Mùa World Cup đó

Nguyễn Thị Bích Nhàn
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Huấn luyện viên bất đắc dĩ

Tôi được giao trọng trách “huấn luyện viên”. Lời thầy Tổng phụ trách đội, chỉ là hướng dẫn lớp chủ nhiệm tham gia thi đấu ở trường - mà fan của bóng đá nói nghe long trọng gớm. Thầy Hiếu làm tôi hoảng. Thì bạn biết đấy, xưa nay tôi luôn bị “bêu rếu”: Người chi mà đầu đuôi có một … tấc. Chiều cao cây nấm cộng thêm tướng đi ục ịch, lũ bạn gọi tôi “nhái bầu”. Chúng cười cái bộ dạng lăn nhanh hơn đi, còn tôi thì mếu máo trách bà mụ lười, nôn nóng nắn cho hình hài y như cục bột. Tồn tại trong trạng thái phi thể thao vì “ bụng cao hơn ngực” nên suốt những năm học phổ thông, gần như khi thi lại Thể dục là tôi không vắng mặt bao giờ. Đó là lí do khiến tôi vô cảm với bóng đá, bộ môn cần sự dẻo dai, khéo léo của đôi chân, một bộ óc minh mẫn, nhạy bén và quyết đoán.

Chuyện nhỏ với người này lại là khó khăn to bự của người khác. Nhỏ tới giờ tôi có được sờ tay vào trái bóng đâu mà giờ biểu chỉ học trò đá đấm. Tôi thiếu điều muốn khóc vì chẳng biết mần sao. Lần đầu làm công tác chủ nhiệm, mới mẻ quá nên tôi rất coi trọng hiệu quả công việc, chỉ sợ đồng nghiệp thấy mình bất tài vô dụng, thành ra luôn lo lắng.
- Chiều mai tập hợp đội bóng lại, anh làm huấn luyện viên giùm cho!

- Ủa, sao biết đang cần tuyển thầy cho đội bóng ?

- Thằng em về tường thuật nguyên văn lời than vãn của cô giáo chủ nhiệm. Ai mà nỡ làm như không biết gì được, cái chính là… tui nghe nó khen cô dễ thương tốt bụng nên… – anh nói ngập ngừng rồi cười, nụ cười nửa miệng nhiều ẩn ý. Tôi hơi đỏ mặt vì thấy hình như đang bị trêu nhưng hổng sao, chính xác là tôi đang cần người dẫn dắt đội bóng mini nên sẵn sàng bỏ qua tiểu tiết.

Mùa World Cup đó - ảnh 1
Ảnh minh họa

Gặp gỡ, phân công nhiệm vụ tiền đạo, trung vệ, hậu vệ, phòng thủ, tấn công, chiến lược chiến thuật gì gì đó, tập dượt, được mấy buổi chiều thôi vậy mà lớp 7C của tôi đoạt “cup vàng” ngon lành. Mấy thầy trêu, lớp thuê huấn luyện viên ngoại hạng nên thắng lớn. Tôi thanh minh, phụ huynh thấy cô giáo “chuyên môn” yếu nên tình nguyện giúp đỡ rồi đỏ mặt cười hi hi.

Sau đợt Hội khỏe phù đổng ở trường, tôi với anh nghiễm nhiên thành người quen. Lạ thiệt, trái bóng trở thành cầu nối cho hai người xa lạ. Hình như tôi và anh có duyên nợ nhiều với quả bóng. 

Lần đầu tiên chạm mặt là khi tôi ôm thau đồ ra cái giếng bỏ hoang trước cửa trường giặt. Giếng nằm sát đám cỏ to, là sân bóng của mấy cầu thủ xã. Đang nhìn theo cái gàu lửng lơ dưới giếng thì nghe “bịch”, một quả bóng nằm chình ình trên thau đồ. Tôi đang lỡ tay, định đổ hết gàu nước rồi lượm trái bóng ném ngược ra sân nhưng vừa xoay người lại thì thấy một thanh niên trong trang phục của một cầu thủ cúi xuống ôm quả bóng vừa đi vừa cười tủm tỉm. Nụ cười đó sáng trưng nhưng có vẻ ranh mãnh lắm. Thôi kệ, có biết ai đâu mà bận tâm nụ cười hàm ý. Nhưng khi đổ nước vào thau, tôi đỏ bừng mặt vì thấy cái quần con nằm hớ hênh phía trên, ít đất của quả bóng vẫn còn dính. Cha mẹ ơi, hậu đậu đến thế là cùng. Có trời mới biết tôi đã mắc cỡ đến dường nào. Ngay lúc đó, tôi có lén đưa mắt dòm ra sân bóng, tìm trên sân cỏ chàng trai vừa nhặt quả bóng trên chiếc quần chíp của mình. Ồ, hắn là một thủ môn bảnh trai.

Cũng tuần đó, chiều thứ Bảy tôi về muộn sau tiết sinh hoạt lớp. Đang lớ ngớ bước vì mải nhìn theo cô học trò đau chân được tôi nhờ bạn chở về thì suýt đâm vào một cầu thủ chạy ra khỏi sân cứu bóng. Người đang đứng trước mặt là chàng trai của ngày hôm qua. Tôi cảm nhận được mùi mồ hôi của chàng trai đã nhặt quả bóng trên thau đồ nên bối rối. Có tiếng trêu, ôm bóng chứ đừng ôm nhầm cô giáo nghen ông. Tôi ngượng ngùng nhìn về nơi phát ra câu nói thì biết hôm nay các cầu thủ của xã giao lưu bóng đá với mấy thầy ở nội trú, nên sân bóng có khán giả đến cổ vũ, ồn ào náo nhiệt lắm. 
Tối hôm đó cả nội trú và mấy cầu thủ địa phương đi uống cà phê. Tôi và “huấn luyện viên ngoại hạng” tình cờ ngồi bên cạnh khi vào quán. Ngồi bên người thanh niên xa lạ, tôi tự nhiên như đang trò chuyện với một người bạn cũ. Anh lắng nghe và thi thoảng mỉm cười dù những câu chuyện tôi nói chẳng ăn nhập, toàn chuyện trên trời dưới biển. Tôi thích đàn ông như vậy. Mình là đàn bà dễ chịu, tôi bật cười khi tự nói như vậy.
Từ đêm đó, buổi tối anh hay lên nội trú chơi. Anh nói nhiều về bóng đá. Còn thổ lộ chuyện ngày xưa muốn vào thành phố chơi bóng cho một trung tâm hay câu lạc bộ gì đó. Tôi không để ý vì nghĩ đó là chuyện ngày xưa nhưng lắng nghe tất tật, kết quả những câu chuyện của anh đã biến cô nàng từng không biết gì lại quay ra yêu bóng đá. 
Có ai tin trái bóng lại trở thành “ông mối” nhưng chính xác là chúng tôi đã yêu nhau không lâu sau đó.

Anh là mối tình đầu, tôi hay đùa, nếu ai hỏi nhân chứng tình yêu thì tôi sẽ chỉ vào trái bóng. 

Mùa World Cup đó - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tôi bắt đầu yêu bóng đá

Quen anh, tôi thức đến 2h sáng để xem hết một trận bóng. Hai mươi hai tuổi, lần đầu tiên tôi biết Worldcup - ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. 

Anh trêu tôi giống người tiền sử nên không biết bóng đá. Tôi bẻ cong môi nũng nịu. Đáng lẽ phải nói đó là thành quả của tình yêu khắc cốt ghi tâm. Ngay từ đầu đã bảo nhỏ giờ không liên quan đến bóng đá rồi mà. Từ một cô cứ mở tivi mà thấy bóng đá là tắt cái bụp, tắt không thương tiếc luôn. Vậy mà kỳ World Cup đó, tôi xem không sót một trận nào, từ vòng loại cho đến trận chung kết, reo hò, “bình loạn” um sùm. Lý do?  Vì có anh ngồi bên, trái tim tôi rung lên những nhịp xao động, cảm giác cực kỳ dễ chịu. Anh cổ vũ bóng đá và tâm hồn tôi cũng lăn cùng nhịp lăn của quả bóng, tôi muốn được đồng hành cảm xúc với anh.

Anh cho tôi cảm hứng và động lực khám phá bóng đá, những điều chưa bao giờ có trong ý niệm. Bây giờ thì không “vô cảm” nữa mà có thể thao thao bất tuyệt về bóng đá. Này nhé: Lãng tử hào hoa; quyết đoán và nhanh nhẹn; phòng thủ và đột phá bất ngờ. Chậm chạp, lề mề. Bình tĩnh, tự tin. Yếu ớt, sơ hở và cả khôn ngoan, tiểu xảo, thậm chí thô bạo, cộc cằn cũng có luôn. Đặc biệt nhất là yếu tố bất ngờ. Bóng đá là thứ khó nói trước được điều gì. Tóm lại, nó là bức tranh toàn cảnh của đời sống. Tôi đã nhận ra sự lôi cuốn của môn thể thao này. Tôi nghĩ, bóng đá là nơi hội tụ cảm xúc. Chứng kiến cuộc đối đầu quyết liệt vì quả bóng, nhà thơ cảm nhận được chất anh hùng ca, nhà biên kịch say sưa những pha kịch tính, kẻ đỏ đen phập phồng theo từng đường banh may rủi. 
Và tôi, tôi tâm niệm chỉ cần có anh bên cạnh thì chẳng sợ nỗi đời vô thường như đường lăn của quả bóng. 

Lại một mùa Word cup

Năm nay, tôi cũng xem World Cup nhưng xem cùng… con trai. Căn nhà bỗng thênh thang như sân bóng khi chỉ con hai mẹ con. Nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ bóng đá. Không biết tự bao giờ, tôi đã yêu môn thể thao này mất rồi. Tôi dụ con trai cùng xem bóng đá với mẹ. Cậu bé lớp 3 có vẻ chưa biết mê bóng. Tôi phải cố tình giảng giải: Khi tiếng còi khai cuộc vang lên, quả bóng bắt đầu lăn và… - cái vật vô tri kia bỗng dưng được thổi vào sự sống, bỗng dưng có một linh hồn, nó khuấy động hàng triệu con tim, cả thế giới cùng reo hò với vũ hội của trái bóng. Đó là ngôn ngữ anh, tôi luôn nhớ từng lời – tôi muốn thay anh nói giùm với giọt máu của anh, giọt máu mà anh đã nỡ tâm ruồng bỏ. 

Không cố quên sẽ có hy vọng quên – tôi quan niệm vậy nên không cố quên. Tôi để mặc mình nhớ, tôi cho phép mình khóc, tôi đối mặt với dày vò đớn đau vì hy vọng sẽ được quên người đàn ông yêu bóng đá theo hướng tiêu cực nhất. Anh dám đem hạnh phúc cuộc đời để đặt vào đường lăn của một quả bóng. Khi tôi đã không thể đồng hành cùng kiểu đam mê lầm lạc đó thì anh đã lặng lẽ rời xa. 

Con trai cứ hỏi ba có yêu bóng đá không mẹ, sao ba không về thăm con, tôi chỉ lặng lẽ quệt nước mắt mà chẳng thể trả lời. 

Hóa ra là vậy, chỉ là vậy, tình yêu của đàn ông cũng như đường lăn của quả bóng… Và hạnh phúc, nó cũng mong manh như tỉ số ở hiệp một của trận đấu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.