Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nỗ lực chuyển đổi số

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, tự tin là một trong những đơn vị tiên phong về chuyển đổi số, góp phần phát triển Thủ đô theo hướng văn minh - hiện đại.

Tốp đầu tuyển sinh đầu cấp

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, giáo dục Hà Nội hiện có quy mô lớn nhất với hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh. Một trong những công cụ để quản lý tốt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số.

Thực tế cho thấy Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh, từ đó, giúp việc học, tiếp thu kiến thức của người học trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Hiện tại, chuyển đổi số trong giáo dục được ứng dụng dưới 3 hình thức chính là: ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy (lớp học thông minh, lập trình…) vào việc giảng dạy; ứng dụng công nghệ trong quản lý (công cụ vận hành, quản lý); ứng dụng công nghệ trong lớp học (công cụ giảng dạy, cơ sở vật chất).

Để ứng dụng công nghệ thông tin trở thành nếp quen trong dạy và học, năm học 2022-2023, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành. Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang nâng cấp phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, phục vụ kỳ tuyển sinh năm học 2023-2024. Kỳ tuyển sinh năm học trước, hơn 85% hồ sơ đã đăng ký qua kênh này, góp phần tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh. Việc phát động, tạo điều kiện để giáo viên xây dựng bài giảng điện tử, đóng góp vào kho học liệu dùng chung cũng được Hà Nội tăng cường.

Là một trong những đơn vị chủ động đi đầu, tạo sự lan tỏa trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, dạy và học, đến nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã xây dựng được “bộ nhớ dùng chung” phục vụ quản lý, điều hành từ phòng tới từng nhà trường.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận chia sẻ, xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, Phòng đã tham mưu UBND quận ban hành đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 để định hướng thực hiện, cũng là căn cứ cho các nhà trường xây dựng lộ trình, bố trí kinh phí đầu tư.

Là đơn vị kết nghĩa của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, ngành Giáo dục huyện Ba Vì cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ đặc biệt là trong công tác chuyển đổi số giáo dục. Từ đó, huyện Ba Vì đã tập trung cho công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, bởi đây là lực lượng nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nỗ lực chuyển đổi số  - ảnh 1
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham quan gian trưng bày sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: PV

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, với sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, tháng 1/2023, đội ngũ cán bộ, giáo viên của huyện Ba Vì đã được trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này. Nhờ đó, các nhà trường đều tự tin, quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực xây dựng bài giảng điện tử để hỗ trợ việc học của học sinh, nhất là trong việc giao bài tập về nhà, các bài tập dự án, thực hành...

Cùng với việc thúc đẩy tuyển sinh trực tuyến đầu cấp, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo có sự tiến bộ vượt bậc. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập phù hợp với tình hình thực tế. Chỉ số cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo tăng 8 bậc từ xếp vị trí thứ 17 lên xếp vị trí thứ 9/22 sở, ngành, cơ quan thuộc Thành phố.

Trước đó, vào tháng 8/2022, Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) ngành Giáo dục và Đào tạo đã chính thức được ra mắt. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai trung tâm này. Theo đó, Trung tâm tích hợp hệ thống hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành; quản lý, tổ chức các cuộc họp trực tuyến; cập nhật thông tin mới nhất về ngành Giáo dục và Đào tạo trên Cổng thông tin điện tử... Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ quản lý được 100% các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, tăng cường trao đổi thông tin giữa phụ huynh và nhà trường... phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố.

Triển khai hiệu quả hệ sinh thái chuyển đổi số trong giáo dục

Đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong công tác chuyển đổi số, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ cao nhất về kết nối thông tin của học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 97% số học sinh (cả nước là 95%). Hà Nội cũng đã triển khai tốt các dịch vụ công trực tuyến, duy trì hiệu quả hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nỗ lực chuyển đổi số  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Để triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 4725/QĐ - BGDĐT ngày 30/12/2022, trong đó có Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên với 3 mức độ: Mức độ 1 (chưa đáp ứng); mức độ 2 (đáp ứng cơ bản), mức độ 3 (đáp ứng tốt).

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải hy vọng, ngoài các giải pháp tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học, thời gian tới, Hà Nội sẽ cố gắng triển khai hình thức thi trên máy tính với các môn trắc nghiệm, làm công khai minh bạch toàn bộ quá trình thi, giảm áp lực cho thầy cô giáo...

Với tinh thần chung tay, góp sức của các đơn vị, nhà trường trong chuyển đổi số, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục bám sát Quyết định 4725/QĐ - BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành để xác định mức độ chuyển đổi số của đơn vị mình; tham mưu chính quyền địa phương tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường; triển khai hiệu quả hệ sinh thái chuyển đổi số về dạy học, kiểm tra, đánh giá, số hóa đồng bộ. 

Đồng thời, cập nhật thông tin thường xuyên lên Trung tâm điều hành thông minh của ngành… Các nhà trường cũng cần tăng cường xây dựng, đóng góp vào kho học liệu số; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt…

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.