Khổ vì con riêng giàu hơn con chung
(PNTĐ) - Anh bảo con chung hay con riêng cũng là núm ruột của mình, nhưng hoàn cảnh sống khiến con riêng trở nên giàu có hơn con chung, đã vô tình đẩy hai đứa trẻ đối địch lẫn nhau khi sống cùng trong một nhà. Cuộc hôn nhân của vợ chồng anh cũng vì thế mà lủng củng theo.
1.
“Con cái được sống trong điều kiện vật chất đầy đủ thì lẽ ra người làm cha như tôi phải mừng mới đúng. Vậy nhưng đây lại là nỗi niềm nặng nhất trong lòng tôi bây giờ, không biết phải làm sao mới đúng với từng đứa con”– anh mở đầu câu chuyện của mình với nỗi buồn thể hiện rõ ra mặt.
Anh bảo một người đàn ông từng bước qua một lần đổ vỡ hôn nhân, đối diện với nhiều thăng trầm trong cuộc sống như anh, cứ ngỡ sẽ chẳng có gì làm khó anh được. Vậy mà chuyện hàng ngày của những đứa con lại khiến anh rối như tơ vò, không biết phải ứng xử thế nào cho chúng đỡ tổn thương. Nhất là khi cả hai đứa con đang ở tuổi mới lớn, hay so bì, tị nạnh khiến anh rơi vào bế tắc.
Cách đây 2 năm, cuộc hôn nhân của anh đổ vỡ do vợ chồng không chung quan điểm sống, mâu thuẫn ngày một trầm trọng không thể hóa giải nổi. Cả hai quyết định chia tay, đứa con trai 9 tuổi được thỏa thuận về sống cùng bố. Anh kể, khi hôn nhân đổ vỡ, lòng anh xót xa vì để đến được với nhau, cả hai đã phải vượt qua nhiều vật cản từ sự không môn đăng hộ đối. Gia đình anh lúc ấy kinh tế bình thường trong khi nhà chị thuộc hàng giàu có. Chị xuất thân là tiểu thư sống trong nhung lụa từ bé, muốn gì được nấy. Kể cả việc lấy chồng. Dù bố mẹ phản đối nhưng vì chị một mực chỉ yêu và lấy anh nên cuối cùng họ cũng phải chiều lòng con gái.
Bước vào cuộc sống hôn nhân, cứ ngỡ tình yêu sẽ khiến họ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn nảy sinh trong cuộc sống. Nhưng không…, vợ anh vẫn giữ cách sống tiểu thư muốn gì được nấy, trong khi anh lại không đủ năng lực lẫn tiềm lực để chiều lòng vợ. Người đòi hỏi không được đáp ứng, người bị đòi hỏi luôn bị dồn vào thế quá sức chịu đựng… Họ dằn hắt lẫn nhau vì sự không thấu hiểu và thỏa mãn từ đối phương. Mâu thuẫn tích tụ lại đến một ngày nổ tung khiến cuộc hôn nhân của họ tan vỡ.

2.
Ly hôn, chị tự nhận thấy không thể “gánh vác” được trách nhiệm nuôi dạy con. Vì chị vẫn muốn theo đuổi cuộc sống tự do không vướng bận chuyện con cái, đặc biệt không muốn vì con riêng mà khiến việc tìm kiếm hạnh phúc sau này phải khó khăn. Bố mẹ chị cũng đồng quan điểm với con gái về vấn đề để lại con cho chồng cũ nuôi với lý do: Nó là con trai, là đích tôn nối dõi nhà nội nên phải sống với bố. Mặt khác, việc con gái họ sau ly hôn sẽ ra nước ngoài sống cũng không tiện mang con nhỏ theo. Đổi lại, họ sẽ chu cấp về vật chất cho đứa trẻ đầy đủ, đảm bảo nó không phải sống khổ sau khi bố mẹ ly hôn.
Vợ cũ của anh và ông bà ngoại của thằng bé giữ đúng lời hứa. Sau ly hôn, chị chu cấp con về tiền bạc đầy đủ. Ngoài việc gửi tiền cấp dưỡng, chị còn mua đồ dùng, giày dép, quần áo vào loại đắt tiền gửi đến cho con. Thằng bé thiếu gì là cứ gọi điện cho mẹ, ngay lập tức được đáp ứng. Anh ngầm hiểu đó là sự đền bù của một người mẹ dành cho con khi không sống cùng nó nên cũng chẳng ý kiến gì nhiều về việc đó. Thế nhưng kể từ khi anh tái hôn, rồi có con tiếp, những vấn đề của con chung, con riêng bắt đầu nảy sinh khiến gia đình bất ổn.
Vợ sau của anh chẳng giàu có như vợ trước, cuộc sống gia đình thuộc dạng làm đủ ăn, không dư giả gì. Trước đây, chuyện cấp dưỡng, mua sắm cho con riêng, vợ cũ của anh rất thoải mái, không bao giờ để ý chuyện dư thừa, tính toán với anh. Thế nhưng từ khi anh tái hôn, vợ mới của anh nắm quyền chi tiêu trong gia đình thì vợ cũ bắt đầu rạch ròi chuyện cấp dưỡng nuôi con và mua sắm cho thằng bé. Chị nói với anh phần cấp dưỡng đó sẽ trừ vào tiền chi phí đóng học, mua sắm cho con riêng. Nghĩa là, chị chịu trách nhiệm đóng toàn bộ tiền học phí cả năm học cho con một cục, quần áo, trang thiết bị học tập cũng do chị mua sắm hết. Trách nhiệm của anh là kèm cặp cho con học hành, chăm sóc khi sống cùng con.
Thế là Hoàng - con riêng của anh chị được đi học trường quốc tế, sáng có xe tuyến đón đi, chiều xe trả về tận nhà. Hai bữa ăn ở trường, chỉ có bữa tối ăn cùng gia đình. Hoàng được mẹ mua cho quần áo, giày dép hàng hiệu, điện thoại thông minh, tiền tiêu vặt thoải mái. Trong khi Chung - con chung của anh và người vợ sau lại có cuộc sống ngược lại với Hoàng.
Vì vợ chồng anh không có điều kiện để cho Chung học trường quốc tế, cũng chẳng đủ tiền để mua sắm đồ đắt tiền cho con giống như Hoàng. Chung nhiều lần so bì với anh trai, hỏi bố mẹ sao sống cùng một nhà mà Hoàng lại có nhiều thứ còn mình thì không. Anh nghe con hỏi mà lòng xót xa, bởi chẳng thể cấm vợ cũ mua sắm cho con, mà cũng chẳng nỡ bắt Hoàng không được dùng những thứ mẹ nó gửi tới. Anh chỉ còn cách nhỏ nhẹ bảo Hoàng chia sẻ bớt với em những thứ mình có.
- Ban đầu thằng bé thương em và nghe bố nên có đồ chơi mới là cho em dùng chung. Quần áo mặc ngắn lại nhường em, nó cũng biết ý mỗi lần mẹ đưa đi mua sắm thì lại xin mua thêm cho em một cái - anh kể.
Tuy nhiên, việc đó không kéo dài lâu bởi sự đố kỵ, để ý nhau của hai người phụ nữ trong quá khứ và hiện tại của anh. Vợ mới của anh cho rằng cách vợ cũ mua sắm, cho con riêng cuộc sống sang giàu một cách khác biệt khi nó chung sống với vợ chồng anh là bất hợp lý. Vì điều đó ảnh hưởng đến con chung của họ.
Cô ra điều kiện, vợ cũ phải dừng lại việc đó, để con riêng sống bình đẳng như con chung, nếu không thì đón con về nuôi dưỡng. Vợ cũ của anh thì cho rằng không ai có quyền cấm chị chu cấp cho con cuộc sống giàu sang. Nó là đứa trẻ thiệt thòi khi phải sống cảnh bố mẹ ly hôn, nên chị phải đền bù lại cho con. Anh làm cha đã không lo cho con cuộc sống sung sướng thì cũng không nên nghe vợ mới mà cấm cản việc chị làm việc đó.

3.
Hai người phụ nữ, ai cũng có cái lý của mình khiến anh là người đứng giữa chẳng biết ứng xử thế nào cho đúng. Cuộc sống của hai đứa trẻ cứ thế cuốn vợ chồng anh vào những mâu thuẫn lớn dần. Hạnh phúc bất ổn theo từ lúc nào không hay.
- Đầu năm nay, vợ cũ của tôi ra nước ngoài sống. Khi đi, cô sang tên tài sản là một ngôi nhà mặt phố đang dùng cho thuê 50 triệu/tháng cho con trai. Cô ủy quyền cho tôi giám hộ tài sản đó đến khi con trưởng thành thì trao lại cho nó. Cô ấy dự định ra nước ngoài tái hôn nên muốn chia tài sản riêng cho con, tránh sự tranh giành sau này khi có con với chồng mới. Khi vợ tôi biết được khối tài sản này, cô ấy muốn tôi sau này phải chia đều cho cả hai đứa con thay vì là để cho một mình con riêng, nhưng tôi không đồng ý. Vậy là vợ chồng lại bất hòa vì tài sản của con riêng, con chung - anh kể.
Vừa rồi, ông bà ngoại Hoàng sức khỏe yếu nên tính chuyện phân chia tài sản. Hoàng cũng được ông bà cho thừa kế một số tiền khá lớn, đồng thời ủy quyền cho con rể cũ giám hộ khối tài sản đó cho cháu ngoại mình. Với số tài sản được mẹ và ông bà ngoại cho, Hoàng trở thành người giàu có nhất trong gia đình anh.
Cũng vì Hoàng là đứa con giàu có và Chung là đứa con nghèo nên thế giới sống của hai đứa trẻ cũng khác nhau dù chúng lớn lên cùng nhau dưới một mái nhà. Anh làm cha, thương con đều nhau nhưng tiền bạc chi cho hai đứa lại hai mức. Anh không muốn tình trạng này cứ kéo dài vì sợ đến một ngày nào đó hai đứa con sẽ trở thành “kẻ thù” của nhau chỉ vì tài sản bên có bên không. Vì thế, anh hỏi, với tư cách là người giám hộ có quyền quyết định số tài sản đó, anh muốn sau này chia cho con chung một phần có được không?
Về lý, anh là người giám hộ tài sản, có quyền quyết định số tài sản ấy thay con nhưng không có nghĩa anh được quyền lấy tài sản của con riêng chia cho con chung khi chưa được sự đồng ý của con.
Về tình, hiện tại, cả vợ cũ lẫn ông bà ngoại của con riêng đều tin tưởng để cho anh giám hộ tài sản, anh cũng không nên phụ sự tin tưởng đó của họ. Nhưng điều mà anh có thể làm được trong khả năng của mình là dạy dỗ hai đứa con yêu thương, chia sẻ, đùm bọc nhau trong cuộc sống. Chỉ có tình yêu thương mới khiến hai đứa trẻ xóa đi khoảng cách giàu nghèo, anh có sẽ san sẻ bớt cho em, giúp đỡ em một phần sau này. Anh cũng không nên chỉ bo bo giữ tài sản của con riêng và cho rằng con riêng giàu có thì mặc nhiên được hưởng thụ mức sống đặc biệt so với các thành viên trong gia đình.
Luật pháp quy định khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo nguồn thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình. Ngoài ra nếu tạo ra thu nhập còn phải có nghĩa vụ đóng góp thu nhập ấy vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình sao cho phù hợp với khả năng của mình và hoàn cảnh của gia đình.
Như vậy, Hoàng có tài sản và đóng góp một phần phục vụ vào việc đáp ứng các nhu cầu cuộc sống gia đình chung với bố mẹ và em khi khó khăn cũng hợp lý. Anh hãy cân nhắc dùng số tiền đóng góp của con riêng vào cuộc sống chung để ứng xử phù hợp, tránh tổn thương cho con chung, và tạo tâm lý ỷ lại là người có tài sản của con riêng mà sống ích kỷ trở lại với người thân ruột thịt của mình.