Linh thiêng đền thờ Hai Bà Trưng ở Phúc Thọ

Nguyễn Thị Thiện
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đền Hát Môn nằm tọa lạc tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Đền được dựng sau khi Hai Bà Trưng hóa sinh vào cõi bất diệt.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra từ những năm 40 thế kỷ thứ Nhất chống ách cai trị hà khắc của nhà Đông Hán là một trong những trang sử vàng oanh liệt trong lịch sử dân tộc. Quân ta thắng lợi rực rỡ, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Hai Bà lên làm vua trong 3 năm, nhân dân được sống trong tự do. Nhưng quân giặc xảo quyệt kéo đại binh hùng hổ tràn sang và dùng mưu sâu kế bẩn quyết đè bẹp lực lượng của Vua Bà. Biết không thể tránh khỏi thua trận, Hai Bà đã tuẫn tiết ở cửa sông Hát, chói sáng tấm gương liệt nữ. 

Đền Hát Môn nằm tọa lạc tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Đền được dựng sau khi Hai Bà Trưng hóa sinh vào cõi bất diệt. Đền nằm trên một khoảng đất rộng rất nhiều cây cổ thụ, quay hướng Tây Nam gồm các công trình kiến trúc chính sau: Quán Tiên: Một kiến trúc nhỏ, xây bằng gạch, cửa mở về hướng đền kiểu vòm cuốn, có mái đao cong, nơi đây vốn là quán hàng bà bán bánh trôi nước, bà đã dâng tất cả gánh bánh trôi để Hai Bà và quân sĩ ăn trước khi ra trận.

Miếu Tạm ngự: Nằm phía trước bên phải đền chính. Khi nước lũ hàng năm dâng cao khiến khu đền chính bị ngập, dân làng rước tượng, ngai thờ và đồ thờ tự của đền về Tạm Ngự, hết lũ lại rước hoàn cung. Nghi môn ngoại: Khởi dựng vào thời Nguyễn, tứ trụ xây gạch, đỉnh trụ đắp nổi hình tứ phượng, lân. Thân trụ có câu đối chữ Hán. Từ nghi môn theo triền đê xuống là khu đền chính, bên phải có hồ nước, giữa hồ có nhà thủy đình (phương đình).

Bên trái đường là nhà tưởng niệm nữ tướng - nữ anh hùng Nguyễn Thị Định. Đàn Thề: Được xây dựng mới ở phía trước cổng tam quan, cột đá thề được tạo kiểu trụ hình tháp, bốn mặt có khắc chữ Hán, khắc nội dung lời thề của Hai Bà Trưng. Nội dung lời thề được chuyển thành ca vè là: “Một xin rửa sạch quốc thù/ Hai xin nối được nghiệp xưa họ Hùng”. Nghi môn: Gồm ba gian kiểu chồng diêm, hai tầng mái. Ba cửa vào đền làm kiểu ván bưng. Các bộ vì đỡ mái được kết cấu theo dạng “giá chiêng, hạ kẻ, bẩy hiên”, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch Bát. Nhà bia: Hai nhà bia được xây ở vị trí phía ngoài dãy nhà tả/ hữu mạc, trên nền cao hơn mặt sân 30cm, kiểu phương đình, mái lợp ngói ta, bốn đầu đao tạo cong vút. Tả/ hữu mạc: Mỗi dãy năm gian chạy dọc theo sân đền, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi, các bộ vì đỡ mái kết cấu dạng “giá chiêng, hạ kẻ”, được đặt lên tường bổ trụ trốn một hàng cột. Nhà đại bái: Gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì đỡ, mái lợp ngói ri, nền lát gạch Bát.

Linh thiêng đền thờ Hai Bà Trưng ở Phúc Thọ - ảnh 1

Trang trí trên kiến trúc tập trung dày đặc ở đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, ván gió dưới dạng chạm nổi, chạm lộng…, với các đề tài rồng, tứ linh. Đây là sản phẩm nghệ thuật từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Gian giữa treo hoành phi, các cột cái đều treo câu đối ca ngợi công đức Hai Bà. Tiền tế: Gồm năm gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, nền nhà cao hơn mặt sân. Hậu cung: Gồm ba gian, xây trên nền cao hơn mặt sân, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi. Phần mái của tòa này được nối với tòa trung đường qua phần mái của nhà cầu. Bộ khung gỗ đỡ mái gồm bốn bộ vì kèo dạng  “chồng rường”. Trang trí trên kiến trúc này chủ yếu là phượng. Gian giữa cung cấm được tạo một khám gỗ bưng kín bằng các ván gỗ, là nơi thờ Hai Bà.

 Đền Hát Môn hiện còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị về văn hóa, lịch sử, gồm: 293 di vật, cổ vật với nhiều chủng loại và phong phú chất liệu, như: Gỗ, đá, đồng, sứ, giấy, kim loại... có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn đến nay.

Lễ Hội đền Hát Môn được tổ chức hằng năm vào ngày 6 tháng 3 (Âm lịch), với các nghi lễ và trò diễn dân gian thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Đặc biệt, tục làm bánh trôi và lễ rước bánh trôi dâng Hai Bà đã trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo của hội vùng này. Thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đền được chọn làm nơi sinh hoạt, luyện tập của dân quân du kích địa phương.  

 Với những giá trị đặc biệt, đền Hát Môn xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.