Khóc dở mếu dở khi vợ học theo lối sống “tối giản”

Phương An
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Dành dụm mãi, rồi cố vay thêm một khoản nho nhỏ, hai vợ chồng tôi đã mua được một căn chung cư 2 phòng ngủ, 2 công trình phụ. Vợ tôi là người ưa sạch sẽ, thích sự ngăn nắp, gọn gàng nhưng lâu nay nhà có con nhỏ, không thể tránh khỏi việc phòng ốc lộn xộn bừa bãi, lúc nào cũng như “có 40 thằng cướp” vừa chạy qua.

Vợ tôi bị ám ảnh bởi không gian bừa bộn, vứt đầy đồ đạc, quần áo trẻ con, có khi còn phải dẹp tạm vào một góc để lấy lối đi. Lần này hai vợ chồng chuyển lên ngôi nhà mới tinh, sạch đẹp, vợ tôi quyết tâm sẽ “cho cả gia đình vào nề nếp”, học theo lối sống tối giản, theo đúng tôn chỉ của cuốn sách cô ấy đang đọc, cũng như cách sống của cô ấy.

Đầu tiên vợ tôi chỉ đạo việc trang trí các phòng trong nhà, từ phòng khách đến phòng ngủ cho đến nhà tắm, phòng nào cũng cắt giảm triệt để việc bày đồ trang trí, tranh treo tường. Phòng khách chỉ có một tivi, một bàn uống nước cao 30cm. Mỗi khi nhà có khách sẽ chỉ cần ngồi bệt xuống là xong, theo như ý của vợ tôi sẽ tiết kiệm được tiền mua bàn ghế, cũng như tiết kiệm thời gian quét tước, lau chùi.

Khóc dở mếu dở khi vợ học theo lối sống “tối giản” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Phòng ngủ cũng chịu chung số phận với phòng khách, một bộ topper(*) được trải ra để nằm ngủ, cùng với đôi gối và cái chăn cùng màu, khi ngủ dậy lại cuộn gọn lại đẩy vào hộc tủ. Tủ quần áo lèo tèo vài bộ, tôi trộm nghĩ trời mưa dầm chắc... khỏi phải mặc, vì mưa suốt làm sao quần áo khô kịp, chẳng có đồ để thay. Nhưng thời tiết đang mùa hè, nên thôi chẳng cần đôi co với vợ. Để xem vài tháng nữa đến mùa mưa, cô ấy thế nào cũng cuống cuồng lên mua máy sấy hoặc mua thêm quần áo cho mà xem.

Đến nhà bếp mới càng thêm tệ hại. Tủ lạnh không có, lò vi sóng không có, nồi niêu xoong chảo cũng chỉ 2-3 chiếc, đũa 5 đôi, bát 5 chiếc, tính ra chỉ đủ cho gia đình 4 người. Tôi hỏi vợ nếu có khách đến chơi nhà thì làm thế nào, vợ đáp thản nhiên rằng cho khách ra ngoài ăn hàng. Tôi lắc đầu ngao ngán, vì nếu cùng căng thì lại cãi nhau. 

Khóc dở mếu dở khi vợ học theo lối sống “tối giản” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một lần mẹ tôi nhờ mang cho bà mượn mấy cuốn album ảnh của hai đứa trẻ con về cho bà xem cho đỡ nhớ. Tôi tìm trong tất cả giá sách và các tủ đều không thấy. Hỏi vợ thì cô ấy bảo đang tập kết cùng đống đồ dùng trên cơ quan, chờ ngày bán đồng nát cả thể cho gọn. Tôi bực mình quá, nói rằng ảnh của con là đồ kỷ niệm, làm gì có ai sống được thêm một lần tuổi thơ đâu. Vợ cũng cãi lại luôn, cô ấy đã scan hết vào máy tính rồi, đi đâu được mà mất, cái chính là để đỡ tốn diện tích trong nhà, đỡ tốn thời gian bảo quản vì ảnh để ẩm sẽ mốc.

Lý lẽ của vợ làm tôi thấy chán nản hẳn. Dẫu biết rằng ngăn nắp gọn gàng là rất tốt, thế nhưng gọn đến mức để cửa nhà trống huơ trống hoác, tôi thấy đây không đúng là mái ấm của mình. Những tối đi làm về muộn, muốn úp một bát mì thì phải lịch kịch đun nước sôi, muốn hâm đồ ăn lại không có lò vi sóng. Muốn uống nước lạnh, nhà cũng không có đá. Bật tivi để xem cũng chỉ loanh quanh vài kênh chính thống, vì vợ không muốn kết nối mạng nhằm tiết kiệm chi phí. Quần áo thay ra, lại một mình xối nước ầm ầm giặt giũ trong đêm. Tôi thấy như mình đang sống lại những tháng ngày của sinh viên nghèo cách đây gần 20 năm về trước.

Khóc dở mếu dở khi vợ học theo lối sống “tối giản” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Cảm giác chán nản khiến tôi nhiều lúc không muốn về nhà. Nghĩ lại những việc vợ làm, tôi càng thấy buồn. Chỉ vì muốn chiều theo ý thích và thói quen sạch sẽ của bản thân, vợ nỡ đẩy bố con tôi vào cuộc sống “thiếu thốn ngay giữa thành thị”. Đỉnh điểm là một buổi tối về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, vợ con đã ngủ say trong căn phòng không điều hòa, chỉ có tiếng quạt máy chạy ro ro. Thằng lớn ngủ mê mệt, mái tóc bết mồ hôi ướt đầm. Đứa thứ hai không ngủ được vì nóng, dậy khóc đòi mẹ cho uống sữa. Vợ tôi lại loay hoay đun nước pha sữa. Chờ lâu, con bé lại lăn ra ngủ trong cơn đói cồn cào. Không muốn để tình trạng này kéo dài thêm nữa, tôi gọi vợ ra ngoài, hai vợ chồng cùng thảo luận về phong cách sống thế nào cho ổn thỏa nhất. 

Ban đầu vợ không đồng ý, vẫn bảo vệ ý kiến của mình đến cùng. Vợ tôi vừa muốn tiết kiệm tiền bạc, lại muốn các con tập làm việc nhà cho quen. Nhưng “tập” thế nào được? Một đứa mới học lớp một, đứa bé mới 3 tuổi. Hai đứa con đang trong độ tuổi đi học, chúng cần một môi trường sống đảm bảo tiện nghi để có thể phát triển tốt. Hơn nữa, vợ chồng tôi không đến mức quá khó khăn mà để con sống khổ sở như vậy. Không cần phải sống kham khổ, hà tiện quá, vì tiền mình kiếm ra cũng chẳng chạy đi đâu, mà chính nó sẽ là nguồn cung cấp cuộc sống gia đình được hạnh phúc, đủ đầy.

Tôi nói với vợ rằng, phòng ốc bừa bộn một chút cũng không sao, nhà có trẻ con không thể tránh được. Một vài năm nữa anh em chúng lớn, có thể dọn dẹp nhà cửa giúp bố mẹ là ổn thôi. Hơn nữa, ban ngày cả hai vợ chồng đi làm đã đủ mệt mỏi, hết giờ là về nhà nghỉ ngơi quây quần, nhưng đồ đạc trong nhà thiếu đủ thứ, thức ăn dự trữ không có vì không dùng tủ lạnh, không khí cũng nóng bức vì không có điều hòa thì làm sao có thể thoải mái được, con nóng nực không ngủ được rồi quấy khóc, vợ chồng bối rối, bế tắc rồi cãi cọ nhau, khi ấy căn nhà này đâu còn là tổ ấm? Vợ tôi im lặng một lúc lâu. Sau đó cô ấy xin tôi thời gian để suy nghĩ. Tôi đồng ý.

Khóc dở mếu dở khi vợ học theo lối sống “tối giản” - ảnh 4
Ảnh minh họa

Cuối tuần, tôi cho phép mình được ngủ thêm một chút, nhưng vợ đã gọi dậy, nói là đi cùng cô ấy ra ngoài một chút. Không biết là có chuyện gì. Trên đường đi lấy xe, vợ tôi mới nói rằng lời chồng giảng giải là hợp lý, hôm nay hai vợ chồng cùng đi mua thêm đồ đạc để trang trí thêm cho tổ ấm thêm xinh xắn. Tôi thở phào nhẹ nhõm, vậy là vợ tôi đã nghĩ lại, cô ấy thủ thỉ rằng hạnh phúc gia đình là trên hết, chồng con được sống đầy đủ, không kham khổ là vui rồi. Hai vợ chồng cười nói tíu tít trong trung tâm thương mại, xem bàn ghế, xem tủ lạnh, điều hòa, vui như hồi sắp cưới, đi mua sắm để chuẩn bị bắt đầu một cuộc sống mới bên nhau. 

Thời buổi hiện nay, máy móc được sinh ra là để giải phóng sức lao động của con người. Các bà mẹ cần được nghỉ ngơi, cớ sao phải bắt con trẻ làm việc nhà từ sớm? Thế hệ bây giờ không còn sống cuộc sống quá khó khăn như trước. Có điều kiện để tận hưởng cuộc sống đầy đủ cũng là một dạng hạnh phúc. Hơn nữa đang nuôi con nhỏ, các đôi vợ chồng cần tạo điều kiện sống tốt nhất có thể cho con để trẻ phát triển toàn diện về thể chất cũng như tinh thần. Tiết kiệm và gọn gàng là đức tính tốt, nhưng nó cần được xây dựng và tạo lập thành thói quen cho con trẻ một cách hợp lý, khoa học.

(*)Topper: Được hiểu đơn giản là tấm lót đặt trên nệm để tăng thêm sự thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng cũng như hỗ trợ nệm.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.