Người nào được thi hành án thay cho người được thi hành án đã chết?
(PNTĐ) -
Câu hỏi:
Bà nội tôi là người được thi hành bản án dân sự đã có hiệu lực cách đây 10 năm, nhưng ngay sau khi bản án có hiệu lực thì bà tôi mất. Trước đó, cô tôi là người đại diện theo ủy quyền để tham gia tố tụng. Xin hỏi, cho đến thời điểm này cô tôi còn có tư cách được thi hành bản án của bà tôi hay không? Cô tôi phải làm gì để có thể là người được thi hành bản án đã có hiệu lực của bà tôi? Ngoài cô tôi ra có ai có quyền được thi hành bản án thay bà?
Đặng Đình Thành (Chương Mỹ)
Trả lời:
Việc bạn hỏi liên quan đến thi hành bản án mà bà nội bạn là người được thi hành án. Việc thi hành án mà người được thi hành án đã chết có mấy vấn đề sau đây cần phải lưu ý:
Thứ nhất: Phải còn thời hiệu thi hành án. Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của Luật này.
Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự (văn bản hợp nhất số 13/VBHN-VPQH ngày 29/6/2018) quy định thời hiệu thi hành án như sau: “1. Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 5 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn”.
Như vậy, trường hợp cô của bạn chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Thứ hai, về nội dung ủy quyền thi hành án. Do câu hỏi của bạn chưa thực sự rõ ràng khi bà nội bạn ủy quyền cho cô của bạn để tham gia tố tụng hay còn nội dung khác nữa hay không? Theo khoản 3, Điều 140 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thời hạn đại diện, thì cô của bạn hãy tự đối chiếu trong trường hợp của mình thuộc trường hợp nào mà Bộ luật Dân sự đã quy định:
“3. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận;
b) Thời hạn ủy quyền đã hết;
c) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này (là trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện)
g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được”.
Thứ ba, trường hợp cô của bạn được thừa kế theo di chúc của bà nội bạn:
Nếu bà bạn chết có để lại di chúc với nội dung cô của bạn là người được thi hành án, thì cần xác định di chúc đó có hợp pháp hay không. Nhưng để trở thành người được thi hành án cần phải có những điều kiện cần và đủ thì cô của bạn mới thực hiện được. Nếu di chúc có nội dung chi tiết về việc được thừa kế quyền lợi thi hành án, thì cô ấy phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Thủ tục này bạn thực hiện tại phòng công chứng. Họ sẽ làm văn bản niêm yết tại UBND cấp xã nơi có tài sản theo nội dung di chúc. Trong trường hợp tài sản được thi hành án là bất động sản thì phải đến Phòng đăng ký đất đai để thực hiện việc chuyển dịch tài sản sau khi làm theo các thủ tục mở thừa kế theo luật định.
Thứ tư, trường hợp bà nội của bạn mất đi không để lại di chúc, thì khi xác định ai là người được thi hành án sẽ phức tạp hơn. Trước hết phải xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà bạn gồm những ai. Như trong đơn của bạn đã trình bày thì cô của bạn chỉ là người đại diện của bà trong giai đoạn tố tụng thì đương nhiên hiệu lực của việc đại diện cho bà bạn đã chấm dứt kể từ thời điểm kết thúc giai đoạn tố tụng hoặc khi bà nội của bạn chết, cô của bạn không thể trở thành người được thi hành án đương nhiên.
Theo thông tin mà bạn cung cấp, thì bà nội của bạn có rất đông con, lại có một vài người đã mất, do vậy việc chia tài sản thừa kế cần đưa ra tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Tòa án là nơi xác định những người được thừa kế theo hàng thừa kế, xác định được phần thừa kế cụ thể mà mỗi người được hưởng căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật và các giấy tờ nhân thân của những người liên quan cùng các tài liệu thu thập được trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án. Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về thời hiệu thừa kế như sau
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.