Mẹ chồng “có 1 không 2”

Chia sẻ

Thúy vẫn bảo mẹ chồng mình là “có 1 không 2” bởi đúng là bà “có 1 không 2” thật. Ai đời mẹ chồng mà luôn che chở, bênh vực con dâu. Có lần chồng Thúy còn giận dỗi, hỏi: “Vậy là mẹ yêu con hơn hay mẹ yêu con dâu của mẹ hơn?”.

Mẹ chồng Thúy thong thả đáp: “Cứ là con thì mẹ đều yêu. Nhưng, con nào vất vả hơn, yếu thế hơn thì không chỉ yêu mà mẹ còn thương, còn lo nữa”.

Trong số hai vợ chồng, mẹ chồng Thúy lúc nào cũng quan niệm Thúy vất vả và yếu thế hơn chồng cô. Còn Thúy thì thấy so với nhiều chị em khác, cô đã sướng hơn nhiều rồi. Nhớ hồi đầu về làm dâu, sau 1 tuần trăng mật trở về, sáng đầu tiên ở nhà chồng, Thúy cố dậy sớm vì mẹ cô dặn phải dậy sớm nấu ăn sáng cho cả nhà. Mẹ chồng cô lúc đó đang ở ngoài sân tưới cây. Thấy dâu mới lục tục dưới bếp, bà vội chạy lại, kéo tay Thúy ra ngoài phòng khách rồi bảo: “Con không phải nấu ăn sáng. Ở nhà mình có thói quen, ngày bình thường thì mọi người chủ động ăn sáng vì ai cũng bận rộn đi làm. Cuối tuần mới ăn ở nhà. Nhưng, ăn ở nhà thì mẹ con mình lại không phải nấu”. Thúy ngạc nhiên lắm, nhưng lúc đó sợ nên chẳng dám hỏi nhiều. Lát sau thì chồng Thúy bước từ trên tầng xuống bếp, rất nhanh sau đó bê ra 3 tô phở bò thơm nức. Chồng Thúy còn vui vẻ mời mẹ và vợ ra ăn mà chẳng có biểu hiện gì bực bội khi thấy hai người phụ nữ được ngồi đàm đạo với nhau, còn mình thì phải đi phục vụ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lâu dần, Thúy mới biết mẹ chồng Thúy quan niệm là phái mạnh thì phải giúp đỡ phái yếu. Thúy vẫn thường đi chợ một lần cho cả nhà ăn 1 tuần. Chợ chẳng xa lắm, chỉ cách có hai con ngõ. Nhưng, khi Thúy xách làn lên là đã thấy chồng sốt sắng chạy ra, hoặc là cùng đi bộ đi chợ với Thúy, hoặc là chở cô ra chợ bằng xe máy rồi đợi để đèo cô về. Hôm nào chồng cô không để ý, mẹ chồng Thúy sẽ chủ động nhắc: “Con đi cùng để xách làn cho vợ. Con thử xách một làn thức ăn xem có trĩu tay không?”. Đến bữa, Thúy nấu cơm, trừ khi chồng cô bận việc hay có lý do chính đáng thì thôi, chứ nếu không, mẹ cô sẽ bảo Thúy gọi chồng xuống nấu cùng. Rồi đến bữa, Thúy chưa kịp chạm tay vào bê cái mâm, mẹ chồng lại đã mau mắn: “Con để yên đó, để Hoàng nó bê mâm”.

Cô bạn thân Thúy kể ở nhà chồng, mỗi lần muốn nhờ chồng làm việc gì là bạn cô cứ nem nép vì sợ mẹ chồng phát hiện. Còn nhà Thúy thì ngược lại. Mẹ chồng Thúy còn động viên cô: “Thằng Hoàng nó nhiều nhược điểm lắm, vô tâm vô tính, ăn ở thì luộm thuộm, lại chẳng khéo léo giỏi giang nhiều như người ta. Con lấy nó là thiệt thòi, nhưng thôi, vợ chồng là duyên số. Nó giúp được con cái gì là phúc phận của nó đấy”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thế nhưng, có một điều mà Thúy còn tâm phục khẩu phục hơn ở mẹ chồng là bà thực ra cực kỳ khéo léo, tinh thế. Bà vẫn chăm sóc ngầm con trai, nhưng thường không ra mặt thể hiện điều đó. Thúy tự nhận mình được mẹ chồng “nương tay” nên nhiều khi còn ỷ lại vào chồng. Mẹ chồng Thúy không mắng cô bao giờ, nhưng vẫn thường nhỏ nhẹ xa gần với Thúy kiểu như “nhắc khéo” để cô tự chỉnh lại mình. Một hôm cuối tuần, bà rủ Thúy: “Mẹ con mình hôm nay làm một bữa tươi đãi cả nhà đi. Lâu rồi mình chưa đổi món. Thằng Hoàng nó thích ăn món cuốn lắm, cho nó ăn cho béo, khỏi chê vợ mập nữa”. Thúy nghe là biết ngay mẹ muốn “chăm con trai mẹ” và nhắc khéo Thúy để ý chồng cô dạo này có phần gầy đi, xanh xao. Lại có lần, hai vợ chồng Thúy gặp mâu thuẫn. Thúy liền vác gối xuống phòng mẹ chồng “cho anh ấy biết tay”. Ban đầu, mẹ chồng Thúy bảo: “Được, con cứ ở đây ở với mẹ, xem phim với mẹ. Kệ thằng Hoàng ở trên nhà mà suy ngẫm”. Nhưng rồi đến lúc hết phim thì mẹ chồng Thúy lại bảo: “Thôi, mình giận cho thêm hương vị nhưng không làm quá con ạ. Giờ con lên nhà, mình có cương, có nhu thì chồng nó sợ hơn. Tội gì có chồng mà bỏ đi hả con”. Rồi mẹ chồng Thúy lên phòng, để Thúy khỏi mất mặt, bà mắng át luôn con trai: “Tối nay mẹ tạm để con Thúy về phòng. Hoàng, con không làm lành thì từ mai, Thúy dọn hẳn đồ xuống ở cùng mẹ”. Thúy vừa buồn cười, vừa phục và thầm biết ơn mẹ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Lần đỉnh điểm nhất vợ chồng Thúy suýt gặp sóng gió là khi Thúy vô tình phát hiện trong ngăn bí mật của chồng có một dây bao cao su. Thúy choáng váng, tin chắc rằng chồng mình đang trăng gió bên ngoài. Cô òa khóc, chạy đi gặp mẹ chồng, thổn thức: “Con… con muốn ly hôn”. Hoàng thì rối rít thanh minh không ngoại tình mà chỉ là anh được tặng bao cao su, tiện thể thì cất kỹ trong ví thôi vì sợ người khác nhìn thấy. Mẹ chồng Thúy lúc đó đã chủ động kéo Thúy xuống phòng mình để tránh cho hai vợ chồng cãi vã thêm. Đêm đó, hai mẹ con nằm nói chuyện, mẹ chồng Thúy trấn an: “Nếu Hoàng nói ngoại tình thật thì mẹ đồng ý cho con ly hôn vì mẹ cũng không thể chấp nhận làm chồng mà ngoại tình. Con sẽ ở lại nhà này với mẹ, còn người ra đi là thằng Hoàng. Mẹ sẽ không ruồng rẫy con. Mẹ sẽ coi từ nay không còn nó nữa”.

Tuy nhiên, vừa nói vậy, mẹ chồng Thúy cũng khuyên Thúy nên bình tĩnh. “Mẹ tin, thằng Hoàng sẽ không phải loại người hư đâu vì tính nó bản chất là lành, hiền. Vì thế, tạm thời con cứ bày tỏ thái độ, cũng là để cho nó biết quan điểm của mẹ con mình. Nhưng mặt khác, con cho mẹ thời gian tìm hiểu sự việc rồi chúng ta sẽ cùng còn tìm ra phương án”.

Thúy không biết mẹ chồng mình nói chuyện với chồng mình lúc nào, chỉ thấy hai hôm sau bà nhắn tin rủ Thúy đi uống cà phê. Rồi bà kể với Thúy về nguồn gốc cái bao cao su đó. “Mẹ biết rồi con ạ. ở tổ dân phố, các chị em vừa rồi đúng là có đi phát bao cao su để tuyên truyền về thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Thằng Hoàng xem ra không dám nói dối mẹ con mình đâu. Mẹ nuôi thằng Hoàng từ bé, mẹ biết tính nó thiện, thật thà con ạ. Cũng là chút ưu điểm mình thừa nhận cho nó”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tuy vậy, lúc về tới nhà, trước mặt Thúy, bà vẫn nghiêm nghị nói với chồng Thúy: “Mẹ và Thúy tạm thời tin con thôi nhưng sẽ còn theo sát con. Con Thúy nó vẫn còn giận con lắm, mẹ phải thuyết phục mãi nó mới tạm làm lành đấy. Vì thế, con phải chứng minh con vô tội bằng việc chăm lo tốt hơn cho gia đình này nhé”.

Bây giờ, hai đứa con của vợ chồng Thúy đã lớn, đều học cấp 2 cả rồi. Tuy nhiên, Thúy thấy mình vẫn còn dại dột và luôn muốn ở trong vòng tay của mẹ chồng lắm. Có mẹ chồng như mẹ Thúy chẳng khác gì có chuyên gia tâm lý trong nhà. Thúy nhớ mãi lời mẹ nói với mình: “Mẹ làm khổ con dâu thì con trai mẹ cũng khổ, mẹ cũng chẳng vui vẻ gì. Chi bằng mẹ yêu con thì sẽ được hết, mà cái được lớn nhất chính là gia đình hạnh phúc, hòa thuận”.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.