Muốn tái giá phải “trả” con cho nhà chồng
(PNTĐ) - 4 năm sau ngày chồng mất, tuổi đời còn trẻ, nghe lời khuyên của người thân, cô bước tiếp tìm hạnh phúc mới. Thế nhưng khi nói ra ý nguyện của mình với gia đình chồng thì nhận được “mệnh lệnh”: Nếu tái giá thì “trả” con cho họ…
Hôn nhân hạnh phúc chẳng tày gang
Năm nay 26 tuổi, nếu không giới thiệu là “gái đã có chồng” thì thoạt nhìn ai cũng nghĩ cô vẫn là “gái còn son”. Vẻ đẹp trời phú cùng với sự chăm sóc bản thân chu đáo, trông cô trẻ đẹp hơn nhiều so với những cô gái lấy chồng sinh con ở tuổi này. Tâm sự với chuyên gia tư vấn, cô bảo bởi mang cái số “hồng nhan bạc phận” nên khi kết hôn, vợ chồng chung sống chưa được bao lâu thì chồng cô “bạc phước” mất đi.
20 tuổi, cô lên xe hoa với mối tình đầu. Cuộc hôn nhân được hai bên gia đình ủng hộ nên họ bước vào đời sống hôn nhân với sự khởi đầu rất thuận lợi. Nhà chồng kinh tế khá giả, cưới xong, họ được bố mẹ xây cho căn nhà đầy đủ tiện nghi kề bên cạnh. Được sống riêng thoải mái, quan hệ giữa cô và nhà chồng không xảy ra mâu thuẫn gì. Ngược lại, cô còn được nhà chồng “cưng như trứng” khi vừa cưới xong đã mang bầu sinh cháu trai đích tôn luôn cho họ.
Người ta nói “mẹ phú quý nhờ con” quả không sai, từ ngày sinh con trai, cuộc sống của cô không chỉ được nhà chồng “thưởng” về vật chất, mà còn rất “đãi ngộ” về mặt tinh thần. Chỉ cần cô mong muốn điều gì, họ đều chiều cô rất mực. Từ lúc cưới về, cô không phải đi làm, chỉ ở nhà “chỉ đạo” người giúp việc và chăm sóc con. Cuộc sống giàu sang, sung sướng.
Chồng cô vốn là con một trong gia đình nên mọi kỳ vọng, yêu thương ông bà đều đặt hết vào anh. Bố mẹ chồng cô yêu con trai nên chấp nhận yêu con dâu vô điều kiện, để cuộc sống của các con hạnh phúc. Bất kể cô còn non nớt chưa có nhiều kinh nghiệm sống, vẫn còn nhiều thiếu sót trong quan hệ ứng xử với gia đình chồng, họ vẫn bỏ qua hết.

Thế nhưng cuộc hôn nhân hạnh phúc ấy chẳng tày gang. 22 tuổi, cô đột ngột trở thành góa phụ khi chồng bị tai nạn giao thông qua đời.
- Đó là ngày mọi thứ bỗng dưng sụp đổ trước mắt em. Buổi sáng, anh ấy bảo là đi nhận xe ôtô mới với người bạn, thì buổi trưa em nhận được tin anh bị xe tải vượt ẩu đâm trúng khi đang lưu thông trên đường. Em và bố mẹ vào bệnh viện thì bác sĩ thông báo anh không qua khỏi khi được đưa vào cấp cứu. Em không chịu được cú sốc, phải nằm điều trị trong một thời gian dài mới bình tâm lại để sống tiếp khi chồng không còn nữa – cô khẽ lau nước mắt vì không cầm được xúc động khi nói về biến cố trong đời mình.
Con trai mất, bố mẹ chồng cô cũng đau khổ không kém gì con dâu. Nhưng, họ cố gắng vực dậy để làm chỗ dựa cho con dâu và đứa cháu nội mới được 2 tuổi. Mọi kỳ vọng, niềm vui, hạnh phúc của họ trước đây đặt hết lên con trai bao nhiêu thì nay dồn về hết vào cháu nội bấy nhiêu. Từ ngày chồng mất, cô được bố mẹ chồng đón về sống chung để đỡ đần việc chăm sóc con nhỏ và thờ cúng anh. Tình yêu thương của bố mẹ chồng, và trách nhiệm với đứa con trai khiến cô bình tâm dần để lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.
Mẹ không có quyền nuôi con khi tái giá?
Khi chồng mất, cô nghĩ cả cuộc đời mình sẽ sống góa bụa để thờ chồng, nuôi con. Nhưng thời gian dần xoa dịu nỗi đau cộng với sự phân tích của bố mẹ đẻ và người thân bên ngoại về việc cần thiết phải tìm hạnh phúc mới, cô bắt đầu mở lòng với những mối quan hệ khác giới bên ngoài.
3 năm đoạn tang chồng xong, cô xin bố mẹ chồng cho mình đi học một khóa về lĩnh vực làm đẹp, sau đó về đầu tư mở một spa thẩm mỹ. Bố mẹ chồng cô đồng ý vì nghĩ để cô đi làm cũng tốt. Nhưng họ không ngờ được rằng, khi để con dâu đi làm thì cô sẽ được tiếp xúc với nhiều mối quan hệ bên ngoài, kể cả tình cảm đôi lứa.
Lâu nay, họ vẫn nghĩ, con dâu sẽ chẳng bao giờ đi bước nữa mà sẽ ở vậy nuôi con, thờ chồng đến hết đời. Bởi hiện tại gia đình họ đảm bảo cuộc sống cho hai mẹ con và để lại cho họ nhiều tài sản về sau. Họ cũng tin tưởng con dâu sẽ chẳng tìm đâu ra một gia đình chồng yêu thương mình vô điều kiện như vậy nên không bao giờ rời bỏ cuộc sống sung sướng này.
Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của họ, còn con dâu thì đã có sự thay đổi. Khi ra ngoài làm việc, cô gặp một người đàn ông có tình cảm với mình.
- Đó là mối tình thứ hai trong cuộc đời em. Tình cảm của anh ấy cũng nồng nàn giống như chồng em trước đây, khiến em có cảm giác tìm lại được điều quý giá mà bấy lâu nay đã đánh mất – cô kể.
Người đàn ông đó chưa kết hôn, từng trải qua nhiều mối tình nhưng đều không có hậu, chỉ khi gặp cô thì anh mới thấy rung động thật sự và mong muốn gắn kết hôn nhân lâu dài. Biết rõ hoàn cảnh “góa bụa” của cô, anh càng thương và muốn bù đắp những đau khổ mà cô đã phải trải qua.
Anh cũng hứa sẽ xem con trai cô như con ruột của mình, cùng cô nuôi dưỡng con trưởng thành. Sự ấm áp của tình yêu khiến cô bắt đầu nhen nhóm niềm khao khát về một mái ấm hạnh phúc mới. Gia đình cô biết chuyện, vui mừng và ra sức vun vén cho tình cảm mới của con gái.
Phía gia đình người yêu mới, ban đầu cũng hơi băn khoăn về “hoàn cảnh” đã qua một đời chồng của cô, nhưng khi con trai dùng tình yêu và sự kiên quyết trong việc lựa chọn hôn nhân theo mong muốn của mình thì họ đã chấp thuận cô.

Tuy nhiên, lực cản lớn nhất của cô lại đến từ gia đình chồng. Việc nói ra mong muốn đi bước nữa của cô khiến bố mẹ chồng cô bị sốc. Bởi họ không nghĩ một ngày con dâu lại bỏ lại tất cả để đi bước nữa. Bố mẹ cô nhiều lần sang nhà thông gia, thật lòng mong họ hãy thông cảm cho con dâu khi tuổi đời của cô còn quá trẻ.
Hiện tại, cô mới chỉ 26 tuổi, tương lai vẫn còn rất dài không thể sống góa bụa hết đời. Bố mẹ chồng cô ngồi nghe những lời thông gia nói, lẫn tâm tư nguyện vọng của con dâu. Bỗng chốc, nỗi đau mất con trai bùng lên một lần nữa, bên cạnh sự thất vọng về cô con dâu muốn đoạn nghĩa vợ chồng để đi tìm hạnh phúc mới.
- Chuyện em đi bước nữa trở thành nguyên nhân để việc tranh chấp quyền nuôi con, nuôi cháu giữa em và bố mẹ chồng bùng nổ. Họ bảo đã “thông suốt” chuyện em đi lấy chồng, nhưng với điều kiện “trả” cháu lại cho họ. Với họ, con trai em bây giờ gánh nhiều trọng trách trong gia đình chồng vì là con, cháu đích tôn. Con phải thờ cúng bố và sau này có trách nhiệm với ông bà nên không thể đi theo mẹ về bên nhà khác sống được. Con trai em mới 6 tuổi, cần sự nuôi dưỡng từ mẹ, làm sao bắt mẹ con em sống xa nhau được – cô buồn bã nói.
Bố mẹ đẻ cô biết được ý nguyện của ông bà thông gia cũng bàn với cô nên “trả” con lại cho nhà chồng. Vì đó cũng là giải pháp để tiện cho cả hai bên, bố mẹ chồng vẫn được sống cùng cháu nội, còn hạnh phúc mới của cô sau này không bị ảnh hưởng bởi sự phức tạp về con chung, con riêng. Nhưng là một người mẹ, cô không đành bỏ con lại khi lấy chồng mới. Cô bảo, hiện tại, bố mẹ chồng cô đang âm thầm thuê luật sư để bảo vệ quyền nuôi cháu của họ khi con trai qua đời.
Về lý, pháp luật sẽ bảo vệ quyền làm mẹ của cô. Nhất là trong hoàn cảnh chồng mất, việc nuôi dưỡng con còn nhỏ là quyền và cũng là nghĩa vụ người mẹ phải làm. Dù tái giá đi tìm hạnh phúc mới hay ở vậy thờ chồng đến hết đời thì cô vẫn có toàn quyền nuôi con. Bố mẹ chồng cô không thể “tước đoạt” quyền đó của cô, cũng như ép buộc cô phải “trả” con lại cho họ, chỉ vì lý do con đang mang trọng trách thờ cúng bố đã mất và có trách nhiệm thờ phụng ông bà, tổ tiên sau này.
Tuy nhiên trong hoàn cảnh này, cô cần khéo léo ứng xử với cái tình nhiều hơn cái lý. Bố mẹ chồng vốn dĩ đang phải sống và chịu nỗi đau mất con trai nên họ khó chấp nhận việc phải sống xa cháu nội. Nhất là mọi niềm hy vọng sống của họ bây giờ đang đặt hết lên cháu nội.
Vì thế việc đả thông tư tưởng cho ông bà hiểu và chấp nhận để con trai cô có cơ hội được sống trong gia đình có đầy đủ bố mẹ, nhận được sự yêu thương, dạy dỗ của người bố là điều cần thiết. Chồng mới của cô sẽ làm một người cha tốt, thay con trai họ để cùng cô nuôi con trưởng thành. Thằng bé đã mồ côi cha rồi, nay lại phải sống xa mẹ. Điều đó là không công bằng đối với một đứa trẻ.
Cô phải làm cho ông bà nhận thức được rằng con dâu đi bước nữa, làm dâu nhà khác nhưng con trai cô vẫn mãi là con cháu của gia đình họ, và không thuộc về gia đình chồng mới. Thằng bé vẫn sẽ có trách nhiệm với mọi việc hiếu trong gia đình nhà nội, bao gồm cả việc quan tâm phụng dưỡng ông bà khi tuổi già sức yếu.
Nếu có thể, thời gian đầu khi cô đi bước nữa, hãy tạm thời để con ở lại sống với ông bà nội ít lâu. Việc này cũng để thằng bé và ông bà nội làm quen và thích nghi với cuộc sống gia đình mới của cô. Khi ông bà nhận thấy mái ấm gia đình mới mà vợ chồng cô đang tạo dựng rất hạnh phúc, tốt cho cháu nội mình thì họ sẽ chấp nhận để con về sống bên cô.
Bởi ông bà dù tốt thế nào thì cũng chẳng thể thay thế được vai trò của người mẹ đối với con của mình. Việc kiện cáo, tranh chấp quyền nuôi con chỉ xảy ra trong tình huống cái tình không thể át được cái lý giữa cô và gia đình mà thôi.