Một số cách thức tự chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người bị F0

Chia sẻ

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước đang gia tăng nhanh chóng. Đa phần người bệnh có triệu trứng nhẹ như: ho, rát họng, ớn lạnh, đau đầu, mỏi người, sốt…

Điều trị triệu chứng để phục hồi sức khỏe đối với người mắc Covid-19 thể nhẹ, chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp quen thuộc, dễ làm nhưng rất hiệu quả dưới đây.

Đánh cảm bằng bạc và lòng trắng trứng

Trước tiên, bạn chuẩn bị các nguyên liệu: Bạc (vòng hoặc đồng tiền với khối lượng từ 5 chỉ bạc trở lên), 4 - 6 quả trứng gà (nên dùng trứng gà công nghiệp để lượng lòng trắng nhiều), khăn tay mùi xoa hoặc khăn màn.

Sau đó, đem luộc chín trứng gà, lấy ra 2 quả (dùng trước), bóc lấy lòng trắng rồi bọc cùng bạc vào khăn, túm chặt lại để đánh cảm.

Khi đánh cảm, chúng ta cần lưu ý nguyên tắc: Đánh toàn bộ vùng da của cơ thể, đánh kỹ vùng gáy, thắt lưng, bàn tay và bàn chân. Đánh từ trên xuống dưới, chỉ đánh vuốt xuôi, không vuốt ngược lại.

Đặc biệt, khi đánh cảm ta cần tuân theo thứ tự: Thứ nhất, đánh từ đỉnh đầu xuống gáy; thứ hai, đánh từ đỉnh đầu xuống trán; thứ ba, đánh từ trán xuống mắt, má, cằm, cổ và cả hai tai; thứ tư, đánh từ vai xuống dưới hông (khắp cả lưng và hông); thứ năm, đánh từ cổ xuống ngực, xuống bụng dưới; sau đó đánh cảm lần lượt ở: tay phải, tay trái, chân phải, chân trái.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tổng thời gian đánh cảm toàn bộ cơ thể khoảng 30-60 phút. Tùy thuộc vào mức độ mà cơ thể bạn bị nhiễm hàn lạnh: người gai rét, sốt rét, chân lạnh... thì đánh 60 phút, còn không thì đánh 30 phút. Nếu lần đầu tiên đánh thì đánh tối thiểu 40 phút.
Trong quá trình đánh cảm, chúng ta lưu ý vuốt chậm và áp sát vào vùng da. Mỗi đường vuốt từ 15-20 lần (vuốt xuôi), riêng vùng thắt lưng và lòng bàn tay thì số lượt gấp đôi. Khi nào thấy lòng trắng trứng nguội thì bỏ đi, dùng lòng trắng trứng mới. Nếu đánh hết cơ thể rồi mà vẫn chưa đủ thời gian thì quay lại đánh kỹ vùng gáy, vùng thắt lưng, vùng cổ, vùng lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Đánh xong thì lấy dây bạc hoặc đồng tiền bạc ra để trên tờ giấy trắng rồi xem màu sắc của bạc. Nếu bạc chuyển màu đen là bị cảm lạnh, màu nâu đỏ là bị cảm nắng.


Sau khi đánh cảm xong, lấy 1 cốc nước gừng nóng đun muối, vừa thổi vừa uống. (Nếu muốn uống ngọt thì cho thêm 1 muỗng mật ong, hoặc đường vàng). Bạn phải kiêng tắm, kiêng sờ nước lạnh, kiêng gió khoảng 3 giờ để tránh hàn lạnh xâm nhập trở lại.

Lưu ý: Không được ngâm trứng gà vào nước cho nguội bớt để bóc. Khi đánh trứng thấy nguội không được nhúng vào nước nóng để đánh mà phải thay lòng trắng trứng mới. Đánh cho trẻ nhỏ thì tránh cột sống và đánh từ cột sống ra theo xương sườn, nhẹ nhàng kẻo ảnh hưởng xương và trầy da.

Nếu tự đánh thì chỉ có vùng lưng là khó nhưng ta có cách sau: Sau khi bạn đánh theo thứ tự: vùng đầu, mặt, gáy, cổ xong thì bạn dùng tay trái cầm khăn có trứng bạc bên trong, vòng sang đánh vùng gáy và bả vai phải; sau đó đổi tay phải đánh vùng gáy và bả vai trái. Tiếp tục tay phải đưa ra thắt lưng với lên vùng vai phải (với được đến đâu thì đánh đến đó) vuốt xuống thắt lưng phải và mông, rồi lần lượt như vậy; rồi lại dùng tay trái làm tương tự. (Chấp nhận có 1 vùng ngang bả vai chúng ta không đánh được). Cuối cùng đánh cảm tay phải, rồi đánh tay trái, rồi đánh chân phải, rồi đánh chân trái. Nhớ rằng vùng gáy, thắt lưng, lòng bàn tay, lòng bàn chân đánh kỹ.

Bạc đánh xong muốn trắng trở lại thì dùng kem đánh răng và bàn chải đánh răng đánh.

Cách chườm bằng ngải cứu, gừng, muối

Cách chườm này sử dụng trong trường hợp bị đau bụng do lạnh, đau mỏi người, đau đầu, ho có đờm trắng dính.

Phương pháp chườm: Lấy 1 nắm to lá ngải cứu trải đều trên 1 chiếc khăn to. Giã nát gừng rồi để lên trên ngải cứu. Lấy một bát (chén) ăn cơm muối trắng (muối hạt to) rang thật nóng (thấy muối nổ), đổ lên trên gừng và ngải cứu. Sau đó, túm khăn lại rồi xoa đều trên bề mặt da vùng bị bệnh. Khi chườm không được nhấc khăn lên khỏi da, nếu thấy nóng thì chuyển sang vùng da khác.

BS Đỗ Nam Khánh
Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.