Là con gái mà không nữ tính

Chia sẻ

Mẹ chồng tôi nhìn thấy cháu ngoại đi ra đường trong bộ quần áo bò, đi giầy thể thao liền chẹp miệng bảo: “Con gái con lứa gì mà chẳng thướt tha, nữ tính gì cả. Cháu cũng sắp đến tuổi lấy chồng rồi đấy, khéo lại ế mất thôi”.

Nghe lời mẹ chồng, tôi lại nhớ đến mình cách đây hơn 20 năm trước, khi tôi cũng chạc tuổi con và chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng. Hồi đó, ở cùng phòng trọ với tôi có một cô bạn rất khéo tay. Toàn bộ quần áo bạn mặc đều do bạn tự may lấy. Mỗi lần nhìn thấy bạn ngồi ở máy khâu, tôi lại ước ao giá đó là mình. Nếu biết may, tôi không chỉ may áo cho bản thân mà còn may áo tặng bố mẹ, tặng người yêu (chồng tôi bây giờ) và mẹ của người yêu nữa. Mọi người chắc chắn sẽ cảm động tới rơi nước mắt.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Và thế là tôi quyết định đi học may quần áo. Để có tiền đóng học phí, tôi đã phải nhịn ăn sáng, rồi làm bưng bê ở quán café suốt mấy tháng liền. Ngày đầu tiên đi học may, tôi sung sướng lắm, nghĩ mình sắp “lên vài chân kính”. Nào ngờ, học may không đơn giản như tôi tưởng. Tôi lại chẳng khéo léo kiên nhẫn gì, cắt vải thì vải hỏng, ngồi may thì đường may cong queo, vẹo vọ. Lắm hôm, tôi ngồi cả buổi, mất bao nhiêu việc mà cũng chỉ may được một bên ống quần, trong lòng hết sức khó chịu.

Tôi phát hiện ra, mình không thích may và cũng không phù hợp để ngồi bên chiếc máy khâu. Cô bạn thân cũng bảo tôi: “Thôi, cậu chịu khó tập trung học cho tốt, sau này ra trường có việc làm lương cao rồi cậu lấy tiền đó đi mua được khối cái quần. Cậu thích được như mình, nhưng mình lại thèm sự năng động của cậu. Nếu chúng mình ai cũng giống nhau thì chán lắm”. Tôi nghe cũng có lý, vậy là từ bỏ giấc mơ vay vá.

Rồi tôi lại quay sang học cắm hoa. Nhưng tôi cũng không giỏi về bố cục sắp xếp nên học gần hết khóa mà chẳng ứng dụng được gì vào bình hoa trong nhà. Mấy lần người yêu đến chơi, anh phì cười khi nhìn lọ hoa cắm kiểu “cục mịch” của tôi. Sau đó, anh giúp tôi sửa lại lọ hoa, và chỉ sau vài đường lọ hoa trông đã khác hẳn (anh vốn là dân mỹ thuật). Tôi ngượng ngùng bảo anh, sau này nếu lấy nhau, việc cắm hoa tôi “nhường” để anh làm.

Lấy nhau rồi, chúng tôi thực hiện theo thỏa thuận đó. Nghĩa là ai mạnh về điểm nào thì phát huy, vợ chồng hỗ trợ cho nhau chứ không ai phải đóng vai hoàn hảo. Việc bài trí trong nhà không ai qua được anh, nhưng ngược lại, khoản đối nội đối ngoại, giao lưu thì tôi lại thay anh đảm nhiệm. Món thịt kho bị mặn, tôi cầu cứu chồng tôi, còn máy tính trong nhà không khởi động được, anh lại khẽ khàng gọi: “Vợ ơi, xem cho anh cái máy”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Từ kinh nghiệm đó, với con gái tôi cũng chẳng áp đặt cho cháu một công thức đảm đang nào. Tôi để cho con được thoải mái là chính mình, như những gì con mong muốn, chẳng phải lo sợ định kiến “con gái sao không nữ tính, con gái sao chẳng khéo tay”. Con cũng không cần thấy những bạn gái khác như thế này, thế kia mà phải biến mình thành giống như thế.

- Mẹ ơi, có khi cháu mẹ lại có nhiều chàng trai mê vì sự năng động, tự tin, mạnh mẽ đấy ạ. Ngày trước con cũng đâu giỏi may vá, cắm hoa mà vẫn hạnh phúc khi làm dâu của mẹ đấy thôi. Mẹ đừng lo gì ạ, tôi trả lời mẹ.

Tôi không lo và cũng chẳng thấy có gì phải đáng lo khi con tôi là con gái mà “không nữ tính”.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.