Khoảng cách thế hệ khi nói về giới tính

Chia sẻ

Nói với con về tình dục là việc rất khó. Bởi ngày nay, khi con cái được cập nhật rất nhiều thông tin tràn lan trên mạng xã hội, cởi mở về tình dục thì phần lớn bố mẹ vẫn còn loay hoay giữa việc có nên “vẽ đường cho hươu chạy” không, và nếu vẽ thì vẽ sao cho đúng hướng?

Con cái nghĩ: Thoáng có nguyên tắc

Sex Education là một bộ phim truyền hình nước ngoài về học đường phát trên Netflix, đã đạt được 40 triệu người xem trong bốn tuần đầu tiên ra mắt năm 2019. Nó được đón nhận đến vậy là bởi không chỉ phản ánh đời sống tình dục của những học sinh cấp ba tại Anh quốc, mà còn có tính giáo dục và không thuyết giảng, dỡ bỏ những định kiến đã bám dính lấy tình dục suốt nhiều thế kỷ qua. Đây chính là điều được các bạn trẻ hưởng ứng. Bên cạnh bài học về giới tính, Sex Education nhấn mạnh vai trò của gia đình và bạn bè trong giai đoạn phát triển tâm sinh lý của mỗi thiếu niên.

Không chỉ nước ngoài mới có những chương trình táo bạo, nói thẳng về vấn đề giáo dục giới tính, mà sự thay đổi nhận thức về giới tính, tình dục đang hiển hiện hàng ngày trong đời sống của bạn trẻ hiện nay. Khác với thế hệ trước gọi tình dục là “chuyện ấy”, nhiều bạn trẻ có hẳn một “bộ sưu tập” uyển ngữ về tình dục. Lối ăn nói về chuyện tế nhị này cũng dần thẳng thắn và trực diện hơn, thể hiện sự thay đổi trong tư duy. Trên mạng xã hội là nơi thể hiện nhiều nhất. Nội dung giáo dục giới tính bắt đầu được các vlogger nữ chú trọng. Các video được làm chỉn chu, nghiêm túc và hiện đại. Hana Giang Anh, vlogger thể hình có gần 1 triệu người theo dõi trên YouTube, lập chuyên mục Sex Education vào sáng thứ 6 hằng tuần, đến nay đã có trên 20 số. Tự tin, cởi mở và mạnh dạn, Hana lần lượt trò chuyện về các chủ đề có thể “gây đỏ mặt” nhưng lại rất thực tế, như: Đàn ông muốn gì trên giường, Cách vệ sinh trước và sau khi quan hệ, Cách để phụ nữ lên đỉnh, Cách từ chối khi chưa sẵn sàng quan hệ và thậm chí là 25 địa điểm ân ái nên thử trước khi già. Những điều cô nói phù hợp với tư duy của phụ nữ thời đại mới: mình hạnh phúc thì mới có thể làm người khác hạnh phúc.

Một buổi giáo dục giới tính cởi mở cho các học sinh, sinh viênMột buổi giáo dục giới tính cởi mở cho các học sinh, sinh viên

“Em thích xem những chương trình giáo dục giới tính thẳng thắn như vậy. Nó không dạy chúng em sự bừa bãi và “thả phanh” trong các vấn đề tình dục, giới tính, mà giúp chúng em tìm hiểu, khám phá bản thân, đồng thời biết đâu là giới hạn để kiểm soát chính mình. Những vấn đề như: Bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng, thế nào để kiểm soát ham muốn của cơ thể, phải làm gì khi bị phát tán ảnh nóng hay quan hệ tình dục thế nào là an toàn… rất dễ tìm được câu trả lời xác đáng trong những chương trình truyền hình như thế. Theo em, “thoáng có nguyên tắc” sẽ giúp cuộc sống phong phú hơn là giữ mình và quá khép nép về những vấn đề còn bị cho là nhạy cảm”, Trần Thanh Xuân (20 tuổi), sinh viên năm thứ 2, học viện Chính sách và Phát triển cho biết.

Còn Đặng Hương Giang (23 tuổi), thành viên của VOGE – tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam thì đánh giá: Thế kỷ XXI chúng ta đã chứng kiến sự phát triển của phong trào nữ quyền, phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người đồng tính, chuyển giới và cả những thay đổi lớn lao về nhận thức đối với tình dục. Những điều này ảnh hưởng mạnh mẽ tới bạn trẻ ngày nay và điều đó giải thích cho việc, khá nhiều bạn trẻ cho rằng, chuyện tình dục nên được nhìn nhận như cơm ăn, nước uống hàng ngày, không nên quá kiểm soát nhưng cũng cần được định hướng đúng đắn.

Với bố mẹ: Vẫn còn là việc khó!

Chị Nguyễn Phi Vân, tác giả cuốn sách “NYM- Tôi của tương lai” – cuốn sách “giải mã về thế hệ trẻ ngày nay”, cho rằng, giáo dục giới tính còn chưa thể cởi mở, được nói một cách công khai, là bởi quan niệm rất khó thay đổi được từ các bậc phụ huynh, các thầy cô, những “người lớn”. Không có thời gian và không có kiến thức là nguyên nhân chính khiến nhiều bố mẹ không biết phải trao đổi chuyện người lớn với con cái mình như thế nào. Mặt khác, thời đại số hiện nay khiến con người được tiếp nhận rất nhiều thông tin mỗi ngày, nhưng để phân biệt được đúng -sai không phải ai cũng tỉnh táo làm được. Độ tuổi teen cần và xứng đáng được hưởng một nền giáo dục thẳng thắn, được định hướng trong việc rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết về giới tính nói chung và tình dục an toàn, văn minh nói riêng.

Câu chuyện của nhà chị Thanh Phương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một ví dụ về sự “lúng túng” trong giáo dục giới tính cho con, mặc dù anh chị rất muốn được thẳng thắn với con mình về chuyện đó. Khi con gái lần đầu có người yêu và xin đi chơi về muộn, anh chị khá hoảng hốt và chồng chị Phương đẩy hết trách nhiệm cho vợ. Tuy nhiên, chị Phương vẫn không thể nói được với con rằng, cần phải chuẩn bị những gì nếu các con quan hệ tình dục, hay phải làm gì nếu bạn trai cư xử quá đà? Sau một ngày trời băn khoăn, cuối cùng, chị chỉ dặn con “phải cẩn thận” và động viên con đi chơi vui vẻ. Sau hôm ấy, chị rất hối hận vì thấy mình bỏ con đúng lúc cô bé cần mình nhất, và thấy mình không còn là người bạn thật sự của con gái nữa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Chuyên gia tâm lý, xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, xã hội phát triển thì tâm lý, nhận thức của con người cũng thay đổi. Nhận thức về quan hệ tình dục cũng đã dần thay đổi và sẽ còn thay đổi nhiều nữa trong tương lai, cùng với sự bùng nổ thông tin, giao lưu văn hóa... Tuy nhiên, cần hiểu rằng, nghĩ thoáng về quan hệ tình dục tức là không nghiêm trọng hóa, là đối diện với nó như những nhu cầu bình thường khác. Vì vậy, vai trò của bố mẹ vẫn rất quan trọng, phụ huynh hãy là lối về cho con cái khi con vấp ngã, là nơi để tạo động lực cho con cái mạnh mẽ bước qua những gian khó cuộc đời.

Rõ ràng, “nói chuyện về giới tính”, để trở thành chủ đề chung giữa bố mẹ và các con vẫn còn đó khá nhiều rào cản. Hiến kế thu hẹp khoảng cách này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ, nếu các con dùng nguồn phim ảnh, mạng xã hội để học hỏi thì cha mẹ cũng có thể tận dụng nguồn thông tin này để trang bị cho con các kỹ năng về tìm kiếm, sàng lọc thông tin trước, cùng với con xác định các giá trị sống, đặc biệt là các giá trị liên quan tới các vấn đề giới tính và thỉnh thoảng cùng kiểm tra lại các giá trị này. Cha mẹ hoàn toàn có thể tận dụng các bài viết trên Internet hay tình tiết trong phim như cơ hội để cả nhà cùng đọc, cùng xem và sau đó cùng thảo luận như một cách vừa là giáo dục, vừa là để cả nhà có một thời gian chất lượng cùng với nhau.

“Sẽ rất khó để cởi mở ngay từ đầu, nhưng thái độ còn quan trọng hơn kiến thức. Với thời đại 4.0, con cái có thể tự tìm kiến thức mà không cần học từ cha mẹ. Sự cởi mở của cha mẹ về vấn đề giới tính, sự quan tâm và tôn trọng với các giá trị của con mới là thứ con cần nhất”, ông nói.

Theo anh Lương Thế Huy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), muốn biết giáo dục giới tính có hiệu quả hay không, cứ nhìn vào ít nhất 2 đầu ra mà đánh giá: Tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn, và mức độ định kiến giới trong thanh thiếu niên. Giáo dục tốt thì hai cái này thấp. Ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp, chỉ có 41% nữ và 65% nam ở độ tuổi 15-24 sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục (dẫn thông tin từ UNESCO Việt Nam), trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300-400 ngàn ca bỏ thai ở độ tuổi 15-19 được báo cáo chính thức tại các bệnh viện công, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên (theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em - Bộ Y tế). Giáo dục giới tính toàn diện bao gồm giới tính, tình dục và mối quan hệ, phải được xuyên suốt và có nội dung phù hợp từng độ tuổi. Trong cả gia đình và trường học, việc giáo dục giới tính hiệu quả là theo hướng hiện đại, trao quyền cần dựa trên nguyên tắc cởi mở, khoa học, không phán xét, xem tình dục là một hành vi bình thường, lành mạnh và có trách nhiệm.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.