MẸ NGỒI TÊM NẮNG

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong số nhiều bài thơ hay về mẹ, tôi thích bài "Mẹ ngồi têm nắng" của Trần Đức Đủ, nhà thơ của xứ Kinh Bắc nổi tiếng.

Mẹ ngồi têm nắng bên thềm
Giọt thời gian rụng ướt mềm ca dao
Lòng mẹ sóng vỗ lao xao
Con thuyền ký ức níu vào bến mơ

Mẹ ngồi têm nắng mẹ chờ
Mấy mùa cam chín, mấy mùa xuân qua
Mà con vẫn chốn thẳm xa
E khi nắng lửa, mưa sa thất thường

Mẹ ngồi têm nắng mẹ thương
Con cò lặn lội bờ sương tháng ngày
Vẫn cao đầu, sải cánh bay
Mênh mang chở nắng cho đầy biển xanh

Mẹ ngồi têm nắng bên mành
Rót hồn xuống đất cội cành nở hoa

                                                     Trần Đức Đủ

MẸ NGỒI TÊM NẮNG - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH:
Trong số nhiều bài thơ hay về mẹ, tôi thích bài "Mẹ ngồi têm nắng" của Trần Đức Đủ, nhà thơ của xứ Kinh Bắc nổi tiếng. Qua bài thơ, tác giả tái hiện chân dung người mẹ già đau đáu nhớ thương, chờ đợi đứa con xa. Tình cảm đó của mẹ đã truyền cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh để các con cháu mẹ phấn đấu vươn lên trưởng thành và giúp ích cho đời.

Nhan đề "Mẹ ngồi têm nắng" của bài gây sự chú ý bởi tính độc đáo của nó. "Nắng" vốn là danh từ chỉ ánh sáng trực tiếp từ mặt trời chiếu xuống. Hiện tượng thiên nhiên này không có hình khối, con người không thể cầm hay nắm bắt được. Còn "têm" lại là động từ chỉ tổ hợp những hành động: Bổ quả cau, chia lá trầu thành mảnh nhỏ rồi quệt chút vôi, cuộn lại thành miếng vừa ăn. Vậy mà ở đây, tác giả lại viết "Mẹ ngồi têm nắng", Tứ thơ mới lạ này gợi liên tưởng về người mẹ ăn trầu, từng trải một đời sương gió, giờ đây già yếu chẳng đi xa nổi. Vốn hay làm, mẹ chẳng thể ngồi không. Mẹ têm trầu hay làm bất cứ việc gì đã thành thói quen. Dưới cái nhìn yêu thương, trân quý của người con, mẹ như đang“têm nắng” trước hiên nhà: "Mẹ ngồi têm nắng bên thềm/ Giọt thời gian rụng ướt mềm ca dao/ Lòng mẹ sóng vỗ lao xao/ Con thuyền ký ức níu vào bến mơ".

Thiên nhiên cũng như có tình cảm trước tấm lòng của mẹ. Thời gian là khái niệm diễn tả trình tự xảy ra các sự kiện, nó vô hình nhưng lại được tác giả cảm nhận như những "giọt" rụng xuống dòng sông dạt dào của lòng mẹ. Hình ảnh "sóng vỗ lao xao" và "con thuyền ký ức", "bến mơ" “níu” gợi về những kỷ niệm tình mẹ ngọt ngào thuở trước. Giờ đây các con mẹ lớn lên đã bay đi vào bầu trời cuộc sống. Mẹ không thể ở bên chăm lo cho con nhưng lòng mẹ nhớ nhung không lúc nào nguôi. Chủ thể trữ tình - người con cảm nhận rất rõ điều đó: "Mẹ ngồi têm nắng mẹ chờ/ Mấy mùa cam chín, mấy mùa xuân qua/ Mà con vẫn chốn thẳm xa/ E khi nắng lửa, mưa sa thất thường". Mẹ đợi chờ tin con mỗi ngày. Mẹ lo cho con nơi xa ấy có được khỏe và an lành? Nghệ thuật đảo từ "thẳm xa" như gia tăng hơn nữa niềm mẹ nhớ thương con. Cùng khi ấy, người con lại thương lo cho mẹ, e ngại những lúc "nắng lửa", "mưa sa thất thường" mẹ tuổi cao, sức yếu liệu có ảnh hưởng chăng? Cội nguồn của sự ngóng trông, chờ đợi chính là lòng mẹ thương con: "Mẹ ngồi têm nắng mẹ thương/ Con cò lặn lội bờ sương tháng ngày".

Ở đây người đọc gặp lại hình ảnh quen thuộc "con cò lặn lội". Có điều trong ca dao, hình ảnh đó thường chỉ thân phận của người mẹ. Còn ở bài thơ, hình ảnh này lại xuất hiện trong tâm tưởng người mẹ vận vào người con. "Mẹ ngồi têm nắng" lòng đầy thương yêu đứa con, tuy cuộc sống vất vả nhưng con mẹ có khát vọng sống đẹp "Vẫn cao đầu sải cánh bay/ Mênh mang chở nắng cho đầy biển xanh". Tuy lời thơ không nói cụ thể nhưng người đọc nghĩ rằng con mẹ nơi xa vẫn làm việc không nghỉ để ích nhà, lợi nước. Điều này khiến mẹ càng thương nhớ con không lúc nào nguôi và người con vô cùng cảm kích: "Mẹ ngồi têm nắng bên mành/ Rót hồn xuống đất cội cành nở hoa". Tâm hồn, tấm lòng của mẹ luôn nghĩ suy, thương lo, hy sinh vì con cái và người khác.

Mẹ như mặt đất rộng lớn, màu mỡ, nuôi cho cây cối tươi tốt, cội cành nở hoa dâng hương thơm quả ngọt cho đời. Người con như thầm hứa cần sống xứng với lòng mẹ, sống có ích với cộng đồng. Trong bài, tác giả rất thành công trong việc sử dụng những hình ảnh, từ ngữ sáng tạo, nhiều lần điệp từ "mẹ" (8 lần), điệp ngữ "Mẹ ngồi têm nắng" (5 lần), nhiều từ láy: lao xao, thất thường, lặn lội, mênh mang, cội cành khiến cho hình ảnh người mẹ nhẫn nại đợi chờ, thương nhớ con càng in đậm trong tâm trí người đọc. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mẹ hãy ly hôn đi

Mẹ hãy ly hôn đi

(PNTĐ) - Tép đẩy nhẹ cánh cửa nhà kho sau vườn, ánh sáng bên ngoài tràn vào, mùi ẩm mốc bên trong bốc lên đặc sệt trong cánh mũi. Thằng nhỏ nheo mắt để làm quen với bóng tối trong kho, nó nhận ra những ngón chân của mẹ thò ra sau chiếc thùng phi bằng nhựa.
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

Nữ nhà báo Trần Thu Hà: Nhìn con mà tôi tự sửa mình

(PNTĐ) - Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đặc biệt là từ những trải nghiệm trong thời gian làm báo dành cho tuổi teen Hoa Học Trò đã hỗ trợ nữ nhà báo Trần Thu Hà, hay còn được biết đến với tên gọi thân mật Mẹ Xu Sim nhiều kiến thức trên hành trình làm mẹ. Cùng với một số cuốn sách chị đã xuất bản như "Con nghĩ đi, mẹ không biết", "Buông tay để con bay", "Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc", các bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con trên mạng xã hội của chị cũng luôn được đông đảo các bậc cha mẹ đón đọc.
Tình yêu ngục tù

Tình yêu ngục tù

(PNTĐ) - Chị bảo vì em gái chị yêu nhầm người nên không chỉ cô em gái bị ảnh hưởng mà còn khiến cuộc sống của gia đình chị cũng nơm nớp theo sự đe dọa của người đàn ông yêu ngông cuồng đó.