Năm nay con lại không về

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vậy là năm nay, Mai vẫn không có điều kiện về quê thăm bố mẹ. Tết không về được đã đành, đến cả sau Tết cũng không thu xếp được. Nỗi buồn ấy đã có phần nguôi ngoai thì trong bữa cơm, Thành, chồng Mai lại vô tình khơi nó dậy.

Anh kể: “Hôm nay đi đường, anh thấy người ta vẫn thấy người ta bán hoa nhất chi mai. Tết xong, hoa này rẻ hơn hẳn. Kể ra nếu về quê được thì anh đã mua một chậu mang về trồng trong vườn cho ông ngắm”.

Thành đang thao thao, bỗng  nhiên thấy Mai buông bát, hai mắt như trực khóc. Rồi cô nói dỗi chồng: “Anh đúng là vô duyên thật. Anh không biết vợ mình đang cảm thấy thế nào hay sao mà còn kể lại chuyện đó”. 

Thành biết mình nói hớ, vội xin lỗi Mai. Nhưng nói mãi mà mặt Mai vẫn bí xị, thành thử, Thành cũng ấm ức theo. 

 “Năm nay em không được về quê thăm bố mẹ cũng là do anh. Thật chán quá, anh chẳng giúp gì cho em, còn làm em buồn, em tủi”.

Lần này, lại đến lượt Mai xuống nước, làm lành. 

“Anh hay nhỉ. Em chỉ nói thế mà anh đã nói dỗi. Em mà toan tính, liệu giờ này còn ngồi ở đây, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với anh không?”.

Câu nói của Mai đã xóa tan cuộc chiến vừa manh nha nổ ra giữa hai vợ chồng. Bên ngoài kia, gió thổi những bông hoa giấy đỏ rung rinh. 

Năm nay con lại không về - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hai vợ chồng Thành đều là người ngoại tỉnh, tay trắng lên thành phố lập nghiệp biết bao là vất vả. Vì thế, mọi chi tiêu đều phải tính toán thật tiết kiệm. Thành và Mai dự tính khoảng ít nữa sẽ có đủ tiền mua một căn chung cư giá rẻ. Rồi họ còn sinh con. Năm ngoái, Mai không may bị sảy thai khi mới mang bầu được 3 tháng. Bác sĩ khuyên nên ăn uống tẩm bổ để lấy lại sức khỏe rồi năm tới sẽ lại có bầu.

Thành biết, Mai rất nhớ nhà, nhớ quê. Quê Thành ở Lào Cai nên thi thoảng anh còn được về thăm nhà. Còn quê Mai thì ở xa lắc, tận Bình Định. Từ khi hai vợ chồng ra đây làm ăn đã mấy năm, Mai chưa một lần về thăm nhà. Bố mẹ Thành mất đã lâu nên hai vợ chồng chủ yếu hướng về nhà ngoại, nơi bố mẹ Mai đang ngày đêm trông mong con.
Biết nỗi nhớ của vợ, năm ngoái, Thành hứa với vợ vào hè hai vợ chồng sẽ cùng về thăm nhà Mai. Nghe tin ấy, bố mẹ và đàn cháu của Mai vui lắm. Qua điện thoại, hai vợ chồng còn chưa kịp nói thêm gì thì mấy đứa cháu đã líu ríu hỏi dì Mai đi như thế nào? Đi xe ô tô hay đi máy bay? Chúng làm như dì chúng chuẩn bị về đến nơi rồi.

Rồi thời gian trôi cũng nhanh. Vèo cái là đã qua hè, rồi lại vừa trải qua một một cái Tết nữa mà hai vợ chồng vẫn chưa về quê được. Suốt năm qua, mỗi tháng, Mai lại để dành ra một khoản gọi là “tiền về thăm quê”. Hiềm nỗi, mọi việc không được như ý, sức khỏe của cả hai vợ chồng đều có vấn đề. Mai vừa phải nằm viện vì không giữ được em bé, đến lượt Thành lại phải mổ ruột thừa. Rồi cái xe máy Thành đang đi cứ năm ngày 3 trận dở chứng. Tiền chữa bệnh thì không thể đừng, nhưng còn cái xe, Thành đã nói Mai cứ để mình đi xe cũ, Mai đừng tiêu hết tiền để còn dành để về quê. Nhưng Mai không chịu, cô nói phải lo cho Thành trước đã. Cái xe máy là vật dụng quan trọng, cô không thể yên tâm để anh đi lại như vậy. Nhỡ khi đang đi đường mà xe hỏng thì lại dắt bộ, khổ ra. Thế là cuối cùng, tiền tích lũy để về quê ngoại của hai vợ chồng cũng hết sạch. Còn khoản đang gửi tiết kiệm thì Mai quyết không đụng đến. Cô bảo thà cô hoãn về quê chứ tiền tiết kiệm phải dùng để chi tiêu cho mục đích lớn của hai vợ chồng.

Mai là vậy, dù bề ngoài hay càu nhàu, trách cứ Thành, còn hay tủi thân nữa nhưng bên trong lại rất thương chồng và biết lo toan cho gia đình nhỏ. Nhiều lúc Thành nghĩ người như Mai, nếu lấy một người chồng ở gần nhà, lại giàu có hơn Thành thì có lẽ cuộc đời cô đã khác. Mai sẽ không phải khóc vì nhớ nhà, không phải gọi điện hỏi thăm sức khỏe mẹ qua điện thoại. 

- Anh đừng có nghĩ vớ vẩn, mỗi người mỗi cảnh, làm gì có ai giống ai. Em thấy mình lấy chồng xa nhà cũng hay, lần nào gọi về cũng được cả nhà chào đón. Em lấy chồng gần, suốt ngày sang ăn bám nhà ngoại, có mà bị bố mẹ đuổi đi từ lâu rồi.

 Mai hài hước nói, chủ yếu là để xoa dịu Thành. Cô không muốn Thành phải suy nghĩ anh là nguồn cơn làm cho khổ. Mai yêu Thành, và cô tình nguyện lấy anh, sống cùng anh suốt cuộc đời này.

Năm nay con lại không về - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thành làm bảo vệ, trông ngày Tết được nhận lương gấp nhiều lần nên anh thường tranh thủ nhận làm để có thêm thu nhập. Còn khi ra Giêng thì vợ chồng tính toán sẽ về thăm quê sau cho thư thả. Nhưng Tết đã qua, nghe Mai báo vẫn không thể về thăm nhà, bố mẹ Mai cũng đồng ý ngay chứ không trách móc gì cả. Mẹ Mai còn ra sức an ủi, động viện Mai cứ an tâm dưỡng sức để giữa năm còn làm mẹ. Bà biết hai vợ chồng vất vả, tiền nong không dư dả gì, mỗi lần về quê như thế cũng tốn kém không ít trong khi còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu.

“Con không về không sao. Mà ngay cả năm sau, năm sau nữa mà vướng việc bầu bí, sinh nở, con nhỏ vẫn không về quê được thì mẹ sẽ ra với vợ chồng con, lo gì. Mà có cháu rồi, mẹ ra để trông con cho hai đứa. Con khỏi nhớ nhà, nhớ mẹ nữa. Bố con ở quê đã có vợ chồng anh con lo”, mẹ Mai nói.

Tối đó, cơm nước xong sớm, Thành rủ Mai đi dạo phố. Ngôi nhà hai vợ chồng thuê nhỏ, lại chẳng có cửa sổ nên ở lâu cũng bí bách. Mai ngồi sau xe Thành, ôm chặt lấy anh kiểu như sợ ngã đến nơi. Mai vốn “nhát gan”, tự lái xe thì như rùa bò, mà ngồi sau xe người khác thì chỉ sợ bị ngã. Nhưng nhờ vậy mà Thành luôn cảm nhận được hơi ấm từ vợ. 

Hai vợ chồng đi ngang qua con đường lớn, tối đến, các cửa hàng, quán xá mở nhạc sôi động. Thành bỗng nhiên hỏi vợ:

- Mình vào đây ngồi lát cho đổi gió nhé?

Mai mới nghe vậy, đã dựng người lên rồi véo vào mạng sườn Thành. 

- Vớ vẩn, giàu có đâu mà ngồi café. Tiền đó để dành lại mua vé về quê.

Thành lại hỏi tiếp vợ:

- Anh hỏi thật, em không được về nhà có buồn nhiều không?

- Buồn chứ anh. Em rất nhớ bố mẹ. Mỗi lần nhìn ông bà qua điện thoại, em cảm nhận ông bà đang già đi nhiều, Mai thủ thỉ với chồng.

- Vậy hay là thôi, vợ chồng mình cứ thu xếp về quê một chuyến nhé.

- Không cần anh ạ. Anh xem có nhiều người như vợ chồng mình, cũng vì mưu sinh mà không được về quê. Mình sẽ phải cố gắng thôi. Em nghĩ mình vẫn luôn nhớ tới gia đình thì gia đình sẽ ở bên.

- Thành thấy lòng mình bình an lạ khi nghe vợ chia sẻ điều ấy.

Ngày hôm sau, Thành nhận được điện thoại của mẹ vợ. Bà nói nhà vừa làm được ít chả ram tôm, ruốc gà… Tiện thể ở quê có người ra Hà Nội công tác, bà sẽ gửi quà ra cho hai vợ chồng. Bà dặn Thành đồ vừa ngon, vừa sạch, lại tiết kiệm cho hai vợ chồng đỡ phải đi mua.

“Con ở ngoài đó nhớ chăm sóc con Mai cho mẹ. Đừng để nó phải suy nghĩ, tủi thân nhé. Con gái lấy chồng xa, không hay được về nhà là buồn lắm đấy”, mẹ Thành nói. 

Thành nghe mẹ dặn mà lòng rưng rưng.

Thành  nhớ đến Mai, sâu trong gương mặt nhẹ nhõm của Mai là góc khuất cô giữ kín trong lòng…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tự chủ là sống có trách nhiệm

Tự chủ là sống có trách nhiệm

(PNTĐ) - Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định nội hàm của người phụ nữ thời đại mới hiện nay là Tri thức - Đạo đức - Sức khỏe - Trách nhiệm. Trong đó, riêng yếu tố “Trách nhiệm” được làm rõ, không phải là trách nhiệm chung chung, mà là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Người phụ nữ hiện đại có định hướng bản thân và tự lập thì trước hết phải có trách nhiệm với mình.
Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

(PNTĐ) - Chủ đề toàn cầu của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay là “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” và hưởng ứng chủ đề ưu tiên của Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW67) “Đổi mới, công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Điều này cho thấy chuyển đổi số với tiềm năng lớn, được tin rằng sẽ trở thành một “động lực thay đổi” quan trọng đối với bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
Một giấc mộng dài

Một giấc mộng dài

(PNTĐ) - Suốt mấy năm nay, chưa ngày nào Thùy thôi nhớ về người ấy. Một mối quan hệ không thể gọi thành tên, mà sao lúc nào cũng làm cô day dứt, khát khao được một lần quay trở lại.