Ngày về

NGUYỄN THỊ THIỆN
Chia sẻ

(PNTĐ) -"Ngày về" được Nguyễn Đình Thi (1924-2003) sáng tác tháng 9/1954, là một sáng tác nổi tiếng về Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội chiều nay mưa tầm tã

Ta lại về đây với phố xưa

Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá

Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa

Ta nhìn hai mắt ta nhìn mãi

Lòng ta như lửa đốt dầu sôi

Nằm lại những chân rừng đầu núi

Hôm nay bao đồng chí đâu rồi

Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt

Leng keng chuông xe điện đổ hồi

Lòng ta bỗng như dòng suối mát

Ta đã về đây, Hà Nội ơi!

Em Hà Nội má em ửng đỏ

Áo hoa em cất tự bao giờ

Góc phố bờ tường bao máu đổ

Còn tươi nguyên như những lá cờ

Từ khắp bốn phương trời lửa đạn

Đàn con về sau những năm xa

Cởi súng gạt mồ hôi trên trán

Ta lại xây Hà Nội của ta.

                                      9/1954

                 NGUYỄN ĐÌNH THI

Ngày về - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH

Bài thơ mở đầu bằng niềm xúc động dâng trào bởi nhân vật trữ tình - hiện thân của anh vệ quốc - sau nhiều năm ra đi kháng chiến, nay đã trở về: "Hà Nội chiều nay mưa tầm tã/ Ta lại về đây giữa phố xưa". Thời tiết bên ngoài khắc nghiệt đối lập với niềm hứng khởi vô biên trong lòng người trở về.

Phải chăng hình ảnh "mưa tầm tã", mưa không dứt hạt, không lúc nào ngớt là biểu tượng cho những khó khăn, gian khổ trong cuộc kháng chiến trường kỳ chúng ta đã vừa vượt qua, giành thắng lợi để được về cùng "phố xưa", nơi đã gắn bó biết bao kỷ niệm. Những hình ảnh đẹp giàu ý nghĩa biểu trưng cho Hà Nội theo nhau xuất hiện: "Nước Hồ Gươm sao xanh dịu quá/ Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa".

Cảnh vật ở đây được nhân hoá, như biết đồng cảm chia sẻ niềm vui với con người vì quê hương giải phóng. Màu nước hồ Gươm như "xanh dịu", hơn, đẹp hơn lên trong nụ cười và niềm xúc động "rơi lệ" của người về. Đó chính là cái nhìn cảnh vật qua màn nước mắt của niềm vui.

Giờ đây tác giả càng da diết nhớ thương những con người đã ra đi kháng chiến, dâng hiến tuổi xuân và cả tính mạng của mình vì thắng lợi của dân tộc. Các anh đã "Nằm lại những chân rừng đầu núi". Tác giả thương tiếc vô cùng bởi các anh đâu được chứng kiến thời khắc thiêng liêng, vinh dự, tự hào: Hà Nội giải phóng, bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô.

Niềm xúc động dâng trào khiến chủ thể trữ tình không nén nổi tiếng khóc vỡ oà "Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt/ Leng keng chuông xe điện đổ hồi/ Lòng ta bỗng như dòng suối mát/ Ta đã về đây, Hà Nội ơi!". Âm thanh "leng keng" của tiếng chuông xe điện như cùng hoà chung tâm trạng náo nức của lòng người. Niềm hạnh phúc quá lớn, tưởng như đang sống trong mơ khiến tâm hồn người như “suối mát”, như thành thơ trẻ.

Bài thơ càng hấp dẫn người đọc bởi bức hoạ bằng thơ chân dung cô gái đất kinh kỳ: "Em Hà Nội má em ửng đỏ/ Áo hoa em cất tự bao giờ". Hình ảnh này có thể là tả thực: Giữa cảnh phố xá chìm đắm trong mưa, cô gái má ửng hồng xuất hiện với sắc áo hoa tươi trẻ tinh khôi như đem đến luồng sinh khí và sức sống mới cho Hà Nội.

Ý thơ có thể hiểu theo nghĩa ẩn: "Em Hà Nội" là vùng đất giải phóng đầy tươi trẻ dưới chính quyền mới, chế độ mới. "Áo hoa" hay là hình ảnh hàng ngàn, hàng vạn người Hà Nội, mặt tươi như hoa, tay cầm cờ hoa vẫy chào hân hoan đón mừng bộ đội trở về. Hình ảnh đó tương phản với "Góc phố bờ tường bao máu đổ/ Còn tươi nguyên như những lá cờ". Cái giá chúng ta phải trả là bao sinh mạng đã“quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” để có thắng lợi huy hoàng hôm nay, cho cuộc sống tự do này.

Phải là người xa Hà Nội đi kháng chiến, phải là người từng gắn bó với Hà Nội như máu thịt, tác giả mới có được những câu thơ hàm súc và sâu sắc đến như vậy. Đáng chú ý bài thơ dùng nhiều điệp từ, điệp ngữ: "Hà Nội", "Hà Nội chiều nay", "Hà Nội của ta"; "Ta lại về đây"... cứ nhấn đi nhấn lại, biết mấy vinh dự, tự hào.

Niềm vui chiến thắng thật ngọt ngào nhưng cũng phải đánh đổi bằng không ít đắng cay. Nhận thức ấy khiến tác giả bừng tỉnh với niềm hào sảng của người dân một đất nước được tự do, độc lập, lời thơ như cất lên tiếng reo vui: "Ta đã về đây Hà Nội ơi". Khổ thơ cuối, nhà thơ khẳng định tình yêu với Hà Nội qua những câu, những hình ảnh hào hùng: "Từ khắp bốn phương trời lửa đạn/ Đàn con về sau những năm xa/ Cởi súng gạt mồ hôi trên trán/ Ta lại xây Hà Nội của ta".

Những câu thơ này tràn đầy niềm tin và lạc quan. Trải qua thời kỳ kháng chiến anh dũng kiên cường, "đàn con" lúc này trở về cùng chung tay góp sức vào sự nghiệp “kiến quốc” để dựng xây Hà Nội to đẹp đàng hoàng hơn xưa. Trải hai phần ba thế kỷ đã đi qua nhưng bài thơ đến nay vẫn truyền đến mọi người tình yêu và niềm tự hào sâu sắc về “Hà Nội của ta”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Giải pháp nâng cao chất lượng dân số

(PNTĐ) - Khám sức khỏe tiền hôn nhân là hình thức sàng lọc quan trọng giúp phát hiện kịp thời và điều trị sớm các căn bệnh tiềm ẩn gây ảnh hưởng việc sinh đẻ, góp phần cải thiện giống nòi, nâng cao chất lượng dân số, giúp xây dựng cuộc sống gia đình bền vững.
Hạnh phúc suýt đánh rơi

Hạnh phúc suýt đánh rơi

(PNTĐ) - Đối với những người vợ yêu gia đình, yêu chồng, yêu con chính là lẽ sống của họ. Song, sự hy sinh không mong đáp đền đó lại ít khi nhận được sự thấu hiểu của người đầu gối, tay ấp sẽ khiến tình yêu dần phai nhạt.