Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội:

Lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng của chị em hội viên phụ nữ

Bài và ảnh: Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, để xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã và đang từng bước đổi mới nội dung hoạt động, linh hoạt với tình hình thực tiễn. Nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực của Hội bám sát với nhu cầu của chị em hội viên, phụ nữ. Từ đó, hoạt động của Hội luôn nhận được sự đồng hành của hội viên phụ nữ và sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của chị em phụ nữ

Tại quận Hoàn Kiếm, chị Trịnh Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN quận cho biết: Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế… hàng năm, qua rà soát, theo dõi và nắm bắt tình hình dư luận xã hội tại cơ sở, thấy trên địa bàn quận vẫn còn nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, hỗ trợ về kinh tế, nhà ở, chăm sóc sức khỏe… Từ đó Hội LHPN quận Hoàn Kiếm đã họp triển khai, xây dựng kế hoạch thống nhất thực hiện các chương trình để giúp đỡ. Điển hình như trong tháng 2/2023 vừa qua, bà Nguyễn Thị Được, gần 80 tuổi là hội viên phụ nữ phường Hàng Buồm rất vui khi là một trong số 200 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhận được giấy mời tới kiểm tra sức khỏe tại trụ sở Quận Hội. Đây là chương trình do Hội LHPN quận phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức.

 Tại đây, bà Được đã được đội ngũ y bác sĩ trẻ đến từ các đơn vị: Bệnh viện K, Phụ sản Trung ương, Trung tâm y tế quận thăm khám, tư vấn và hướng dẫn điều trị chăm sóc sức khỏe gồm: Khám lâm sàng, kiểm tra huyết áp; tư vấn điều trị sản phụ khoa; khám, tư vấn điều trị bệnh lý tuyến vú, tư vấn tầm soát ung thư vú; siêu âm tuyến giáp phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp. Bà Được phấn khởi: “Đã lâu lắm rồi tôi không có điều kiện khám sức khỏe tổng quát như thế này. May nhờ có hoạt động ý nghĩa của Hội, tôi cùng nhiều chị em khác đã được các bác sĩ tận tình tư vấn chăm sóc sức khỏe; đồng thời hướng dẫn cách điều trị bệnh đau dạ dày mà tôi mắc từ nhiều năm nay”.

Còn với bà Đỗ Thị Hiền, là phụ nữ lao động nhập cư tại phường Chương Dương cũng rất vui khi nhận được thông báo từ cán bộ Hội về chương trình khám sức khỏe miễn phí do Hội tổ chức. Cuộc sống vất vả, tiền ăn hàng ngày còn phải lo từng bữa chứ tính gì đến chuyện đi khám sức khỏe định kỳ. Bà Hiền và các chị em nữ lao động nhập cư trên địa bàn mong rằng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm từ tổ chức Hội bằng những việc làm thiết thực ý nghĩa, quan tâm động viên những chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. 

Lắng nghe, thấu hiểu  nhu cầu, nguyện vọng của chị em  hội viên phụ nữ - ảnh 1
Hội LHPN phường Ngọc Thụy ra mắt mô hình “Tái chế rác thải vì một môi trường xanh” tại Chi hội phụ nữ tổ dân phố 27.

“Hội Phụ nữ vừa tuyên truyền, vừa vận động các chị em tích cực giúp các hội viên, phụ nữ nhận thức rõ mục đích ý nghĩa của hoạt động nhân văn này, để chị em thêm tin tưởng và tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào, cuộc vận động của Hội tổ chức”, chị Trịnh Thị Huệ chia sẻ. 

Còn tại quận Bắc Từ Liêm, ngoài việc hỗ trợ chị em phụ nữ vượt khó, thoát nghèo, phát triển kinh tế, Hội LHPN phường Xuân Đỉnh tích cực hỗ trợ các chị em hội viên phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp. Cụ thể từ năm 2018 đến nay, Hội Phụ nữ phường đã giúp đỡ được 8 chị em khởi sự, khởi nghiệp.

Chị Lê Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân Đỉnh cho biết: Hầu hết các hội viên sau khi được vay vốn đã nỗ lực phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định và đã hoàn trả xong số vốn vay ban đầu, đặc biệt trường hợp của chị Đặng Thị Việt Anh được Hội hỗ trợ, sau 3 năm khởi nghiệp, công ty do chị làm chủ đã phát triển tốt, có mức thu nhập cao, và chị vinh dự được Hội LHPN Việt Nam khen thưởng. Bên cạnh đó, hằng năm, Hội Phụ nữ phường cũng tích cực hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho ít nhất 50 người lao động, từ đó, tạo thu nhập ổn định để gia đình các hội viên trang trải cuộc sống…

Nhiều chương trình ý nghĩa, phù hợp với hội viên

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm làm cho kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tăng lên. Thời gian qua, Hội LHPN xã Tân Minh, huyện Thường Tín đã chú trọng phát huy vai trò của tổ chức Hội, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân về chủ trương, chính sách, các hoạt động tham gia xây dựng NTM, NTM nâng cao thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực của hội viên giúp thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống kinh tế của người dân.

Chị Vũ Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Minh cho biết: Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững được Hội quan tâm.

Chỉ tính riêng năm 2022, Hội duy trì vốn vay ngân hàng Chính sách xã hội dư nợ hơn 18 tỷ đồng cho 525 hộ vay phát triển kinh tế gia đình. Tháng 10/2022 với mục đích nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường sống.

Hội LHPN huyện Thường Tín triển khai các phương án xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại 2 đơn vị gồm Hội LHPN xã Tân Minh và Hội LHPN xã Chương Dương về cách thức làm men IMO, nuôi cấy lợi khuẩn vào rơm rạ để tạo men vi sinh rơm. Đây cũng là mô hình nằm trong Đề án "Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025" của thành phố Hà Nội.

Lắng nghe, thấu hiểu  nhu cầu, nguyện vọng của chị em  hội viên phụ nữ - ảnh 2
Hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tham gia khám sức khỏe do Hội LHPN quận Hoàn Kiếm phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức vào tháng 2/2023.

Để góp phần xây dựng đô thị văn minh, chị Vũ Thị Nhung, Chủ tịch Hội LHPN phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết: Qua một thời gian vận động, tuyên truyền, vận động, Hội Phụ nữ đã tổ chức ra mắt mô hình “Tái chế rác thải vì một môi trường xanh” gây quỹ từ rác thải tái chế của Chi hội phụ nữ tổ dân phố 27. Đây là hoạt động thiết thực góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chung tay chống rác thải nhựa và phân loại rác thải tại nguồn, góp phần làm cho cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Đồng thời, gây quỹ hỗ trợ cho các gia đình hội viên phụ nữ nghèo, các cháu mồ côi có thêm quần áo mới và có thêm điều kiện sinh hoạt trong cuộc sống…  Hiện nay, mô hình này đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều chị em hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn tham gia. Cùng với đó, việc tạo sân chơi lành mạnh, đẩy mạnh phong trào rèn luyện thể thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên, Hội phụ nữ thành lập mô hình Câu lạc bộ dân vũ thể thao. Đây cũng là một trong những mô hình được đông đảo chị em phụ nữ yêu thích và tích cực hưởng ứng.  

Với huyện Mê Linh, ngoài việc vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ các em mồ côi, trẻ khó khăn trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội Phụ nữ huyện còn vận động nguồn lực chung tay hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức như: Tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, tặng nhà “Mái ấm tình thương”; xây dựng mô hình “Điểm nhân ái” để tặng quà và tạo nguồn vốn tại chỗ hỗ trợ hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế. Từ các mô hình Hội đã thu được 1,758 tỷ đồng. Số tiền thu được Hội đỡ đầu 14 trẻ em mồ côi, tặng 114 chiếc xe đạp, 99 suất học bổng, tặng 643 suất quà, 3.810kg gạo cho phụ nữ khuyết tật, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.