Năm 2023 mua sắm trên sàn thương mại điện tử phát triển mạnh

TUỆ MẪN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bất chấp những khó khăn dần hiện hữu của cuộc suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, theo các chuyên gia nhận định, triển vọng ngành bán lẻ và thương mại điện tử trong trung và dài hạn vẫn rất khả quan, tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023. Trong đó, một số xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử hứa hẹn sẽ “lên ngôi”.

Nghiên cứu thị trường thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 của Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam đã vươn lên thành thị trường lớn thứ 2 Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Theo Statista (nền tảng trực tuyến chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng), tốc độ phát triển thương mại điện tử toàn cầu là 16,24% năm 2021 và dự báo bứt phá lên 24.5% vào năm 2025. Con số này tại Việt Nam là hơn 20% năm 2021, với quy mô 16 tỷ USD.

Dự đoán tốc độ phát triển của thương mại điện tử nước ta năm 2025 có thể lên đến 29%, đạt 39 tỷ USD. Cũng theo thông tin từ Metric.vn, 4 sàn thương mại điện tử có thị phần lớn nhất tại Việt Nam lần lượt là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Chuyên gia sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam cho biết, sức mua trên các nền tảng thương mại điện tử trong thời gian tới sẽ không sụt giảm, ngược lại còn có những tín hiệu tăng trưởng tích cực với nhiều xu hướng tiêu dùng được ưa chuộng.

Mua sắm trực tuyến trên sàn thương mại điện tử qua livestream

Livestream là phương pháp bán hàng không xa lạ với người tiêu dùng Việt. Nếu như trước đây, khách hàng thường thấy nhiều buổi livestream bán hàng trên mạng xã hội Facebook. Thì thời gian gần đây, nó thực sự trở nên phổ biến và trở thành xu hướng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok shop... Livestream được xem là “mảnh đất màu mỡ” để kinh doanh khi người bán có cơ hội bán được nhiều sản phẩm hơn hình thức mua bán truyền thống.

Theo đó, người bán hàng có kênh, tài khoản riêng trên sàn thương mại điện tử sẽ tổ chức các buổi livestream giúp tiếp cận nhiều khách hàng trực tiếp. Vì tại đây, người bán có thể tương tác, trò chuyện cùng khách hàng, giới thiệu sản phẩm, test thử sản phẩm theo yêu cầu của khách xem livestream. Người tiêu dùng có thể nắm rõ được đặc tính hay chất liệu của sản phẩm một cách chân thật, rõ ràng nhất thông qua hình thức mua sắm này. Từ đó quyết định có mua mặt hàng đó hay không. Ngoài ra, khi mua hàng trên “sóng” livestream khách hàng còn được nhận nhiều ưu đãi nên cách mua sắm này đang được người tiêu dùng ưa thích. Đa số khách hàng cho biết, họ thích “chốt đơn” khi các shop đang livestream vì thường sẽ có mã miễn phí vận chuyển đồng thời thường được giảm giá so với giá gốc.

Năm 2023 mua sắm trên sàn thương mại điện tử phát triển mạnh - ảnh 1
Gen Z sẽ nhanh chóng chiếm đến 30% tổng lượng khách hàng thúc đẩy thương mại điện tử tăng trưởng

Không chỉ các nhà bán hàng nhỏ lẻ, tính hiệu quả của livestream cũng khiến nhiều nhãn hàng cao cấp tham gia đường đua này. Nhiều thương hiệu lớn như Sulwhasoo, Xiaomi, Ohui và L’Oreal, P&G, Logitech… đều ghi nhận doanh số tăng vọt khi livestream. Họ cũng đẩy mạnh hợp tác với những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội để thúc đẩy doanh số livestream. Nhiều nhà bán hàng trên Shopee và TikTok shop có thể đạt “bão đơn” lên đến con số nghìn đơn hàng trong một ca livestream khoảng 2 tiếng khi ngày càng nhiều người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hình thức mua sắm này trên các sàn thương mại điện tử.

Thế hệ Gen Z và Gen Alpha sẽ trở thành nhòm người tiêu dùng chủ lực 

Thế hệ trẻ Gen Z và Alpha đang trở thành nhóm người tiêu dùng chủ lực của thương mại điện tử. Theo đại diện của sàn thương mại điện tử Lazada, Gen Z (sinh năm 1997 – 2012) sẽ nhanh chóng chiếm đến 30% tổng số khách hàng mua sắm. Cùng với đó, Gen Alpha (sinh năm 2013 – 2025) cũng sẽ sớm tham gia vào thị trường với sự nhạy bén hơn so với các thế hệ trước. Vì vậy, với các sàn thương mại điện tử, để giành lấy sự tin tưởng của nhóm khách hàng này, việc đầu tiên là phải hiểu rõ tâm lý, hành vi và thói quen mua sắm của họ.

Từ đó, các doanh nghiệp có thể tạo ra những trải nghiệm tốt hơn, giúp người tiêu dùng cảm thấy hài lòng ngay từ những lần tương tác đầu tiên. Thay vì dựa trên những suy đoán điều Gen Z muốn là gì, việc sử dụng và phân tích dữ liệu lớn (big data) về nhóm khách hàng này sẽ giúp các nhà bán hàng hiểu rõ hơn về những mong muốn của họ và tạo ra cơ hội cho mình. Tăng cường đầu tư vào công nghệ, liên tục thu thập và phân tích dữ liệu về hành vi của người dùng sẽ là cách hợp lý để chinh phục đối tượng Gen Z.

Bạn Thanh Tâm (sinh viên năm 2, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Mình và bạn bè cùng lớp thường xuyên rủ nhau mua đồ trên các sàn thương mại điện tử vì tính tiện lợi, cũng như có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, từ đồ ăn đến mỹ phẩm, quần áo... Trong thời gian tới mình vẫn sẽ tiếp tục mua sắm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử”. Có thể thấy các bạn trẻ đang là đối tượng tiêu dùng chủ lực cho các sàn thương mại điện tử và đối tượng này vẫn sẽ tiếp tục góp phần phát triển thương mại điện tử trong tương lai.

Năm 2023 mua sắm trên sàn thương mại điện tử phát triển mạnh - ảnh 2
Ứng dụng “Virtual Try-On” giúp người dùng thử nhiều màu son khi mua sắm online

Tại Shopee, theo thống kê nhóm người dùng tích cực nhất trên sàn thương mại điện tử này nằm trong độ tuổi từ 18 - 34 tuổi. Người dùng thuộc nhóm này có số lượng đơn hàng nhiều hơn 1,5 lần so với lượng đơn hàng trung bình của một người dùng trên Shopee trong năm 2022. Nhóm người dùng trẻ tuổi dành nhiều sự quan tâm đến các ngành hàng sức khỏe và sắc đẹp, thời trang, điện tử và đồ gia dụng, trong đó các sản phẩm chăm sóc da, thời trang nữ, điện thoại thông minh và phụ kiện được đặt mua nhiều nhất.

“Chúng tôi tin rằng những doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng về nhu cầu của người tiêu dùng số sẽ có thêm nhiều cơ hội để đạt được thành công lâu dài. Trong năm 2023, Shopee tiếp tục đi theo định hướng lấy người dùng làm trung tâm và giữ vững cam kết không ngừng đổi mới, mang đến trải nghiệm mua sắm trực tuyến tối ưu và tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối hiệu quả hơn với người tiêu dùng”, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam chia sẻ.

Công nghệ AR và VR phát triển trên các sàn thương mại điện tử

Công nghệ AR và VR cho phép người mua hàng tương tác với các thông tin số bằng cách gắn nội dung ảo vào thế giới thực (AR) hoặc trong môi trường ảo hóa (VR). Với việc sử dụng các công nghệ này, khách hàng không cần phải đến tận cửa hàng mà vẫn có thể trải nghiệm sản phẩm chân thực ở bất kỳ đâu, dễ dàng xem sản phẩm đó có hợp với mình không, như màu son, màu kem nền, phấn mắt… Công nghệ AR và VR đang được xem như là yếu tố sẽ thay đổi toàn bộ cuộc chơi của thế giới công nghệ thông tin. Theo dữ liệu của cổng thông tin điện tử tích hợp dữ liệu từ hơn 600 ngành công nghiệp trên toàn cầu (Statista), giá trị của nền công nghệ AR được dự đoán là 30,7 tỷ USD với số lượng kính AR bán ra trong năm 2021 vượt quá 400.000. Trong khi đó, số lượng người dùng VR tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng vọt, đạt đến 65,9 triệu người vào năm 2023.

Đại diện Lazada nhận định, AR và VR khá mới đối với thị trường Việt Nam, chính vì vậy tiềm năng ứng dụng của công nghệ này rất lớn. Hiện nay, Lazada đã ứng dụng công nghệ VR vào các hoạt động mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment) tại Việt Nam từ lâu, thông qua tính năng Virtual Try-On (VTO). Với công nghệ này, khách hàng nữ sẽ được thử trực tiếp màu son, màu phấn nền tại các cửa hàng trước khi lên đặt hàng và chốt đơn trên các nền tảng thương mại điện tử. Sau thời gian thử nghiệm, tính năng VTO.

Bên cạnh AR, nền tảng này cũng đã và đang ứng dụng Trí tuệ nhân tạo AI trong từng “điểm chạm” với khách hàng trên nền tảng số. Công nghệ này giúp các sàn thương mại điện tử có thể cá nhân hóa trải nghiệm của từng người dùng dựa trên thông tin cá nhân hoặc lịch sử mua sắm của họ để đề xuất các sản phẩm phù hợp nhất từ nhiều ngành hàng khác nhau. Khi người dùng đã mua sắm thành công thì chức năng theo dõi trạng thái đơn hàng theo thời gian thực sẽ giúp cho mọi người nắm chính xác đơn hàng của mình đang ở đâu, với trạng thái nào để có thể sắp xếp trước thời gian thuận tiện lấy hàng. Đây là một trong những tính năng giúp cải thiện khâu nhận hàng đối với các khách hàng có cuộc sống nhanh và bận rộn ngày càng phát triển trong tương lai.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.