Làm lại cuộc đời không bao giờ là quá muộn
(PNTĐ) - Nhà em có 3 anh trai, nhưng họ không thương em. Bố mẹ em cũng khó tính, họ làm cho em cảm thấy xấu hổ và tủi thân, nhất là từ ngày em ly hôn lần hai, quay về nương nhờ bố mẹ. Đến cô em gái song sinh với em cũng coi thường em, không bao giờ gọi em bằng “chị”, toàn xưng mày tao. Đứa con với đời chồng trước, bây giờ cũng 19 tuổi, làm nghề cầm đồ, nhưng cũng không bao giờ ngó ngàng, quan tâm tới em. Em đang sống cùng đứa con gái với người chồng thứ hai, cháu đang học lớp 4. Em bế tắc quá…
Người phụ nữ bắt đầu câu chuyện của đời mình như thế.
Hải Hà (tên người phụ nữ) sinh năm 1982, năm nay mới 40 tuổi, nhưng đường tình duyên rất thăng trầm. Cô kết hôn lần thứ nhất vào đúng dịp sinh nhật 18 tuổi. Chồng cô đã bị kết án 4 năm tù vì tội hành hung, đánh người thành thương tích. Cô vừa sinh con, nuôi con một mình, vừa phải thăm nuôi chồng đi tù. Ra tù được hai năm, chồng cô lại vướng vào một vụ án khác, tuy chỉ là án treo. Trong thời gian này anh ấy bức xúc, bực bội, gây sự, hành hạ, đánh đập cô nhiều lần, có lần phải đi cấp cứu. Gia đình, chính quyền địa phương vào cuộc, giáo dục, răn đe mãi không được, cô quyết định ly hôn với người chồng bạo lực đó ngay sau khi anh ta hoàn thành án. Gia đình chồng và anh ta giữ đứa con trai, cô ra đi với hai bàn tay trắng.
Sau ly hôn, Hải Hà ra Hà Nội vừa làm phụ, vừa học nghề cắt tóc, gội đầu, làm móng. Khi đã học xong, cô được chủ quán, đồng thời là người dạy nghề, đề nghị ở lại làm “thợ chính” với mức lương tương đối cao. Rồi cũng trong những năm tháng ấy, cô quen với một thanh niên, sinh năm 1984, kém cô 2 tuổi, cùng xã, ra Hà Nội làm nghề chở bình ga thuê cho một cửa hàng ga gần nơi cô đang làm. Vốn là người cùng quê, lại cùng cảnh phải ra phố mưu sinh, cả hai lại còn trẻ, nên hai người trở nên thân quen khá nhanh. Cô nói, khi mới quen, cô không bao giờ nghĩ mình lại nảy sinh tình cảm gì đặc biệt với “cậu ấy”, thứ nhất là cậu ấy ít tuổi hơn, thứ hai, cô là người phụ nữ đã ly hôn, lại có con riêng rồi. Vậy mà cuộc đời đưa đẩy, hai người yêu nhau, quyết tâm đến với nhau, dắt nhau về quê báo cáo gia đình đôi bên để tiến tới hôn nhân.

Theo chồng mới về sống ở quê, cô cũng bỏ luôn nghề cắt tóc, làm đầu, học nghề mới là buôn bán hoa quả ở chợ làng. Chồng cô cũng bỏ luôn nghề giao ga ở phố, mở quán cháo lòng ngay cổng chợ. Anh nhà con một, hai vợ chồng đều là dân “kinh doanh”, nuôi mỗi mẹ già, cuộc sống cũng không quá vất vả. Rồi năm sau, cô sinh đứa con gái.
Mối quan hệ của vợ chồng cô bắt đầu có những trục trặc, bất hòa. Ở nhà sinh con nhỏ, cô bắt đầu nghe người ta đồn chồng cô có bồ. Cũng chỉ là hỏi han và nhắc khéo cho chồng biết, đừng làm điều gì quá đáng, bởi con mắt thiên hạ người ta tinh tường lắm, người ta biết hết. Vậy thôi mà chồng cô lôi cô ra đánh một trận thừa sống thiếu chết, cứ như trút hận xuống đầu quân thù. Để cho yên cửa nhà, sau lần ấy cô cam chịu, kệ chồng làm gì thì làm. Vậy mà đâu có được yên thân. Tự nhiên chồng cô đổi tính, đổi nết, khác hẳn con người anh vốn có. Anh hung bạo, nóng nảy, uống say nhiều, đòi hỏi vợ “phục vụ” cũng nhiều, có hôm tới… 4 lần trong một ngày, mặc dù cô đang ở nhà nuôi con nhỏ. Mẹ chồng cô thấy con trai đánh vợ thì vào hùa, nói rằng nó là “trai tơ”, mình đã là “nạ dòng”, vậy mà còn cho nó ăn “bùa mê thuốc lú”, giờ nó tỉnh ra rồi, nó đang uất hận. Kêu cứu cũng nhiều, khuyên giải cũng nhiều, hứa hẹn cũng nhiều, rồi đâu lại vào đấy, cuối cùng cô phải giải thoát cho mình và con bằng việc bế con về nhà ngoại để nương nhờ. Hai năm sau cô chính thức ly hôn…

Tuy nhiên, cô tâm sự rằng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Bố mẹ cô sống với nhau cũng không hạnh phúc, cãi nhau liên tục vì bất cứ chuyện nhỏ nào. 3 anh trai của cô đều đã trưởng thành, hai người lập nghiệp trong Nam, nhưng ít quan tâm tới bố mẹ, mấy năm cũng không về thăm. Anh trai thứ ba lấy vợ gần nhà, nhưng cũng sống bê tha, rượu chè, vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn. Cô em gái song sinh của cô lấy chồng gần làng, nhưng cũng không giúp gì cho cô, ngược lại còn nhiếc móc, nói những lời khiến cô đau lòng. Hai lần lấy chồng, hai lần thất bại, cuối cùng cô ôm con về nhà bố mẹ đẻ thì cũng không được thông cảm cưu mang, cô đã nhiều lần nghĩ đến cái chết để giải thoát, nhưng lại thương con.
Thấm thoắt vậy mà con trai đầu với người chồng trước của cô giờ đã 19 tuổi, đã có bạn gái, mà cũng coi mẹ “như chết rồi”. Con gái nhỏ của cô năm nay cũng học lớp 4. Cô khát khao làm lại cuộc đời…

Nghe hết câu chuyện của người phụ nữ, chúng tôi tâm sự và nói với cô rất nhiều điều về cuộc sống. Điều chúng tôi muốn cô thay đổi suy nghĩ rằng cô con trẻ, những sóng gió cuộc đời cô đã trải qua cũng đã lùi xa. Việc trách móc số phận, trách cha mẹ, giận anh chị em cũng không giải quyết được vấn đề gì. Cô còn sức khỏe, lại cũng là người tháo vát, thông minh, từng có nghề cắt tóc gội đầu được đào tạo bài bản, con cũng không còn quá nhỏ. Hãy bắt đầu một cuộc sống mới, tự do hơn, tự lập hơn. Một là cô ấy có thể xin vào làm công nhân ở các khu công nghiệp trong huyện, gần nhà, để có thu nhập ổn định, để được giao lưu, mở mang các mối quan hệ xã hội, để không chìm đắm vào các vấn đề phức tạp hiện nay. Thứ hai, nếu có thể, quay trở lại thành phố kiếm việc làm bằng nghề cắt tóc, gội đầu. Cứ làm thuê trước, dần dần có điều kiện sẽ mở cơ sở riêng cho mình. Con gái học lớp 4 có thể theo mẹ, xin vào học ở các trường không đòi hộ khẩu, đúng tuyến, tất nhiên chịu một khoản chi phí ăn học cao hơn là trường công lập. Trước mắt sẽ có nhiều khó khăn, nhưng nếu quyết tâm khép lại trang cũ của cuộc đời, mở ra trang mới, cơ hội mới, cho mình và cho con. Làm lại cuộc đời không bao giờ là quá muộn, nhưng mục tiêu trước mắt là có cuộc sống tự do, tự lập, chứ không phải… lấy chồng. Chuyện ấy có thể đến sau một cách tự nhiên và cẩn trọng hơn!