Mùa hoa tháng 4

Chia sẻ

Tháng 4 về sau chuỗi ngày âm u với mưa nồm ẩm ướt, Hà Nội hát khúc giao mùa trong ánh nắng đầu hè rực rỡ. Là thời khắc những cơn mưa rào bắt đầu xuất hiện đột ngột đem theo những sắc màu rực rỡ của những loài hoa mang tên gọi tháng 4.

Hoa loa kèn - nàng bách hợp khoe sắc

Khi được hỏi "Tháng 4 ở Hà Nội có hoa gì?", thì chắc chắn bạn sẽ nghĩ ngay đến hoa loa kèn trắng muốt được bán ở khắp phố phường Hà Nội. Không rực rỡ như các loài hoa khác nhưng hoa loa kèn lại mang sắc trắng tinh khôi, giản dị và có hương thơm tinh khiết. Hoa loa kèn gợi nhắc một Hà Nội xưa cũ, như một nét dịu dàng giữa phố thị nhộn nhịp cổ kính, trong vẻ đẹp kiêu sa, đài các nhưng khiêm nhường. Khi những bông hoa loa kèn này bung lụa sẽ gợi nhắc cho những ai bận rộn nhất, vội vã nhất cũng nhận ra là tháng 4 đã về.

Hoa gạo - mộc miên của làng quê bình dị

Hoa gạo còn được biết đến với các tên gọi mỹ miều khác là hoa mộc miên hay hoa pơ-lang. Hoa nở đỏ rực một góc trời vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 như đốm lửa của mùa xuân rực sáng trước khi tàn lụi để nhường chỗ cho nắng hạ về.

Vào những ngày hoa gạo nở rộ, Hà Nội trở nên đẹp lạ thường khi kết hợp cùng sắc đỏ đồng quê của cây gạo giữa phố đông. Đằng sau những bông hoa gạo là cả một không gian văn hóa xứ Bắc thấm đượm, chứa đựng những điều xưa cũ nhưng lại đáng trân trọng. Hoa gạo rụng sớm khi chưa bị khô héo hay dập nát, dù rơi rụng nhưng vẫn mang trong mình sức sống bền bỉ. Và mỗi khi vô tình bắt gặp những thảm hoa gạo, ấy là lúc mùa hạ đang hoan hỉ trở lại. Không chỉ làm say đắm lòng người bởi vẻ đẹp của mình, hoa gạo còn có rất nhiều công dụng. Mỗi bộ phận như hoa, vỏ, rễ cây đều tác dụng như một vị thuốc chữa bệnh hiệu quả.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bằng lăng - tím biếc những con đường

Hoa bằng lăng thường nở vào khoảng thời gian chớm hè, cuối tháng 4, phố phường Hà Nội trở nên lãng mạn với những sắc tím của hoa bằng lăng. Sắc hoa ấy nhuộm tím cả một góc trời khiến cho tâm hồn ai cũng cảm giác thư thái, bình yên đến lạ. Người ta thường tìm đến con phố Thợ Nhuộm, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Đào Tấn, Hoàng Quốc Việt hay Trần Thái Tông… để thong dong từng bước chân dưới những tán hoa ấy. Hoa bằng lăng gợi cho chúng ta nhớ về một tình yêu tuổi học trò trong sáng, ngây ngô. Ngoài màu hoa phổ biến là màu tím nhẹ nhàng, hoa bằng lăng còn có màu hồng, tím trắng hay tím sẫm rất đẹp mắt. Bằng lăng được trồng nhiều trên những con phố của Thủ Đô, nhiều con đường dù đã có tên nhưng vẫn được không ít người gọi là đường bằng lăng, một cách thân thương.

Hoa sấu – sắc trời Hà Thành

Hà Nội những ngày chớm hạ, cơn mưa rào đầu mùa chợt đến như để tiễn biệt sắc xuân, bắt đầu không gian của nắng và gió hè hanh hao. Thế nhưng Hà Nội sao vẫn dịu dàng và đằm thắm, thanh thoát nhẹ nhàng, bởi Hà Nội có hoa sấu phủ trắng trên cao, tựa biển mây bồng bềnh đang sà xuống, khiến ai kia phải xao xuyến bồi hồi mỗi khi bước ngang.

Sấu là một loài cây tỏa bóng mát, nhưng theo năm tháng, nó đã trở thành biểu trưng của Hà Nội chớm hè. Hoa sấu như chiếc đồng hồ báo thức của mùa hè Hà Nội, cứ mỗi lần hàng sấu hai bên vệ đường bắt đầu rụng lá, để lộ những chùm hoa mỏng manh, người ta thầm thì về một mùa hè nữa lại sắp về, thật gần. Hoa sấu không kiêu sa như hướng dương, cũng chẳng ngọt ngào như cánh sen tháng 6, sấu lặng lẽ cho mình một khoảng trời riêng, vô tư lự thênh thang cùng bầu trời và gió lộng. Hoa sấu đã trở thành một phần hồn của người Hà Nội, dẫu thời gian có qua bao nhiêu đi chăng nữa, hoa sấu vẫn chiếm trọn một góc nhỏ trong những nỗi nhớ thương, tựa người bạn tri kỉ, không gặp lại nhớ. Ở Hà Nội, sấu được trồng rải rác khắp nơi từ đường phố đến các khuôn viên trường, chung cư, nhưng nhiều nhất là tại các tuyến đường Điện Biên Phủ, Trần Phú, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng, Tràng Thi và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm...

Hạ đang về đâu đây trong tháng 4, đem theo những hương sắc mê đắm lòng người...

PHƯƠNG LINH

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.