Nàng dâu... “số xấu”

CÔNG NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thèm ăn bát chè hoa cau quá, mà bà Tuyết không nói được để gọi điện nhờ ai đi mua. Dịch vụ giao hàng online trên điện thoại thì bà không biết dùng. Đang thở than trong lòng thì Trâm – con dâu bà khẽ khàng mở cửa, trên tay bưng đúng bát chè hoa cau mà bà đang thầm ước.

- Có quán chè gần chỗ con làm bán món chè hoa cau mà mẹ thích nên con mua mời mẹ ăn! Mẹ cần gì thêm cứ viết ra giấy hoặc nháy máy điện thoại cho con, mẹ nhé!

Trên tay là bát chè thơm ngát, vàng óng, bà Tuyết trầm ngâm ngắm mãi. Cái thèm hồi nãy đi đâu mất, trong lòng chỉ còn là những tư lự, bồi hồi.

Với bà, từ trước tới giờ, Trâm vẫn luôn là cô con dâu… “số xấu”. Bởi từ ngày lấy Trâm, Vũ – con trai bà gặp hết họa này đến nạn khác. Bà Tuyết phải bênh con trai, nên sau mỗi sự vụ ấy, bà đều đổ hết lỗi lên đầu Trâm. Bà cho rằng, con trai và con dâu khắc tuổi nhau, nhất là tuổi cô con dâu xấu quá, lấy nhau thì chỉ kìm hãm sự phát triển của con trai bà mà thôi. 

Nàng dâu... “số xấu” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Được bố mẹ lo cho ăn học tới nơi tới chốn, chẳng phải thiếu thốn gì, ra trường bố mẹ lại tác động, lo lót xin việc cho, thế nên Vũ vừa như một “em chã”, vừa tưởng bở rằng cuộc đời này dễ dãi. Thành thử, anh làm mà không biết tích cóp, chỉ lo ăn chơi, rồi yêu Trâm và trót làm cô có bầu. Mang cái thai về xin cưới, mẹ Vũ không trách con trai nửa lời, nhưng chỉ thiếu nước đuổi Trâm ra khỏi cửa. Bà chê ỏng chê eo rằng nhà Trâm tít tận miền núi, hoàn cảnh không được như nhà bà, nên cố tình tiếp cận, mồi chài Vũ để kiếm được cái hộ khẩu thành phố, làm dâu nhà có điều kiện. Rồi bà còn bóng gió, rằng “chắc gì đứa bé trong bụng là con là cháu nhà này!”. Trâm ngồi im, nghe hết, nhưng không cãi lại. Cho đến khi Vũ khoát tay, “thôi mẹ nói nhiều thế, chuẩn bị cho con cưới đi”, bà mới dừng lại. Nhưng những hiềm khích giữa mẹ chồng, nàng dâu thì vẫn còn đó, thậm chí càng ngày càng nặng nề hơn.

Từ lúc tổ chức đi thăm nhà thông gia, cho đến lễ ăn hỏi, lễ cưới, lúc nào bà Tuyết cũng trưng bộ mặt như bị ai ăn vạ, khiến cho chồng con, họ hàng cũng ngại thay. Sau cưới, bà bắt Trâm nghỉ học đại học để ở nhà bán hàng, chạy chợ với bà. Vũ thì mải chơi, vô tâm, không biết bảo vệ vợ. Giữa nhà chồng - nhưng chưa quen, chưa thân, còn như đất khách, Trâm đành nén nước mắt, dừng việc học để tập làm dâu.

Nàng dâu... “số xấu” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhưng như thế đâu có là đủ với bà Tuyết. Trâm phụ việc cho bà, nhưng bà đâu có trả công. Hàng xóm hỏi thì bà bảo: “Nuôi ăn, cho ở thế là công lớn rồi!”. Vũ làm thì ít tiêu pha hết gấp mấy lần, lấy đâu tiền cho vợ sắm sửa. Thành thử, đôi khi, Trâm ra đường, bị các cô hàng xóm hiểu lầm rằng luộm thuộm, không biết sắm sửa gì nên mẹ chồng mới không thích…

Cố chịu đựng tới khi con trai được 1 tuổi, Trâm báo cáo mẹ chồng cho thằng bé đi nhà trẻ để mình đi làm. “Con đã xin được vào làm bán hàng cho trung tâm thương mại gần nhà mình. Con xin phép mẹ, để mẹ tìm người khác phụ bán hàng”. Bà Tuyết gào ầm lên, cho rằng con dâu tự quyết định mọi việc, nhất là con còn nhỏ tí đã cho đi trẻ. Nhưng lần này Trâm cứng, cô nói là làm. Bà Tuyết tức lắm.

Đùng một cái, Vũ báo tin về bảo mẹ lo tiền để trả nợ. Bà Tuyết ngã ngửa, thì ra con bà mượn xe ôtô của bạn để đi chơi. Không may gây ra tai nạn, cái xe méo hết đầu, bạn không nhận nữa, đòi bồi thường 400 triệu. Lấy đâu ra bây giờ. Bà Tuyết sầu não mắng chồng, mắng con, rồi xa xả rằng “tất cả là tại con vợ mày khắc tuổi!”. 

Trâm cố gắng vay mượn được 200 triệu. Về nhà, trước mặt cả nhà, cô đưa tiền cho Vũ rồi tuyên bố, phần còn lại anh phải tự trả, “bố mẹ không cần phải đưa cho anh ấy đồng nào hết”. Bà Tuyết – cứ ngỡ sẽ cảm thấy nhẹ người vì con dâu, lại làm toáng lên rằng “200 triệu khi nào nó mới làm ra nổi!”. Thế là bà lại mắng Trâm, mặc dù sau đó vẫn dùng 200 triệu của cô để trả nợ cho Vũ.

Nàng dâu... “số xấu” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Sau lần ấy, Vũ còn ăn chơi, nợ thêm vài trăm triệu nữa. Bà Tuyết vẫn đổ hết lỗi cho con dâu, trách cô ăn bám, số khắc chồng. Nhưng bà đâu có biết, con dâu bà vẫn đang phải cố gắng làm lụng để trả dần tiền vay trả nợ cho chồng, rồi chăm con, bởi bà Tuyết chỉ biết đến con, chứ với con dâu và cháu, bà tằn tiện vô cùng.

Có lẽ, cuộc sống mẹ chồng nàng dâu cứ mãi căng như dây đàn nếu không có một ngày bà Tuyết bỗng nhiên thấy khó chịu ở cổ, nói năng không còn được nhanh. Đi khám, bác sỹ bảo bà bị ung thư tuyến giáp. Nhắc tới ung thư là bà đã run lẩy bẩy, đứng không vững nữa rồi. Hôm ấy, Trâm đưa bà đi, cô phải vừa dìu mẹ chồng vừa nghe bác sĩ dặn dò, vì mẹ cô không còn biết trời đất gì nữa.

Từ hôm ấy, bà Tuyết phải chuẩn bị mổ và xạ trị. Mổ xong, bà không nói được gì. Nhớ con trai mà Vũ cứ đi biền biệt, như thể nhà chẳng có chuyện gì luôn. Trâm phải gửi hẳn con về nhà ngoại để vừa đi làm, vừa chăm mẹ chồng. Cứ ngỡ bao nhiêu năm qua, cô với mẹ chồng không hợp nên không hiểu tính nết, thói quen của nhau, ai ngờ Trâm chăm bà như con gái chăm mẹ đẻ. Cô biết hết khẩu vị ăn uống, biết bà thích gì. Như là món chè hoa cau cô mua rất đúng lúc bà Tuyết đang thèm tha thiết.

Tối đó, Trâm nói chuyện với chồng. Trước mặt mẹ chồng, cô bắt Vũ phải biết thu xếp công việc để cố gắng về sớm, cùng cô chăm mẹ. “Giờ nợ của anh tự anh phải trả, lương em đi làm để phụ chăm bà. Không có chuyện chơi bời sớm hôm như trước nữa”. Vũ à ừ, chẳng biết có làm được không, nhưng trong ánh mắt bà Tuyết đã nhẹ nhàng hơn với con dâu, rằng “thì ra nó vẫn thương mình đấy chứ!”.

Từng ghét con dâu như bỏ của, giờ thấy Trâm dậy sớm lọ mọ cơm nước, rồi tất tả đi làm, tất tả đưa mẹ chồng đi mấy chục cây số đến bệnh viện làm xạ trị, bà Tuyết thấy có lỗi với con dâu vô cùng. Ngồi sau lưng Trâm, đôi lúc bà ngắm mãi dáng cô, rồi thương cô gái mới ngoài hai mươi đã phải “chống cự” với bà mẹ chồng khó tính. “Thế mà nó lo cho nhà chồng đâu ra đấy, còn chẳng cãi lại mẹ chồng một câu bao giờ”, bà thầm nghĩ. Khi đã nói được rồi, bà khẽ khàng với Trâm, “thôi đón thằng Tít về đi, mẹ ở nhà trông cháu cho. Mẹ cũng đâu có yếu lắm, con chăm mẹ thấy khỏe nhiều ấy!”. Bà cứ nói hấp tấp vì còn ngại, nhưng nói được rồi, bà nhẹ cả người – thấy tinh thần khỏe hẳn ra. Ôi, cô con dâu mà bà chê “số xấu”, lại có ngày chính bà phải cậy nhờ!

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.