Ngôi nhà kỷ niệm

Thái Thị Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Chiều nay, bên cửa sổ, tôi thấy ông tôi ngồi lặng lẽ, ngắm nhìn tấm ảnh chụp ngôi nhà cũ của gia đình. Cách đây 1 năm, ông đã ký giấy bán ngôi nhà đó để lấy tiền, chia cho các con.

Ông tôi bảo, việc bán nhà là việc phải làm. Bởi, ngôi nhà cũng giống như tấm áo đã chật, không còn đủ sức che cho những tấm thân lớn. 

Ngôi nhà là tài sản của ông bà tôi. Từ ngôi nhà ấy, bố tôi và 2 chú đã ra đời, lớn lên. Sau đó, bố tôi lấy mẹ tôi, sinh ra chúng tôi. Hai chú cũng lập gia đình, sinh ra các em họ của tôi.

Ở khu phố, mọi người thường bày tỏ sự ngưỡng mộ khi nói về đại gia đình của tôi. Bởi, 14 con người thuộc 3 thế hệ luôn sống hòa thuận, đầm ấm trong một ngôi nhà nhỏ. Mẹ tôi và các cô luân phiên nhau đi chợ, nấu cơm cho cả đại gia đình.

Đến bữa, chúng tôi phải chia nhau ăn làm 2 mâm, ở hai tầng gác mới đủ chỗ. Bố tôi và các chú luân phiên kiểm tra an ninh, an toàn cho cả nhà mỗi tối đi ngủ. Còn trẻ con chúng tôi, luân phiên tụ tập ở các phòng để cùng chơi đùa với nhau.

Ông bà tôi rất yêu quý ngôi nhà vì nó là thành quả lao động, tiết kiệm bao nhiêu năm của ông bà, lại ghi dấu nhiều kỷ niệm của cả gia đình. Vì vậy, ông luôn nói, sẽ không bao giờ bán ngôi nhà đi. 

Cho tới một ngày, hình như ông nghe được tiếng bố tôi nói với mẹ: “Em chịu khó một chút, đợi các con, các cháu đi ngủ thì làm việc sau”. Chẳng là cả nhà tôi đều sinh hoạt chỉ trong một phòng nhỏ. Mẹ tôi là kế toán, rất cần có một không gian riêng yên tĩnh cho mẹ ngồi làm việc.

Nhưng mà, nhà cửa chật chội, các con cháu suốt chạy nhảy, nô đùa ầm ĩ, mẹ chỉ có thể đợi tới lúc nửa đêm, khi cả nhà đã chìm vào giấc ngủ lại len lén dậy, thắp đèn làm việc.

Ngôi nhà kỷ niệm - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi một ngày kia, cô chú tôi bỗng gọi người tới lắp trong phòng ngủ của cô chú một chiếc… giàn phơi quần áo thông minh. Nhưng chiếc giàn không làm nhiệm vụ phơi phóng quần áo mà để giúp cô chú tôi treo đồ. Vừa bước vào cửa, ai cũng thấy la liệt những quần áo lủng lẳng dưới trần nhà. Cô tôi bảo: Thì nhà đông người, đến chỗ kê thêm tủ quần áo cũng không có nên phải treo quần áo lên trần nhà.

Rồi ông cũng lại nghe hai con nhà chú út tôi ước trong ngày sinh nhật sẽ được một lần nằm trên chiếc giường công chúa. Phòng của gia đình chú cũng chật chội, chẳng kê nổi hai chiếc giường. Thành thử, tất cả mọi người đều phải nằm đệm thay giường, ngay cả trong những ngày lạnh giá này.

Và hàng ngày, mỗi lần nhìn mẹ tôi và các cô khệ nệ tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đồ này thức nọ để lo cho cả một đại gia đình, chắc ông thương mọi người vất vả.

Cuối cùng, ông tôi đã gọi khách tới mua nhà. Trước đó, ông cho họp gia đình, tuyên bố tiền bán nhà sẽ chia đều để các con đi mua nhà riêng. 

Ban đầu, bố tôi lo lắng, tưởng con cháu làm điều gì sai trái để ông giận. Cô chú tôi cũng bảo, từng đó năm sống chung, trong nhà tôi chưa từng xảy ra cãi cọ, vậy vì sao ông lại “đuổi” các con đi? Lúc đó ông tôi mới bảo, ông rất yêu từng ngóc ngách của ngôi nhà và việc bán nhà đi là bất đắc dĩ. Nhưng ông thấy việc ở chung vậy đã gây ra sự bất tiện cho các con, cháu. Ông tôi muốn, mẹ tôi sẽ có một không gian làm việc riêng. Cô tôi sẽ có chỗ để kê vừa nhiều tủ quần áo, các cháu ông sẽ được ngủ giường. Và trên hết là mỗi người sẽ có được một không gian riêng tư để ở và sinh hoạt theo ý của mình. 

Ngôi nhà kỷ niệm - ảnh 2
Ảnh minh họa

Quả nhiên, nhờ có sự giúp đỡ của ông, cả 3 nhà chúng tôi đều đã tự mua được những căn hộ nho nhỏ của riêng mình cùng trong một tòa chung cư.  Nhà của tôi rộng hơn một chút vì bố mẹ đón ông bà đến ở cùng, tiện bề phụng dưỡng tuổi già. Được cái là 3 căn hộ ở gần nhau nên chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại, thăm hỏi nhau, rồi sau đó ai lại về nhà nấy. Các cô tôi cuối tuần có thể ngủ muộn hơn chút vì không phải lo đến việc đi chợ cho cả đại gia đình. Mẹ tôi sau giờ tan làm cũng không còn phải vội vã về nấu cơm cho 14 miệng ăn. 3 nhà đều có điều kiện tự do trang trí, bày biện đồ đạc theo sở thích của mình.

Hôm nay, thấy ông ngồi xem lại bức ảnh cũ ông kịp chụp trước khi ngôi nhà chuyển cho chủ mới, tôi hiểu ông vẫn còn nhớ thương ngôi nhà lắm. Nhưng, ông tôi không buồn nhiều. Ông tôi bảo: “Kỷ niệm thì sẽ mãi là kỷ niệm. Hôm nay có lý lẽ của hôm nay. Và ông bà sẽ luôn sống vì con cháu, con cháu ở đâu thì đó là nhà của ông bà”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.