Màu tình yêu

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bài "Màu tình yêu" của nhà thơ Chử Thu Hằng được nhiều người yêu thích. Tuy viết về tình yêu lứa đôi rất quen thuộc nhưng tác giả chọn cách thể hiện mới lạ, hấp dẫn.

Em xin anh đừng hỏi
Tình yêu có màu gì?
Cứ yêu đi sẽ biết
Rạch ròi mà làm chi
 
Tình yêu như gió thoảng
Phơn phớt ánh hoa đào
Tình yêu đau đáu nhớ
Hẳn xanh màu khát khao
 
Tình yêu đầu trong trắng 
Tình cuối lại nâu đằm
Tình thủy chung mãi mãi
Tím biếc cùng tháng năm
 
Mình yêu nhau anh nhé
Chẳng bao giờ chia ly
Em tô màu son thắm
Cho tình yêu diệu kì…

                             Chử Thu Hằng

Màu tình yêu - ảnh 1
Ảnh minh họa 

LỜI BÌNH:
Bài "Màu tình yêu" của nhà thơ  Chử Thu Hằng được nhiều người yêu thích. Tuy viết về tình yêu lứa đôi rất quen thuộc nhưng tác giả chọn cách thể hiện mới lạ, hấp dẫn. Dưới hình thức đối thoại giữa anh và em, thi phẩm là áng thơ chứa chan xúc cảm và gửi gắm trong đó khát vọng về một tình yêu thủy chung cao đẹp.

Tứ thơ độc đáo thể hiện ngay trong nhan đề của bài. Tình yêu vốn là một trong những bí ẩn diệu kỳ nhất của loài người, món quà tuyệt vời tạo hóa ban cho con người, một khái niệm trừu tượng. Yêu là thái độ cảm mến, thương nhớ giữa những con người thích nhau, ước muốn được gần gũi, chia sẻ, quan tâm chăm sóc nhau. Còn "màu" lại là thuộc tính của vật thể dưới tác động của ánh sáng, nhận biết được bằng mắt.

Ở đây nhà thơ đã cụ thể hóa cái trừu tượng trong diễn đạt, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Loài người luôn có nhu cầu tìm hiểu để giải mã những bí mật của tình yêu. Tác giả cũng vậy. Dùng thể thơ ngũ ngôn, người viết đã phân thân tâm trạng, sáng tạo nên màn đối thoại giữa hai nhân vật anh và em. Cả hai hỏi - đáp về màu sắc của tình yêu: "Em xin anh đừng hỏi/ Tình yêu có màu gì?/ Cứ yêu đi sẽ biết/ Rạch ròi mà làm chi". Trong thực tế cuộc sống, người ta yêu nhau thật khó lý giải nguyên nhân vì sao mà yêu - như trong ca khúc của Trần Tiến có câu “Yêu nhau chỉ vì yêu nhau”; nên chủ thể trữ tình xin anh đừng hỏi về "Tình yêu có màu gì?" cũng là điều dễ hiểu. Bài thơ cuốn hút người đọc bởi những câu hỏi và lời đáp rất khéo léo và ý nhị.

Không dừng ở đó, với phép tu từ so sánh, chủ thể trữ tình "em" - nhà thơ - trả lời "anh" - cũng là giúp bạn đọc hình dung cụ thể hơn về đối tượng cần khám phá: "Tình yêu như gió thoảng/ Phơn phớt ánh hoa đào/ Tình yêu đau đáu nhớ/ Hẳn xanh màu khát khao". Tình yêu được so sánh liên tiếp khi thì "như gió thoảng" nhẹ nhàng và mát mẻ. Khi lại "đau đáu nhớ" những lúc xa cách hoặc "xanh màu khát khao" mong mỏi gặp gỡ. Nghệ thuật đảo ngữ cùng với cách sử dụng liên tiếp các từ láy: Rạch ròi, phơn phớt,  đau đáu, khát khao, trong trắng, mãi mãi cho thấy vẻ đẹp và sự đa sắc màu của tình yêu.

Màu tình yêu - ảnh 2
Ảnh minh họa 

Hàng loạt tính từ chỉ trạng thái và màu sắc gợi tả sự chuyển động khẽ khàng của gió cùng các gam màu rất thanh nhã: Phơn phớt ánh hồng của hoa đào, xanh dịu của khát khao và hy vọng. Tất cả được sử dụng đắc địa gợi lên sự tươi mới, trẻ trung. Với sự từng trải, vốn sống phong phú, nhà thơ giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều và bao quát về các cung bậc với từng giai đoạn của tình yêu: "Tình yêu đầu trong trắng/ Tình cuối lại nâu đằm/ Tình thủy chung mãi mãi/ Tím biếc cùng tháng năm". Những màu sắc: trong trắng, nâu đằm, và tím biếc được nhà thơ lựa chọn rất chính xác, tương đồng với các giai đoạn tình yêu trong cuộc đời  mỗi người. Tình yêu đến cũng tự nhiên như cơm ăn, nước uống. Tình đầu thường gắn với tuổi học trò trong sáng, thơ mộng, gợi những kỷ niệm và hồi ức đẹp đẽ.

Đúng như nhà thơ Lưu Trọng Lư từng viết: "Mối tình đầu trôi qua/ Không bao giờ trở lại/ Nhưng mà nỗi xốn xang/ Như gió mùa thổi mãi". Ngược lại "Tình cuối lại nâu đằm", khi trẻ người ta yêu nhau bằng mắt bởi sự hấp dẫn, cuốn hút nhau bởi sức sống thanh xuân. Tình yêu ấy vô tư hồn nhiên, không toan tính. Nhưng khi đã trưởng thành lên, tuổi cao thêm và già đi, tinh yêu đi vào lắng đọng. Lúc này tình gắn với nghĩa, với trách nhiệm và bốn phận nên nhà thơ dùng từ "nâu đằm" là hợp lý. Trong bài, điệp từ "tình" và "tình yêu" cùng nghệ thuật so sánh đã gợi tả, gợi cảm vẻ đẹp đa dạng và sự hấp dẫn của tình yêu.

Hai câu kết bài: "Tình thủy chung mãi mãi/ Tím biếc cùng tháng năm" bày tỏ niềm khao khát của chủ thể trữ tình. Màu tím biếc là sắc màu đẹp, biểu tượng về một tình yêu son sắt, trước sau như nhất. Để có được sắc màu ấy, cả hai anh và em phải chung tay vun đắp thì tình yêu mới nồng thắm và vững bền.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.