Làm sao để trẻ tham gia mạng xã hội an toàn, hiệu quả?

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Do những thiếu hụt về mặt quy định quản lý, thế hệ chúng ta không được chuẩn bị tốt về kỹ năng đảm bảo an toàn trên không gian số, chưa nói đến việc đảm bảo an toàn cho các con” - ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia về An toàn mạng chia sẻ.

Nỗ lực lan tỏa những điều tích cực để đẩy lùi các nội dung độc hại 

Bên cạnh giải pháp kiện toàn chính sách, pháp luật, bộ quy tắc ứng xử, chặn/lọc..., giải pháp giáo dục và nỗ lực lan tỏa các điều tích cực trên mạng xã hội là một trong những cách lâu bền và hiệu quả để đẩy lùi các nội dung độc hại trên mạng đối với trẻ. Cụ thể, thay vì chạy theo trend với những nội dung câu like, câu view, nhà sáng tạo nội dung TikTok Huỳnh Quang Minh đã tập trung vào làm giáo dục tình dục cho các bạn trẻ từ hơn 1 năm nay và có hiệu quả tích cực.

Hiện trang TikTok của anh có hơn 823 nghìn người theo dõi và 13,8 triệu like. Sau khi thành công, nhiều nhà sáng tạo nội dung khác lập kênh giáo dục tương tự để lan tỏa, giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên. Quang Minh nhấn mạnh: “Các nhà sáng tạo nội dung cần được truyền cảm hứng để chia sẻ những điều tốt đẹp, trong đó bao gồm chủ đề giáo dục giới tính và tình dục tích cực. Thay vì trở thành những KOL (Key Opinion Leader - Người dẫn dắt) hãy trở thành những Kind Opinion Leader - Người lan tỏa những điều tốt đẹp. Các nền tảng cũng nên có các cơ chế hỗ trợ cho những nhà sáng tạo nội dung tích cực”. 

Vừa là một chuyên gia giáo dục, vừa là một người mẹ, diễn giả Phan Hồ Điệp chia sẻ kinh nghiệm cùng con trải nghiệm internet an toàn và hiệu quả: “Tôi và con cùng nhau tiếp xúc với  internet khá sớm, và con tôi cũng đã từng tiếp xúc những ấn phẩm tình dục độc hại khi các bạn chia sẻ. Trong trường hợp này, bố mẹ hãy cùng con xử lý theo các nguyên tắc:

(1) Không làm con cảm thấy xấu hổ, vì điều này khiến con cảm thấy tự ti, sợ bố mẹ, không tin tưởng bố mẹ nữa và bố mẹ sẽ khó để cùng con giải quyết;

(2) Chỉ nói chuyện với con khi bố mẹ đã thực sự có sự hiểu biết và sẵn sàng chia sẻ với con về vấn đề này.

(3) Không nói những điều vượt quá xa so với hiểu biết của con, không nghiêm trọng hóa vấn đề để tránh kích thích sự tò mò của con”. Ngoài ra, bà Điệp cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng cần có các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho cha mẹ để cha mẹ có thể đồng hành cùng con và giải quyết những vấn đề có thể gặp phải khi tham gia môi trường mạng.

Làm sao để trẻ tham gia mạng xã hội an toàn, hiệu quả? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Từ góc độ đơn vị truyền thông, ông Đỗ Lê Thăng - Phụ trách Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đề xuất: Các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý - đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông cần tạo thuật toán để xây dựng whitelist (danh sách trắng) cho người dùng. Danh sách này có thể bao gồm những trang web, tài liệu, video được đề xuất, gợi ý từ nguồn chính thống như các cơ quan Nhà nước, các báo uy tín, các tổ chức xã hội, tổ chức giáo dục…

Giúp con quản lý bản thân trên thế giới số

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin cho biết, sai lầm phổ biến của cha mẹ là cho rằng nội dung khiêu dâm chỉ có trên các trang web khiêu dâm. Trên thực tế, nội dung khiêu dâm có ở khắp mọi nơi. Trong khi đó, các công cụ chặn lọc hiện tại chỉ giới hạn trong xử lý hình ảnh và văn bản, vì việc xử lý video đòi hỏi công nghệ phức tạp, hầu hết không có công cụ chặn lọc cho video, đặc biệt là đối với các trình duyệt hoặc ứng dụng.

Theo bà Như Hoa, một trong những mục tiêu giải pháp chính khi triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Quyết định số 830/QĐ-TTg về Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng 2021-2025 là trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm sử dụng mạng lành mạnh, an toàn, tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Giáo dục trong việc đưa ra các giải pháp lồng ghép các chương trình giáo dục việc “đào tạo kỹ năng số” cho trẻ em theo độ tuổi tại từng cấp giáo dục; đồng thời xây dựng mô hình, quy chế quản lý việc dạy học trực tuyến và các hướng dẫn cho nhà trường, giáo viên về nội dung đảm bảo an toàn thông tin, tham gia môi trường mạng an toàn đối với hoạt động giảng dạy, quản lý, giáo dục. Đây chính là một trong những nhiệm vụ trọng điểm nhằm tập trung giáo dục để trẻ em trở thành những công dân số có trách nhiệm trong tương lai.

Làm sao để trẻ tham gia mạng xã hội an toàn, hiệu quả? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Phát biểu khai mạc tại hội thảo “Trẻ em trong thế giới số - giải quyết rủi ro và thúc đẩy cơ hội” ngày 24/5 mới đây, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực với nhiều hoạt động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bộ đã phối hợp chỉ đạo và thực hiện: Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tập huấn cho đội ngũ phóng viên về luật pháp, chính sách, dịch vụ hỗ trợ trẻ em; xây dựng, tích hợp các kênh thông báo trực tuyến về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài 111; tập huấn cho trẻ em nòng cốt về kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng và kỹ năng tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng; tham gia và bảo trợ cho cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin” năm 2022, năm 2023; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an kiểm tra, xử lý kịp thời các nội dung đăng tải trên các báo điện tử, mạng xã hội có nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em và từ phản ánh của người dân qua Tổng đài 111; xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ thông tin vi phạm; tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em; tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng (qua Tổng đài 111); sử dụng chính môi trường mạng để tăng cường sáng tạo tương tác trên môi trường mạng, nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ em: Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tổ chức cuộc thi sáng tạo ý tưởng trò chơi về bảo vệ trẻ em; xây dựng các sản phẩm (tờ rơi, tài liệu, clip…) hướng dẫn kỹ năng an toàn trên mạng cho trẻ em, cha mẹ

Ông Lê Nhật Thịnh, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết: Cơ quan công an đã ngăn chặn khoảng 10.000 trạng mạng có nội dung đồi trụy độc hại đối với trẻ em. Nhiều đối tượng sử dụng thông tin của trẻ em để thực hiện hành vi phạm tội. Đáng nói, ở nhiều vụ việc, tội phạm nắm rõ thông tin của các em thông qua các hình ảnh, video mà bố mẹ chia sẻ trên mạng xã hội.

Xuất phát từ tính cấp thiết trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) và Bộ Thông tin và Truyền thông ký ban hành Quy chế phối hợp số 05/QC-BCA-BLĐTBXH-BTTTT trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng. “Đặc thù các vụ việc liên quan trẻ em là cấp thiết. Qua thực hiện quy chế phối hợp, đã tiếp nhận xử lý nhiều vụ việc đấu tranh chống xâm hại trẻ em qua mạng như trẻ em bị bóc lột, xâm hại và lạm dụng tình dục qua mạng” – ông Thịnh nói. 

Bên cạnh đó, bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cần trau dồi kiến thức và có định hướng đúng để bảo vệ các con được an toàn trên môi trường mạng. Bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Ô Xinh cũng cho biết, phụ huynh cần ý thức rằng việc kiểm soát công nghệ con sử dụng là “rất khó”. Vì vậy, cha mẹ cần dành thời gian để trao đổi với con, hướng dẫn con sử dụng các công nghệ kỹ thuật số an toàn. Xây dựng niềm tin, làm bạn với con là cách để con có thể chia sẻ những thông tin đọc được trên mạng…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.