Mùi ngô nướng gọi đông sang…

Trịnh Viết Hiệp (Học viện BC&TT)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi những cơn gió mùa Đông Bắc đầu tiên thổi về se se lạnh cũng là lúc trên khắp các nẻo đường, ngõ phố Hà Nội xuất hiện rất nhiều các hàng ngô nướng với mùi thơm lừng, hấp dẫn, đầy mời gọi.

Từ lâu, ngô nướng vốn là thứ quà vặt được xem là chút hồn quê nơi phố thị này, đã trở nên rất đỗi thân quen với hết thảy người dân Thủ đô, mỗi độ mùa đông về. Ăn ngô nướng thích thú nhất là những hôm trời trở gió mùa Đông Bắc mang theo hơi lạnh tái tê tràn về. Những lúc như vậy mà ngồi túm năm tụm ba cùng bạn bè quây quần bên mẹt ngô, vừa chọn vừa nướng và ăn rồi xuýt xoa thì quả là tuyệt. Trời càng lạnh, càng rét thì ăn ngô nướng càng ngon. Thú vị hơn cả chính là khi màn đêm buông xuống, và cái lạnh tái tê bao trùm không gian mà được ăn một bắp ngô nướng vừa rời khỏi chậu than hoa đỏ rực lửa, thì sự thú vị như tăng lên gấp bội phần, và chắc chắn lúc đó bạn, cũng như những người bạn của bạn sẽ đều cảm thấy lòng mình ấm nóng bởi vị ngô nướng bùi bùi, thơm thơm ngon đến khó quên… 

Mùi ngô nướng gọi đông sang… - ảnh 1
Ảnh minh họa

Thời kinh tế thị trường, người từ các tỉnh lên thủ đô mưu sinh ngày một nhiều và trong số ấy không ít người chọn cho mình nghề quạt ngô nướng, bởi công việc này không quá vất vả cực nhọc trong khi mức thu nhập cũng tàm tạm, nếu không muốn nói là khá cao so với nhiều công việc thời vụ khác. Nhiều người chỉ qua một ngày, hoặc mấy giờ buổi đêm tối mà cũng có thể kiếm được dăm ba trăm ngàn đồng. Không ít điểm bán ngô nướng đông khách, bán vài ba trăm bắp 1 buổi, doanh thu tới cả dăm bảy trăm ngàn đồng, thậm chí là tiền triệu. Chính vì mức lợi nhuận khá như thế nên mỗi khi mùa đông sang luôn có đến hàng trăm, người quạt ngô nướng khắp thành phố. Hàng ngô nướng có mặt ở mọi nơi, từ các khu phố cổ trung tâm cho đến tận các vùng ven ngoại xa xôi. Thậm chí có một số con ngõ, hẻm phố dài chỉ chừng vài trăm mét mà có tới cả mấy hàng ngô nướng ngồi liền sát nhau để bán. Đông hàng bán là vậy, thế nhưng quán bán ngô nướng nào cũng luôn đông khách, đắt hàng. Cái sự ấm áp của chậu than hoa với mấy bắp ngô nướng thơm bùi tự khi nào đã trở thành một phần của văn hóa ẩm thực Hà Thành. 

Ngô dùng để nướng muốn ngon phải chọn loại ngô nếp ngon, được trồng ở các huyện ngoại thành, hay các lái buôn đưa về từ các vùng quê như Hòa Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang… Thế nhưng, cho dù là ngô nếp được trồng ở đâu đi nữa thì cũng không thể sánh được với một loại ngô có xuất xứ ở bãi giữa sông Hồng, thuộc địa bàn phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Ngô ở đây tuy bắp ngắn nhưng hạt tròn nhỏ có màu trắng ngà và bóng láng. Điều đặc biệt của giống ngô được trồng ở khu vực bãi bồi sông Hồng này là hạt ngô rất dẻo, thơm, kể cả lúc bắp ngô nướng đã nguội đi rồi thì độ dẻo thơm cũng không hề giảm. Chính vì vậy mà giống ngô này luôn được những người sành ăn chọn lựa nhiều hơn, bởi họ cho rằng đó mới là ngô nếp thứ thiệt, hay ngô nếp ta, dẻo, thơm hơn gấp nhiều lần các giống ngô nếp lai, bắp to. 

Mùi ngô nướng gọi đông sang… - ảnh 2
Ảnh minh họa

Theo kinh nghiệm của những người quạt ngô nướng chia sẻ lại thì ngô dùng để nướng phải là ngô tươi, bẻ trong ngày, bởi chỉ cần để quá một ngày thôi thì vị ngọt, dẻo của ngô sẽ giảm đi rất nhiều. Ngô để qua đêm, cũ, nướng lên thường nhạt, không có độ bùi, dẻo cần có. Những người ăn tinh, chỉ cần ngửi mùi ngô khi nướng lên đã biết ngô mới hay cũ. 

 Hà Nội vào đông, khi ngô bãi giữa Sông Hồng vẫn còn đang ngậm sữa, và cái lạnh còn chưa tái tê, trên các ngõ phố dài thi thoảng đã bắt gặp những hàng ngô nướng mời gọi khách. Vẫn biết rằng danh mục ẩm thực mùa đông Hà Nội chẳng thiếu gì các món ăn, quà vặt làm vơi bớt đi cái lạnh tê tái như: ốc luộc, quẩy nóng, bánh khoai, bánh chuối rán..., thế  nhưng với ngô nướng, thứ quà mang đậm hồn quê dân dã này luôn có sức hút và chiếm được cảm tình của nhiều người bởi nó bình dị, mộc mạc như chính tên gọi của nó…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.