Nghề đan cót nan ở Nghĩa Hương

Bài và ảnh: HOÀNG NGUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dẫu được gọi tên là nghề phụ, làm vào những khi nông nhàn, nhưng nghề đan nan cót xuất khẩu ở cả 3/3 thôn của xã Nghĩa Hương bấy lâu nay đã mang lại nguồn thu nhập chính của hàng nghìn người dân nơi đây.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thêm ở thôn Văn Khê, chứng kiến những người làm nghề cả già lẫn trẻ đang thoăn thoắt tay đan, tay chẻ, vót nan. 

Bà Thêm cho biết: “Đan nan cót là nghề truyền thống của gia đình, bản thân tôi cũng làm từ nhỏ đến giờ. Trước đây, gia đình vốn làm ruộng, những khi nông nhàn lại đan để kiếm thêm thu nhập”. 

Theo bà Thêm, thu nhập từ nghề đan nan cót chủ yếu là gia công cho các chủ thu gom đặt hàng, bình quân thu nhập mỗi tháng được 4-6 triệu đồng/người và cái được của nghề là công việc luôn đều đặn, làm quanh năm.

Bà Cao Diệu Lân (78 tuổi) cho hay: “Cô là giáo viên nghỉ hưu. Vốn sẵn nghề đan ở địa phương nên cô cũng bắt tay vào làm, làm vừa sức nên cô rất vui”. Mỗi ngày đan ước chừng được 100.000 đồng tiền công. Theo bà Loan, các con lớn thì đi làm, các cháu đi học nên việc làm nghề phụ này chủ yếu là cô chú làm cho có niềm vui tuổi già lại có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Cải thiện cuộc sống cũng chính là lý do của hầu hết những người cao tuổi, phụ nữ ở Nghĩa Hương đang làm nghề đan nan cót này. 

Nghề đan cót nan ở Nghĩa Hương - ảnh 1
Bà Cao Diệu Lân, giáo viên nghỉ hưu (ở thôn Văn Khê) đan cót tại nhà hơn 20 năm nay.

Hướng về những ngôi nhà cao tầng khang trang cũng nối nhau, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Hương tự hào: “Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, đời sống bà con trong xã đã được nâng cao. Ngoài những lao động trong độ tuổi đi làm các nghề khác còn ở nhà chủ yếu là các chị, các mẹ, lao động nhiều tuổi, có cả các ông bà cao tuổi ngoài 70, 80 tuổi vẫn tham gia làm nghề mây tre đan, đan cót…”.

Cũng theo bà Thanh Hải, Hội LHPN xã Nghĩa Hương đã thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất, đào tạo kỹ năng kinh doanh cho chị em; đồng thời đang quản lý quỹ vay tín dụng từ ngân hàng Chính sách xã hội 13,3 tỷ đồng và ngân hàng Nông nghiệp và PTNT 3 tỷ đồng, các hộ vay để sản xuất kinh doanh luôn đảm bảo sử dụng nguồn vốn rất tốt.  

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương cho biết, cả 3 thôn của xã Nghĩa Hương đều có nghề đan nan cót và mây tre đan phát triển, nhiều năm nay hàng nghìn người dân đã gắn bó với nghề truyền thống này nên đã có thu nhập ổn định, nhiều nhà trở nên khá giả. Cũng nhờ nghề này mà đời sống của người dân trong xã được nâng lên rõ rệt. Bình quân thu nhập đầu người năm 2021 của xã Nghĩa Hương đạt 55 triệu đồng/năm.

Với sự phát triển của nghề thủ công truyền thống, các hộ làm nghề ngày càng thiếu mặt bằng sản xuất nên hầu hết là tận dụng diện tích nhà ở để sản xuất tại nhà, thậm chí là lòng, lề đường, nhất là với các hộ làm chế biến lâm sản, xẻ gỗ cần diện tích rộng để tập kết nguyên liệu. Vì vậy, người dân xã làm nghề ở Nghĩa Hương rất mong muốn sớm được chuyển ra cụm Công nghiệp làng nghề để mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu nhập và nhất là hạn chế được ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương cho biết, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với làng có nghề, tiếp tục khuyến khích các hộ sản xuất, làng nghề trên địa bàn xã, làm cót nan, mây tre giang đan, chế biến lâm sản, duy trì, phục hồi phát triển thích ứng an toàn với dịch Covid-19. 

Hội LHPN xã cũng tích cực tuyên truyền vận động các hộ, các chị em đảm bảo sản xuất an toàn, có phương án giảm thiểu ô nhiễm môi trường sản xuất trong khu dân cư, như sử dụng bao đựng rác, dọn dẹp sạch sẽ trong nhà, ngoài ngõ. Đồng thời, UBND xã đang thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện đã triển khai đến các đơn vị, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với phòng Kinh tế huyện tiếp nhận, hướng dẫn hồ sơ đăng ký 3 sản phẩm cót nan tham gia đánh giá công nhận sản phẩm OCOP năm 2022. 

Hy vọng, trong thời gian tới, xã Nghĩa Hương sớm xây dựng được cụm công nghiệp làng nghề để nghề đan nan cót vẫn tiếp tục được phát triển bền vững, đảm bảo môi trường sạch sẽ mà người dân vẫn có thu nhập tốt.  

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.