nhưng, thay vì dùng lời nhắc nhở, ông viết lời răn dạy được người xưa đúc kết lại rồi dán lên tường. Mỗi ngày, những nội dung trong các mảnh giấy đó đi qua đôi mắt chúng tôi mà vào tiềm thức, hành động của chúng tôi thật nhẹ nhàng.
Nâng niu kỷ vật của ông để lại, tôi không chỉ bồi hồi nhớ ông, nhớ tuổi thơ của mình da diết. Và hơn hết, tôi thầm cảm ơn ông và những bài học ông đã truyền dạy lại cho chúng tôi, để con cháu của ông đều đã lần lượt nên người. Đó quả là một kho báu quý giá.