Không phải vậy đâu

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mỗi lần có ai đó phàn nàn gì về tôi, ông ngoại thường bảo: “Không phải vậy đâu, ông tin cháu ông sẽ làm tốt”. Cũng nhờ được ông tin tưởng mà tôi mới có được ngày hôm nay.

Tôi là đứa cháu đầu tiên chào đời của gia đình, cũng là cháu gái duy nhất. Sau tôi chỉ toàn là các em trai. Bố mẹ tôi ở chung với ông bà ngoại đến năm tôi 12 tuổi mới chuyển ra ngoài ở riêng. Nhờ đó tôi có nhiều thời gian gắn bó với ông ngoại nhất trong số các cháu khác.

Điều tôi nhớ và cảm động chính là ông luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào tôi. Với một đứa trẻ cá tính như tôi, niềm tin đó có ý nghĩa rất quan trọng.

Tôi còn nhớ hồi mới vào tiểu học, một lần, tôi nghe thấy mẹ buột miệng than phiền với ông ngoại: “Con bé này có vẻ không ham học. Tối nào cũng phải giục ngồi học như hò đò”.

Ông liền bảo: “Không phải vậy đâu, trẻ con đứa nào chả thích chơi. Vấn đề là con phải động viên, tạo môi trường thuận lợi để cháu tập trung học. Nếu cháu chưa hiểu bài thì con giảng giải cho cháu”.

Khi tôi chuẩn bị thi vào cấp 3, tôi lại vô tình nghe mẹ kể với ông: “Nó học dốt, lại không chăm, nhiều khả năng không thi đỗ được vào trường cấp 3 công lập”. 

Không phải vậy đâu - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ông ngoại liền phê bình mẹ: “Không phải vậy đâu, ông thấy là cháu dạo này đã có ý thức học tập rồi. Con không được chê cháu mà phải tin tưởng, nhìn thấy sự thay đổi ở con mình. Cháu chưa làm mà con đã nghĩ cháu không làm được thì làm sao động viên con được?”.

Quả thực, câu nói đó của ông khiến tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi không muốn chứng minh là ông đúng và mẹ tôi đã sai, và rằng, tôi đã cố gắng hết sức. Kết quả là năm đó, tôi đã đỗ vào trường công lập theo nguyện vọng 2.

Rồi sau khi lên cấp 3, tôi cũng có phần hơi “xả láng” nên kết quả học kỳ 1 năm lớp 10 chưa tốt lắm. Mẹ tôi lo tôi sa sút nên lại “mách” tội tôi với ông. Thay vì mắng tôi, ông ngoại vỗ vai tôi bảo: “Không phải vậy đâu, cháu ông sẽ học tốt, phải không?!. Cháu còn phải thi đỗ vào đại học để cho ông còn tự hào về cháu. Ông sẽ sống thật lâu, đợi tới ngày cháu bảo vệ tốt nghiệp nữa”.

Nghe câu “không phải vậy đâu” quen thuộc của ông mà tôi hơi xấu hổ trong lòng. Tuy nhiên, vì không muốn niềm tin của ông đặt vào tôi là nhầm chỗ, tôi đã âm thầm thay đổi. Mỗi lần định buông bút đi chơi, tôi nghĩ tới ông nên lại ngồi học cho xong bài. Và cuối cùng, 3 năm sau, tôi đã thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương.

Thực ra, những lời động viên của ông với tôi, tưởng chỉ là thoảng qua nhưng lại như liều doping giúp tôi thêm cố gắng. 

Nhân đây, tôi muốn nói lời cảm ơn thật nhiều tới ông. “Đúng là “không phải vậy đâu ông”, cháu sẽ không lười, không từ bỏ, cháu sẽ tốt nghiệp đại học để còn mời ông tới dự, ông nhé”. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.