Người chồng vô tâm

Chia sẻ

Thương con nhỏ lại hay ốm vặt, chị nghỉ làm ở nhà chăm con, lo toan việc gia đình, thế nhưng chồng chị lại “lên mặt” coi thường và đổ hết mọi việc nhà để mình chị gánh vác.

10h đêm, chị thấy anh nghe cuộc điện thoại rồi vội vàng đi thay quần áo. Chị nhẹ nhàng kéo chiếc chăn mỏng đắp cho bé Bông rồi bước ra phòng khách hỏi anh:

- Muộn thế này rồi anh còn đi đâu? Đứa lớn thì đang sốt, đứa bé thì không ai bế ẵm. Từ phòng khách đến phòng bếp đang bừa bộn quần áo, bát đũa bẩn. Anh xem nhà cửa như vậy không phụ giúp em mà vẫn đi được à?.

Anh vừa cau có vừa cằn nhằn:

- Anh đã nói bao nhiêu lần rồi, em đừng có tiếc mấy đồng bạc hay kỹ tính quá rồi làm khổ mình. Em thuê giúp việc làm đỡ việc nhà, chăm con thì có phải nhàn thân không? Anh mang tiền về cho em để lo cho gia đình, còn em để anh thoải mái ra ngoài làm ăn chứ không phải có tí chuyện là bắt chồng ở nhà.

- Trước nay em một mình chăm con, lo việc nhà nhưng chưa bao giờ kêu ca với anh nửa lời. Nhưng hôm nay con ốm anh cần sắp xếp công việc để ở nhà với em. Một buổi nhậu đêm quan trọng hơn cả con cái của anh à?.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Anh thản nhiên vì nghĩ rằng trẻ con ốm sốt là chuyện thường tình, trước nay vẫn một tay chị chăm sóc, anh có ở nhà cũng chẳng đứa nào cho bế nên bỏ qua lời chị.

Thấy anh chuẩn bị bước ra khỏi nhà, chị vùng dậy, chạy đến trước mặt anh bực bội nói: “Mọi lần con ốm, con sốt đều có bà ngoại ở đây, anh về cũng chỉ hỏi thăm đôi ba lời là coi như xong trách nhiệm. Hôm nay con ốm mà anh vẫn đi ra khỏi nhà đi nhậu thì anh đừng hối hận đấy.

Chuông điện thoại reo lên liên hồi vì bạn anh đã đứng chờ ở dưới cửa. Anh vội vàng bước đi nhưng cũng không quên ném lại cái nhìn giận giữ cùng lời nói cay nghiệt: “Tôi đang bận nên sẽ về nói chuyện phải trái với cô sau. Nhưng cô cũng phải ngẫm đi này, tôi đi nhậu, đi chơi cũng là việc làm ăn kinh doanh, nếu không thì lấy tiền đâu để mẹ con cô ăn ngon mặc đẹp, ở nhà cao cửa rộng?”.

Anh hầm hầm bước ra ngoài, đóng sầm cánh cửa lại khiến chị như chợt bừng tỉnh rằng, những hy sinh của chị từ trước đến nay có lẽ là vô nghĩa. Bởi lẽ, trong mắt anh chị là người vợ ở nhà nội trợ “ăn bám chồng” và không có quyền lên tiếng.

Chị lướt nhanh quãng thời gian đã qua. Đúng là chị thấy mình thay đổi quá nhiều, chị nghĩ điều đó là tốt nhất cho con và để giữ gìn hạnh phúc. Nhưng chị đã lầm tưởng, những gì chị nhận lại chỉ là sự cay đắng và khinh thường của chồng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Sau khi nghỉ sinh bé thứ hai, chị thuê giúp việc về chăm con để đi làm, còn bé lớn 5 tuổi thì cho đi nhà trẻ. Thế nhưng chị thay đến vài ba lần giúp việc mà vẫn không tìm được người ưng ý. Người có tuổi, tính tình cẩn thận thì lại hay quên, lúc nào cũng cho bé uống sữa để lâu hoặc bình sữa rửa qua loa bằng nước lạnh, chưa qua tiệt trùng.

Người trẻ tuổi, nhanh nhẹn, sạch sẽ hơn thì tính tình lại ẩu đoảng. Cô ta có tính hay buôn điện thoại hoặc lướt web, mạng xã hội nên thường quên cả cữ sữa nửa buổi của bé. Có hôm, tranh thủ công việc rảnh rỗi chị ngó qua camera ở nhà thì sững sờ trước hành động của cô bảo mẫu trẻ. Cô ta để mặc bé tự lẫy dưới nền nhà lạnh, còn mình thì ngồi nghịch điện thoại. Bé lẫy quá lâu đến mức đập đầu xuống nền khóc thét lên thì cô ta mới biết. Thương đứa bé còn nhỏ, đứa lớn lại ốm vặt suốt nên chị suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều trước khi xin nghỉ việc chăm lo con cái, quán xuyến gia đình chu đáo.

Anh không phản đối quyết định của chị nhưng cho rằng chị quá kỹ tính nên mới làm khổ bản thân. Anh cũng vạch rõ, việc của anh là đi làm kiếm tiền còn việc của chị là ở nhà chăm hai đứa con, lo việc gia đình. Thế nhưng điều chị không ngờ nhất là anh lại vô tâm và ỷ lại đến mức đáng sợ. Từ ngày chị nghỉ việc ở nhà, anh mặc nhiên đi làm về là không động tay vào bất cứ việc gì. Về nhà, anh tắm giặt, chơi với con được một lúc rồi ngồi sofa xem tivi, lướt điện thoại.

Anh mặc chị quay cuồng với hàng trăm việc không tên, nào là dọn dẹp, nấu ăn, rửa bát, giặt quần áo, gấp đồ… Con có đói, có cần thay bỉm thì anh cũng kệ chị. Chị quần quật hết việc nhà lại đến chăm hai đứa con nhỏ từ sáng đến đêm, đi ngủ cũng không đêm nào được tròn giấc vì phải pha sữa, thay bỉm. Thế nhưng, khi nào thấy nhà bừa bộn, cơm nước muộn hoặc không tươm tất là anh lại cáu bẳn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trong khi đó, có những hôm anh đi nhậu mà cũng không nhắn tin cho chị. Chị ở nhà hì hụi nấu cơm, chờ mãi không thấy anh về, gọi điện thì mới biết anh đi tiếp khách. Những lúc anh đi nhậu về say, chị phải vừa chăm con, vừa chăm chồng cả đêm, sáng dậy anh chỉ biết nhăn nhó: “Chồng say mệt mà không biết nấu cho bát cháo, ăn xôi thế này ai nuốt nổi?”.

Chị bức xúc vì thái độ quá đáng của chồng, nhưng tự an ủi bản thân cố gắng thêm một thời gian nữa khi con tròn 1 tuổi sẽ thoát cảnh khó chịu này. Thế nhưng có lẽ chị càng nhẫn nhịn thì anh lại càng quá đáng. Thái độ của anh hôm nay đã khiến chị không thể chịu đựng được nữa.

Chị đang miên man suy nghĩ, bỗng tiếng bé lớn gọi mẹ ở trong phòng làm chị bừng tỉnh. Con bé sốt cao trong khi thằng em thì đòi mẹ bế vì đang khát sữa. Thấy con uống hạ sốt mà không giảm, lại kêu đau bụng. Chị hốt hoảng gọi điện cho anh về để đưa con đi viện, thế nhưng gọi mấy cuộc anh đều không nghe máy.

Chị liền gọi cho chị gái để gửi đứa bé, còn một mình chị đưa đứa lớn vào viện. Vừa thương con, chị vừa tủi thân, uất ức. 3h sáng, điện thoại reo lên. Là của anh gọi đến nhưng chị không muốn nghe. Sau đó anh nhắn tin đến: “Thái độ cô kiểu gì đấy? Nhà cửa thì bừa bộn không dọn dẹp. Còn bế con đi giữa đêm để thách thức tôi à”.

Chị nhắn tin lại: “Đứa lớn phải đi cấp cứu, đứa bé thì đi gửi, gọi điện anh không thèm nhấc máy. Anh muốn tôi phải sống sao để vừa lòng anh?”.

Sau đó anh dồn dập gọi điện, nhắn hỏi con đang nằm ở viện nào, tình hình sức khỏe ra sao nhưng chị chẳng mảy may để ý. Chị tự nhủ, lần này sẽ phải cho anh một bài học để anh bỏ cái tính vô tâm và nghiễm nhiên trút mọi gánh nặng gia đình lên vợ. Điều đó đã khiến cảm xúc vợ chồng của chị dành cho anh trở nên nguội lạnh. Ở bệnh viện, vừa chăm con, chị cũng vừa tính toán một kế hoạch cho sự trở lại của mình sau này. Chị không thể sống phụ thuộc để chồng coi thường, cũng không thể đầu tắt mặt tối như hiện tại. Chị cần một sự giải phóng, một sự “chấn chỉnh” một sự chia sẻ và chị tin chỉ có những điều đó mới giúp chị giữ lại được hạnh phúc này.

HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.