NGÔI NHÀ TÌNH YÊU VÀ HẠNH PHÚC

Vị Tường (TQ)
Chia sẻ

(PNTĐ) -Một hôm, Đại Vỹ vừa đi làm về, cha là lão Thuyên Đầu đưa thẻ ngân hàng cho anh và nói: "Ngày mai, con có thể đến ngân hàng rút 10.000 nhân dân tệ cho cha, nhân tiện mang cho cha một chiếc phong bao đỏ". Đại Vỹ nghi ngờ hỏi: “Cha, cha định đưa cho ai chiếc phong bao đỏ với số tiền lớn như vậy?”...

Lão Thuyên Đầu liếc nhìn vợ đang đứng bên cạnh, khẽ thở dài: “Cho thím Hai của con ở dưới quê, cha nghe nói ngày kia là sinh nhật đại thọ lần thứ 80 của bà ấy, bố và mẹ con muốn về làng một chuyến”.

Đại Vỹ càng ngạc nhiên: "Cha, chẳng phải là cha mẹ không muốn gặp bà ấy sao, lại còn muốn tổ chức mừng thọ cho bà ấy?".

Lão Thuyên Đầu thở dài, hạ giọng nói: "Chuyện này á, nói ra thì dài lắm...”. Nói xong câu ấy, lão im lặng không nói gì thêm nữa.

Nhắc đến thím Hai, Đại Vỹ cũng không xa lạ, bà là một bà đỡ nổi tiếng là mát tay trong vùng, cứ mười người cùng trang lứa với Đại Vỹ thì chín người khi sinh ra đều do tay bà ấy đỡ, vì vậy, bà được mọi người trong làng rất kính trọng. Nhưng trong trí nhớ của Đại Vỹ, cha mẹ anh dường như không muốn gặp bà ấy, và ngay cả khi giáp mặt, họ cũng không chào hỏi nhau. Sau khi Đại Vỹ trở thành một doanh nhân lớn ở thành phố, anh đã hiến căn nhà ở quê cho làng và đưa cha mẹ đến sống cùng mình, cũng là để rũ sạch những câu chuyện cũ xưa về nhân tình thế thái ở nông thôn. Bây giờ cha mẹ Đại Vỹ đột nhiên đề cập đến việc về làng để tổ chức mừng thọ cho thím Hai, tại sao lại không làm anh ngạc nhiên cho được?

Vào sáng sớm ngày thứ ba, Đại Vỹ đã lái xe chở cha mẹ đi, chẳng mấy chốc đã về đến cổng làng.

Đã mấy năm không về quê, nay thấy mọi thứ trong thôn thay đổi quá nhiều, lão Thuyên Đầu hai mắt ươn ướt, miệng lẩm bẩm: “Mới có mấy năm mà đã thay đổi nhiều, nhiều quá!”. Thấy cha như vậy, Đại Vỹ cũng thở dài mãi không thôi.

Lúc này, từ cách đó không xa vang lên những tiếng pháo nổ “đì đùng”, lão Thuyên Đầu nhìn theo hướng có pháo nổ: “Này, đấy chẳng phải là hướng nhà cũ của ta sao?”.

“Đúng rồi.” Đại Vỹ gật đầu phụ họa và dừng xe lại trên một bãi đất trống rồi dẫn hai vợ chồng lão Thuyên Đầu đi về phía trước. Dân làng gặp họ đều lần lượt chào hỏi, lão Thuyên Đầu thuận miệng hỏi: “Hôm nay nhà nào trong làng có hỷ sự vậy?”.

Dân làng đáp: “Bà Hai của ngôi nhà hạnh phúc, hôm nay là sinh nhật lần thứ 80 và dân làng tự tổ chức mừng đại thọ cho bà ấy”.

“Ngôi nhà hạnh phúc?”.

Người làng vỗ đùi: “Đúng rồi, ngôi nhà hạnh phúc đã được xây dựng trên ngôi nhà cũ của ông! Bà Hai cả đời làm việc thiện. Mấy năm trước, chồng mất, không có con nên dân làng đưa bà ấy đến ngôi nhà hạnh phúc để chăm sóc, phụng dưỡng”.

Nghe đến đây, trái tim lão Thuyên Đầu đột nhiên thắt lại.

NGÔI NHÀ TÌNH YÊU VÀ HẠNH PHÚC - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Đó là một đầu mùa thu cuối những năm 1970 của thế kỷ 20, đội sản xuất thông báo cho những người lao động nam trong làng đến Bắc Sơn để chặt cây. Chặt cây là công việc tổn hao nhiều công sức, nhưng được tính công điểm cao hơn, buổi trưa đội còn được một bữa bún giò heo nên đàn ông ai cũng muốn làm công việc này. Tất nhiên, ông già Thuyên Đầu nghèo khó sẽ không bỏ lỡ cơ hội, ông ta húp vội vài bát cháo loãng rồi vội vã đến Bắc Sơn với một chiếc rìu sắc nhọn trên lưng.

Đội trưởng nhìn mọi người rồi ra lệnh, quang cảnh đột nhiên sôi động hẳn lên. Ban đầu, lão Thuyên Đầu có thể theo kịp nhịp điệu làm việc, nhưng về sau, những bát cháo loãng từ buổi sáng trong bụng ông ta dần dần bị tiêu hao bởi những nhát rìu bay lên bay xuống và mồ hôi túa ra từ cơ thể. Mỗi lần nhấc cây rìu cảm thấy nặng nề như ngàn cân, nhất là khi nghĩ đến món bún giò heo buổi trưa, cái bụng teo tóp của lão lại càng thấy như không chịu nổi. Lúc ấy còn một thời gian nữa mới đến giờ ăn trưa, không thể nhấc chiếc rìu lên được nữa, lão Thuyên Đầu đột nhiên nhìn thấy một tổ ong lớn với bầy ong núi đang ồn ào vây quanh tổ treo trên cây thông. Lão Thuyên Đầu mừng thầm, chẳng phải nhộng ong trắng nõn và mềm mại là món ăn vặt tốt để xoa dịu cơn đói của cái bụng đang sôi réo sao! Nhưng ông ta cũng biết rằng ong bắp cày rất hung dữ và độc, nếu xâm phạm đến chúng, chúng sẽ tràn ra và tấn công.

Lão Thuyên Đầu không thể nghĩ nhiều như vậy, lập tức mặc áo khoác ngoài, ngồi xổm xuống, lấy bát cơm trong túi đặt qua một bên, sau đó cầm túi lên, khoét ra hai cái lỗ nhỏ để nhìn rồi bọc lại rồi chụp túi lên kín toàn bộ đầu của mình. Sau khi chuẩn bị xong mọi việc, lão tìm thấy một cành cây dài khác, cẩn thận đến dưới gốc cây và đâm mạnh vào tổ ong.

Thật không may, hai cái lỗ trên cái túi chụp đầu của lão khoét quá nhỏ, và khi lão nhìn lên thì hai cái lỗ đó đã không đúng vị trí. Trong tích tắc, có đến hàng ngàn con ong núi bay đến dọc theo cành cây. Lão Thuyên Đầu sợ đến mức ném cành cây xuống và quay đầu bỏ chạy. Được vài trăm mét thì không chạy được nữa, ngồi bệt xuống đất mà thở dốc, tháo bỏ chiếc túi chụp lên đầu. Lúc này lão chỉ cảm thấy đau nhói bên tai phải, hóa ra một con ong bắp cày bám bên ngoài cái túi, khi túi bị gỡ bỏ, nó đã giận dữ chích cho lão một nhát.

Trong phút chốc, tai của lão Thuyên Đầu đã sưng vù và nhanh chóng lan ra nửa khuôn mặt, không thể làm việc được nữa, đội trưởng yêu cầu ông ta trở về làng nghỉ ngơi. Lão Thuyên Đầu tiếc nuối đi về, trên đường về gặp thím Hai. Khi biết chuyện, thím Hai bàng hoàng: “Loại ong bắp cày này, theo thổ ngữ địa phương gọi là “lala”. Tuy chất độc không làm chết người nhưng phải hai ba ngày nữa vết sưng tấy mới biến mất hoàn toàn. Cũng đáng giá đấy chứ?”.

Lão Thuyên Đầu nhe răng cười toe toét: “Vậy thì có thể làm được gì nữa? Đành ráng chịu vậy thôi”.

Bà ấy chăm chú nhìn lão Thuyên Đầu hồi lâu rồi đột nhiên nói: “Tôi có một cách làm. Tôi nghe nói dùng sữa của phụ nữ lau chỗ bị ong chích sẽ nhanh chóng hết sưng.”

Lão Thuyên Đầu nghi ngờ hỏi: “Thật sao?” rồi ngập ngừng: “Tôi có thể tìm sữa ở đâu? Tôi già rồi. Trời ạ, khó quá!”.

Bà Hai chậm rãi nói: “Trị nọc ong quan trọng hơn, hay giữ sĩ diện quan trọng hơn? Có đứa bé trong nhà Vương Nhị bên thôn Đông hình như tên là Đại Vỹ phải không? Nó vẫn còn đang cai sữa, ông mau đi hỏi xem”.

NGÔI NHÀ TÌNH YÊU VÀ HẠNH PHÚC - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Lão Thuyên Đầu lập tức lắc đầu quầy quậy: “Không, không được. Anh Nhị Hổ mà còn sống thì không sao, nhưng bây giờ tôi là người đàn ông độc thân mà đến nhà đàn bà góa thì sẽ bị thiên hạ đồn thổi!”.

Bà Hai nói: “Xin sữa chữa nọc ong, sao lại khiến người ta đồn thổi? Trừ phi trong lòng ông có ma”.

Lão Thuyên Đầu vội vàng phủ nhận: “Thím Hai à, đừng có nói nhảm. Tuy rằng tôi chưa có vợ, tôi cũng không thể bắt nạt một người đàn bà góa”.

Bà Hai giục: “Vậy thì ông sợ gì chứ? Đi đi, tôi sẽ không nói cho ai biết đâu.”

Lão Thuyên Đầu chỉ còn biết cách làm theo. Không ngờ đến ngày thứ ba sau khi lão ta xin sữa, cả làng đều biết chuyện, người ta đồn rằng lão và vợ Nhị Hổ có chuyện, vợ Nhị Hổ đã vén áo, trực tiếp bôi sữa trị nọc ong cho ông ta, rằng lão Thuyên Đầu thật có số đào hoa.

Một miệng cãi không lại với trăm miệng, sau này vì sợ làm bại hoại thanh danh vợ Nhị Hổ nên lão Thuyên Đầu cho người đến nhà nói lời cầu thân. Cả hai đã có cảm tình tốt với nhau, nhưng họ chưa bao giờ nói ra điều đó. Qua sự việc này, danh chính ngôn thuận họ trở thành người một nhà. Nhưng cũng từ đó, lão Thuyên Đầu có khúc mắc với bà Hai: Tại sao có thể tung tin đồn nhảm, có phải tôi là loại người lợi dụng sự nguy hiểm của người khác không?

Trong khi suy nghĩ, lão Thuyên Đầu đã đưa gia đình của mình đến cổng ngôi nhà hạnh phúc.

Bà Hai rất bất ngờ trước sự xuất hiện của gia đình lão Thuyên Đầu, sững sờ mất một lúc, nước mắt lăn dài trên má.

Lão Thuyên Đầu tiến lên phía trước hai bước, quỳ trên mặt đất, cất cao giọng: “Ân nhân của ta, Thuyên Đầu xin chúc mừng sinh nhật!”.

Khóe miệng bà Hai run giật hồi lâu rồi khan giọng, nói: “Thuyên Đầu còn nhớ đến sinh nhật của thím Hai, rốt cuộc xem ra ông cũng không oán trách gì tôi”.

“Không oán hận, không oán hận!”Lão Thuyên Đầu nghẹn ngào, “Bà Hai, mấy năm nay tôi đã nghĩ ra rồi - không phải là bà chọc thủng lớp giấy này, mà không thì với điều kiện gia đình, làm sao tôi có thể lấy được vợ? Tất cả là lỗi của tôi, tôi đã quá cố chấp và hiểu lầm bà. Cách đây không lâu, tôi mới biết được rằng sữa người không chữa được nọc ong”.

Bà Hai cười để lộ hàm răng đã rụng gần hết: “Lúc đó, trong thôn có nhiều đàn ông chưa vợ, đều rắp ranh nhòm ngó vợ Nhị Hổ, nhưng trong lòng tôi, ông mới là người xứng đôi với bà ấy, nếu ông không hành động thì bây giờ không biết bà ấy đã thành người của nhà ai rồi”.

Có người nói đùa: “Thím Hai, tại sao thím lại chấm Thuyên Đầu? Tôi nghĩ là mình cũng hoành tráng đấy chứ!”.

Bà Hai đắc ý nói: “ Con mắt của tôi thật tinh tường phải không? Thuyên Đầu tốt bụng, yêu trẻ con, tôi biết mẹ Đại Vỹ sẽ không bị thiệt thòi khi làm dâu nhà ông ấy”.

“Đúng vậy!” dân làng ồn ào tán thưởng.

Lúc này, bà Hai đưa mắt nhìn về phía Đại Vỹ đang đứng bên cạnh: "Thật tuyệt vời, cha của con thật tuyệt vời, hồi ấy, ông ấy cứ sợ con phải chịu thiệt thòi nên không muốn có một đứa con của mình, người bình thường không ai nghĩ được, làm được như thế, con phải thật hiếu kính với ông ấy mới được.”

Dân làng đã nghe rất nhiều về mối ân oán giữa lão Thuyên Đầu và bà Hai, bây giờ cuối cùng hai người họ đã giải tỏa được mối hiềm khích cũ, nhiều người không thể không tự tát vào mặt mình.

Nhìn dáng vóc thấp bé cùng mái tóc bạc phơ của bà Hai và những người dân làng nhiệt tình trước mặt, Đại Vỹ chợt xúc động nói: “Bà con ơi, tôi muốn thương lượng với các vị một điều: Tôi muốn đem hạnh phúc ở ngôi nhà này lan tỏa đi khắp mọi nơi để chia sẻ tới tất cả những người già trong làng chúng ta đều có thể sống trong niềm vui của cuộc sống gia đình, không biết bà con có đồng ý không?”.

“Đồng ý! Đồng ý!”- đột nhiên, tiếng vỗ tay nổi lên càng lớn hơn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.
Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.