Mua làm gì cho phí tiền ra

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đó là câu cửa miệng của bà tôi, mỗi khi nghe tới việc phải tiêu tiền. Chẳng thế mà chúng tôi đã hình thành phản xạ, hễ làm gì phải tiêu đến tiền thì sẽ không nói trước với bà, kẻo bà lại can ngăn.

Có lẽ trong nhà tôi, bà là người ít tiêu tiền nhất. Nói đúng hơn là bà luôn tìm ra các lý do để không phải tiêu tiền. 

Bà thường than vãn chúng tôi hoang phí, mua sắm quần áo, đồ dùng bừa bãi tốn kém. Sự thực thì không phải vậy. Bà không hiểu rằng, thời buổi này, người ta hơn thua nhau không chỉ ở năng lực mà còn ở diện mạo bên ngoài. Tôi quanh năm suốt tháng không thể chỉ mặc vài bộ quần áo cho tới khi rách thì bỏ, chỉ đi một đôi dép tới há mõm lại mang ra hàng giầy dán lại keo. Trên giá dép trong nhà, tôi luôn có 5, 7 đôi giầy, dép. Tủ quần áo của tôi cứ dăm hôm lại nhiều thêm các bộ đồ mới. Còn bà thì nhìn theo tôi bằng ánh mắt bất lực.

Ngay cả việc tôi đóng tiền cho trung tâm để đi tập gym cũng khiến bà tôi ngạc nhiên. Bà bảo sao tự nhiên lại phải tốn cả đống tiền trong khi công viên có đầy không gian cho việc tập thể dục miễn phí. Nhưng bà cũng không hiểu rằng, cháu của bà không thuộc tuýp ngoan hiền, tự giác. Đôi khi, người ta bỏ tiền ra chỉ để tìm được cộng đồng cùng chung sở thích và phải mất tiền thì mới có động lực để thay đổi.

Mua làm gì cho phí tiền ra - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi cả việc hàng năm, bà trách tôi “ném tiền qua cửa sổ” khi “chẳng ốm, chẳng đau” cũng tự nhiên đi khám sức khỏe định kỳ. Với bà tôi, ốm cũng chẳng cần đi bác sĩ thì không ốm càng không cần đi bác sĩ. Bà rất sợ cảm giác mỗi lần vào bệnh viện tiền trong ví luôn rất nhanh “không cánh mà bay”. Tôi đã nhiều lần giải thích với bà rằng, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đi khám sức khỏe định kỳ đỡ tốn kém hơn để có bệnh nặng rồi mới phát hiện ra. Nhưng bà tôi vẫn mang lý lẽ cũ, các cụ ngày trước cả đời chẳng đi khám xét bao giờ mà vẫn sống thọ đấy thôi.

Rồi năm ngoái tôi đi lấy chồng. Người thân trong nhà lần lượt chúc phúc cho chúng tôi. Đến lượt mình, bà tôi bất ngờ mở lòng bàn tay, đưa cho tôi một chiếc túi vải nhung đỏ bên trong đựng 1 cây vàng. Rồi bà nói cho vợ chồng tôi làm vốn. Đây là vàng mua bằng số tiền bà tiết kiệm chi tiêu trong nhiều năm.

Thực sự, cầm miếng vàng bà cho mà tôi đã òa khóc. Lâu nay tôi vẫn chê là bà hà tiện, chẳng dám tiêu tiền. Nhưng, thực ra, bà chỉ không dám tiêu cho bản thân thôi, chứ bà dành hết tiền để cho lại con, cháu. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.