Lửa
(PNTĐ) -
Nếu bạn buồn xin về hỏi lửa
Chiều nay khói bếp có lên
Chiều nay cơm reo cùng trẻ
Hây hây trái chín cùng mùa
Nếu đang lạnh xin về hỏi lửa
Đêm nay chăn chiếu có nồng
Đêm nay và đêm sau nữa
Gối chăn còn bếp lửa hồng
Nếu cô đơn xin về hỏi lửa
Bạn xưa sao ít quây quần
Chia nhau củ khoai nướng vội
Tro than gấp gáp hành quân
Nếu bất hiếu xin về hỏi lửa
Ai người ủ ấm ấu thơ
Ai ngồi long lanh ánh mắt
Reo vui ánh lửa bập bùng
Nếu thất bại xin về hỏi lửa
Quê hương nơi ấy đang chờ
Quay đầu là về cố quốc
Quay về lửa ấm hồn ta
Nguyễn Thế Hùng

LỜI BÌNH:
Lửa vốn là một phát minh vĩ đại nhất của con người thời tiền sử, là ngọn nguồn bất diệt của sự sống. Có lẽ vì ý nghĩa ấy mà lửa đã trở thành một hình ảnh thơ xuất hiện trong nhiều sáng tác xưa nay. Đến với bài thơ “Lửa” của Nguyễn Thế Hùng, ta sẽ bắt gặp những triết lý sống giản dị mà sâu sắc.
“Hỏi lửa” là một tứ thơ độc đáo. Tác giả đã đặc tả lửa như một nhân vật trữ tình để con người có thể đàm thoại, tự vấn để hình tượng ấy sáng bừng lên sưởi ấm những cung bậc cảm xúc của con người. Mỗi khổ thơ, tác giả đều đặt ra những giả thiết khác nhau: “Nếu…” Ba khổ thơ đầu là những cảnh huống tâm trạng không khó bắt gặp giữa cuộc sống đời thường. Khi buồn, khi lạnh hay cô đơn, lửa đều có sức lan tỏa, sưởi ấm, vỗ về chúng ta. Lửa nhen lên niềm vui trong mắt trẻ thơ, niềm vui giản dị trong vắt như tiếng cơm reo, như khoảnh khắc gia đình đoàn tụ sum vầy. Một chữ “reo” thôi mà có thể xua tan nỗi u ám muộn phiền trong ta. Chỉ một chữ thôi mà ta đủ thấy sự thay đổi diệu kỳ của cảm xúc thi ca.
Cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình thay đổi theo từng khổ thơ. Buồn có thể thoáng qua nhưng lạnh và cô đơn thì đã quấn riết con người ta lắm rồi. Cái lạnh của thời tiết hay cái lạnh của tâm hồn đều khiến người ta cảm thấy cô đơn. Nhưng trong đáy sâu tâm khảm, lửa sẽ thắp lên trong ta niềm hy vọng về đêm nay, đêm sau và đêm sau nữa. Hơi ấm nồng đượm của lửa là tình yêu nồng đượm mê say, là nghĩa tình đồng chí đồng đội son sắt thủy chung. Một lời “hỏi lửa” hay là niềm hoài niệm vời vợi về quá khứ quây quần, về những niềm vui thuần khiết sáng rỡ bật lên từ những “gấp gáp”, “tro than”? Câu thơ giản dị mà thật giàu sức gợi, khiến người đọc cứ day dứt miên man khát khao thương nhớ.
Nếu như ở ba khổ thơ đầu, lửa với ta trò chuyện rủ rỉ vỗ về như những người bạn tâm giao, thì hai khổ thơ sau, lửa lại như một bậc tiền bối nghiêm khắc nhắc nhở ta về lẽ sống ở đời. Ai đó nếu vô tình “bất hiếu”, xin hãy một lần đối diện với lửa để hoài vọng về tuổi thơ, để nhớ về người từng chắt chiu ủ ấm cho ta lớn dần lên qua bao mùa đông lạnh giá. Gia đình là cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người, là nơi nhen lửa, giữ lửa và truyền lửa. Lửa là tình mẹ nghĩa cha. Ta đâu chỉ lớn lên từ những bữa cơm gia đình gom góp bằng ngàn vạn giọt mồ hôi tảo tần của cha mẹ; ta còn lớn lên bởi những lời khuyên nhủ răn dạy nhẹ nhàng của mẹ của cha trong mỗi đêm đông rủ rỉ chuyện trò bên bếp lửa bập bùng. Ánh mắt của mẹ bao dung chở che, long lanh hy vọng, ánh mắt của cha ấm áp trìu mến, động viên tin tưởng. Tất cả được lửa soi thấu giữ gìn. Sao ta nỡ quên? Bài học về đạo lý làm người được tác giả nhắc nhở nhẹ nhàng mà sao thấm thía đến thế.
Khổ thơ cuối khép lại bài thơ là những chiêm nghiệm sâu sắc của một người nghệ sĩ có trái tim ăm ắp tình người, tình đời. Nỗi buồn, sự cô đơn có thể chỉ là những cung bậc cảm xúc thoáng qua. Sự bất hiếu cũng có thể chỉ là sai lầm nhất thời của những con người nông nổi. Trải qua bao nỗi ấm lạnh thăng trầm, nếm trải những ngọt bùi cay đắng ở đời, nếu không vượt qua được những điều ấy thì đó là sự “thất bại” của cả một đời người. Vậy điều gì sẽ cứu rỗi con người thoát khỏi bi ai đó? Lại là lửa. Chỉ có thể là lửa. Bởi lửa chính là hiện thân của tình nghĩa bạn bè hào sảng, của tình yêu lứa đôi chung thủy. Lửa chính là ngọn nguồn bất diệt của tình cảm gia đình thiêng liêng, của tình yêu quê hương bền bỉ. Những phận đời in dấu bao bước chân lang bạt kỳ hồ trên những cung đường khấp khểnh ấy nếu có sa chân lỡ bước thì gia đình và quê hương vẫn dang tay chở che đón đợi, vẫn bao dung ôm ấp vỗ về.
Bài thơ nhỏ, ngôn ngữ thơ giản dị mà hàm súc, hình tượng thơ gần gũi thân thuộc mà giàu chất suy tưởng. Bài thơ chứa đựng một triết lý nhân sinh sâu sắc: Những gì gắn bó gần gũi với tuổi thơ đều có sức lan tỏa nâng đỡ con người trên những hành trình dài rộng của cuộc đời. Xin hãy đọc thật chậm, thật kỹ bài thơ để tâm hồn mình thêm một lần được thanh lọc, để trái tim mình được “hành quân” về miền thiện lương trong sáng.