Không có gì tự đến đâu con

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Không có gì tự đến đâu con.
Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa
Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa.
Mùa bội thu phải một nắng hai sương,

Không có gì tự đến dẫu bình thường.
Phải bằng cả bàn tay và nghị lực
Như con chim suốt ngày chọn hạt,
Năm tháng bao dung khắc nghiệt lạ kỳ.

Dẫu bây giờ cha mẹ đôi khi,
Có nặng nhẹ yêu thương và giận dỗi.
Có roi vọt khi con hư và có lỗi
Thương yêu con, đâu đồng nghĩa với nuông chiều!

Đường con đi dài rộng biết bao nhiêu…
Năm tháng nụ xanh giữ cây vươn thẳng,
Trời cao đó nhưng chẳng bao giờ lặng,
Chỉ có con mới nâng nổi chính mình.

Chẳng có gì tự đến... Hãy đinh ninh

                                            Nguyễn Đăng Tấn

Không có gì tự đến đâu con - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH
Bài thơ “Không có gì tự đến đâu con” của nhà thơ Nguyễn Đăng Tấn là tiếng nói tràn đầy yêu thương của người cha với con trai - bản sao huyết thống của mình. Những lời thơ thắm đượm tình phụ tử sâu nặng đã khái quát lên những bài học minh triết về cuộc sống làm xúc động lòng người. 

Thơ của Nguyễn Đăng Tấn thường là những dòng cảm xúc chân thành về  những gì diễn ra trong đời sống thường ngày. Gia đình là chiếc nôi, nơi bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cho đứa con trước tiên. Bởi vậy, khuyên dạy con trai, ông như người đi trước tâm sự với người đi sau những bước đi trên con đường đời vốn lắm đèo dốc và thác ghềnh ở thời điểm đứa con bước đầu biết cảm nhận về cuộc sống. Mở đầu là những câu: "Không có gì tự đến đâu con/ Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa/ Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa/ Mùa bội thu phải một nắng hai sương".

Câu thơ đầu nhắc lại nhan đề của bài, điệp ngữ "Không có gì tự đến" xuất hiện nhiều lần ở đầu các khổ thơ, nhấn mạnh và khắc sâu tư tưởng xuyên suốt toàn bài. Mọi việc trên đời đều có nhân quả, lý do riêng của nó. Những câu thơ tiếp là các dẫn chứng minh họa, cũng là lời nhận xét khách quan về quy luật cuộc sống. Tác giả dùng lối diễn đạt điệp cấu trúc câu, mỗi câu thơ đậm tính triết lý đều gồm hai vế. Vế trước là kết quả, mục đích, vế sau là nguyên nhân. Dù là thiên nhiên hay con người, một khi hướng tới mục tiêu đạt được: Quả muốn ngọt, hoa sẽ thơm, mùa bội thu đều phải có sự trả giá. Còn vế sau là cách thức, phương tiện đạt tới. Cây có tích nhựa đủ mới tạo nên quả ngọt. Hoa có trải qua "nắng lửa" mới có được hương thơm.

Để có mùa màng bội thu, con người phải trải qua vất vả nhiều ngày một nắng hai sương. Quy luật tất yếu đó ở đời không phải ai cũng hiểu. Để thành công, dẫu chỉ là công việc bình thường, con người cũng phải đánh đổi bằng sức lao động và nỗ lực của bản thân: "Phải bằng cả bàn tay và nghị lực", chăm chỉ cần cù như kiến tha mồi mới dần xây được tổ, ong hút nhụy từ nhiều hoa mới làm nên mật.

Trong bài, tác giả so sánh: "Như con chim suốt ngày chọn hạt" để tích tiểu thành đại, góp nhỏ thành lớn. Phép so sánh giàu gợi hình, gợi cảm này nhằm cụ thể hóa ý nghĩa của sự cần mẫn, tỉ mỉ của loài chim. Từ đó người cha khuyên con trai cũng phải có sự chăm chỉ, kiên trì như vậy mới đạt thành quả. Bên cạnh đó, nghệ thuật nhân hóa chứng tỏ nhà thơ có cách nhìn đa chiều "Năm tháng bao dung khắc nghiệt lạ kỳ". Cuộc sống vốn bao dung nhưng cũng đầy thử thách, đúng như ông cha xưa từng dạy: "Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ mang phần đến cho".

Đứa con độ tuổi còn thơ trẻ, hồn nhiên, chưa hiểu được điều ấy, có lúc còn ham chơi. Bổn phận người làm cha mẹ phải biết linh hoạt cương nhu trong uốn nắn, dạy bảo con: "Có nặng nhẹ yêu thương và giận dỗi/ Có roi vọt khi con hư và có lỗi". Sự nghiêm khắc và mềm mỏng hợp lý của cha mẹ khiến người con dần lớn khôn. Khổ thơ áp cuối người cha vạch rõ con đường đi phía trước của con "dài rộng biết bao nhiêu…", điều quan trọng là con phải  biết "giữ cây vươn thẳng", tự giác và nghiêm khắcvới bản thân.

Cuộc sống vốn không dễ dàng "Trời cao đó nhưng chẳng bao giờ lặng,/ Chỉ có con mới nâng nổi chính mình". Hai câu thơ vừa là lời dạy, vừa là cha giao trách nhiệm cho con: Không ai có thể sống thay con, chỉ có con mới quyết định được tương lai cuộc đời của mình. Khổ thơ kết chốt lại cô đọng chỉ bằng một dòng gồm hai câu thơ ngắn, dạng câu đặc biệt, người cha muốn con hãy khắc cốt ghi tâm: "Chẳng có gì tự đến... Hãy đinh ninh". Lời răn dạy đó nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc.

Theo nhà thơ, nền tảng gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc dạy dỗ để hình thành nhân cách con cái. Những bài thơ ông viết cho con, cũng là để viết cho chính mình, tự khuyên mình. 

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.