Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thủ đô
(PNTĐ) - Đội ngũ nữ doanh nhân, phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất ngày càng phát triển cả về lượng và chất, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm… Những thành quả ấy đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Thủ đô, cho thấy sự đúng đắn trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Nhiều hoạt động thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo
Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đã trải qua gần 30 năm xây dựng và trưởng thành. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng chính quyền từ quận đến cơ sở thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với hoạt động chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, với mục tiêu xây dựng quận thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô, thời gian qua cấp ủy, chính quyền quận triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát huy có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế, trong đó không thể không nhắc tới những đóng góp to lớn, mang đậm dấu ấn của chị em phụ nữ.
“Các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn quận đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền Quận triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn năm 2018-2025” như quan tâm hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện về nguồn vốn qua hoạt động ủy thác vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, tổ chức ngày hội việc làm cho hội viên phụ nữ, tổ chức tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát huy vai trò của hội viên phụ nữ tham gia các hợp tác xã, duy trì hoạt động CLB Nữ doanh nhân, Tổ hợp tác, tổ liên kết kinh doanh bán hàng ăn sáng, tổ sản xuất kinh doanh quất cảnh nghệ thuật, tổ sản xuất kinh doanh hoa đào, CLB làng nghề Xôi Phú Thượng, điểm dịch vụ du lịch văn hóa giới thiệu nghề truyền thống làm giấy Dó của vùng Bưởi xưa… nhằm góp phần quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao, tại các làng nghề Quất cảnh Tứ Liên, Hoa đào Nhật Tân, Trà sen Quảng An, Xôi Phú Thượng.
Năm 2024, quận triển khai thực hiện thí điểm Đề án khôi phục trồng sen tại một số hồ nhỏ, xung quanh Hồ Tây, quận cũng quan tâm, tạo điều kiện để cho hội viên phụ nữ quận tham gia triển khai thực hiện đề án, tạo nguồn nguyên liệu sạch cho việc sản xuất chè sen nhằm giữ vững và phát triển thương hiệu “Chè sen Quảng An” trên địa bàn quận, một số thương hiệu chè sen của quận như “Chè sen Hiền Xiên”, “Son sen” đều là những sản phẩm được lựa chọn, cho phép phục vụ tại nhiều sự kiện quan trọng của Thủ đô và đất nước. Nhiều mô hình kinh tế, CLB làng nghề truyền thống của hội viên phụ nữ thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan…”, bà Lê Thị Thu Hằng chia sẻ.
Thủ đô Hà Nội là một trong hai địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước đã kịp thời ban hành chương trình chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ, với mức hỗ trợ luôn ở mức cao nhất là 100% kinh phí thực hiện. Bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội chia sẻ, UBND Thành phố đã phê duyệt và giao Sở triển khai Kế hoạch hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV do phụ nữ làm chủ và DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, trong đó tập trung triển khai các chương trình đào tạo quản trị kinh doanh tại DNNVV do phụ nữ làm chủ và DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ tại các làng nghề. Bên cạnh đó, Sở cũng đang triển khai chương trình đào tạo cho hộ kinh doanh tại 30 quận, huyện của thành phố. Trong đó, có rất nhiều các nữ chủ hộ và lao động nữ tại các hộ kinh doanh trên địa bàn TP đã được tham gia các khoá đào tạo. “Qua quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy rằng nhu cầu cần hỗ trợ của các DNNVV do phụ nữ làm chủ là rất lớn và thái độ khi tham gia các chương trình hỗ trợ của các nữ lãnh đạo rất tích cực. Đồng thời, chị em luôn truyền cho cơ quan triển khai chính sách như chúng tôi một nguồn năng lượng rất tích cực”, bà Hương nói.
Và phát huy vai trò của tổ chức Hội
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp nữ: Tác động chính sách, đào tạo khởi nghiệp và quản lý doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng, pháp lý, xây dựng mạng lưới liên kết doanh nghiệp nữ, xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ phụ nữ thiết lập trang web, facebook, fanpage cá nhân để livestream, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; ứng dụng phần mềm thương mại điện tử tiếp thị sản phẩm trên các trang web lớn… Các hoạt động của Hội LHPN đã nâng cao nhận thức của phụ nữ đối với vấn đề khởi nghiệp và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Các cấp Hội đã khai thác quản lý nguồn vốn tín chấp từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên 9.316 tỷ đồng cho hơn 161.000 hội viên phụ nữ vay phát triển kinh tế (tăng 2.012 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ); hỗ trợ 1.923 phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; dạy nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề; giới thiệu việc làm cho 40.912 lao động. Nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết, sản xuất chất lượng cao, rau an toàn, mô hình trồng hoa, cây ăn quả, chăn nuôi trang trại theo hướng sinh học... do phụ nữ làm chủ đã được xây dựng và nhân rộng, khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Thực tế cho thấy Hội LHPN Thành phố đã trở thành cầu nối vững chắc giữa doanh nghiệp nữ với chính quyền địa phương trong tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chị em phụ nữ nâng cao năng lực về khởi nghiệp. Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mai Thị Thùy chia sẻ, “cùng với sự đồng hành của Hội LHPN Hà Nội, chúng tôi đã từng bước xây dựng nên ngôi nhà chung, giúp đỡ cho các hội viên của mình là các nữ chủ doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ trong các hoạt động đào tạo, ứng dụng công nghệ số, giúp chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng thuyết trình, bán hàng online, học hỏi kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp. Thành Hội tạo mọi cơ hội, khai thác và tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp cho chị em trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, vinh danh những nghệ nhân tiêu biểu, thợ giỏi trong các làng nghề, kịp thời động viên, khích lệ đội ngũ những người làm nghề…”.
Tổng sản phẩm GRDP 9 tháng đầu năm 2024 thành phố Hà Nội tăng 6,12% so với cùng kỳ năm 2023 (cao hơn bình quân chung của cả nước). Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 379 nghìn tỷ đồng. Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đứng đầu cả nước. Trong kết quả đó có những đóng góp quan trọng của các cấp Hội Phụ nữ và phụ nữ Thủ đô với nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhiều sản phẩm có giá trị cao.