Người phụ nữ tiên phong trong cuộc chiến chống Covid-19 tại châu Phi

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Dù chỉ sở hữu vóc dáng nhỏ nhắn, nhưng bà Matshidiso Moeti đã gánh vác trọng trách to lớn. Bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Cùng người dân vượt qua “cơn bão” Covid-19 

Năm 2020 đánh dấu nhiệm kỳ thứ hai của bà Moeti tại WHO. Bà phải đối diện với thách thức cá nhân và chuyên môn khó khăn nhất, đó là giúp châu lục của mình ứng phó với đại dịch Covid-19 khi khu vực này đang “tụt hậu” so với phần còn lại của thế giới trong các nỗ lực xét nghiệm và tiêm chủng.

Mặc dù có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế cộng đồng nhưng việc giải bài toán thách thức trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 chưa bao giờ là dễ dàng với bà: “Khó khăn thực sự nằm ở việc tìm hiểu về loại virus mới này, cần phải thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh và giúp đỡ các quốc gia”, bà Moeti cho biết.

Không dừng lại ở việc phòng ngừa dịch bệnh, bà còn tham gia kêu gọi và hỗ trợ người dân châu Phi, nhất là phụ nữ - đối tượng chịu tác động nặng nề về nhiều mặt do Covid-19. Bà Moeti cho rằng đây vừa là thời cơ nhưng cũng chính là trở ngại do xã hội châu Phi vẫn còn bị thống trị bởi chế độ phụ hệ. “Tôi đang cố gắng hết sức không chỉ với tư cách là một kỹ thuật viên, một nhà quản lý và một nhà lãnh đạo, mà còn trong vai trò là một người phụ nữ của châu lục”, bà nói.

Người phụ nữ tiên phong trong cuộc chiến chống Covid-19 tại châu Phi - ảnh 1
Sự thành công của bà Moeti đã truyền cảm hứng phấn đấu 
cho nhiều phụ nữ châu Phi trở thành lãnh đạo tương lai
Ảnh: Fober

Phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo trở thành chuẩn mực xã hội

Tiến sĩ Matshidiso Moeti là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí Giám đốc WHO khu vực châu Phi. Vượt qua những định kiến giới và nạn phân biệt đối xử ở Nam Phi, bà đã nỗ lực để trở thành một trong những nhà quản lý y tế hàng đầu thế giới. Ở cương vị hiện tại, bà Moeti đã khởi xướng nhiều biện pháp sáng tạo và linh hoạt nhằm ứng phó khẩn cấp trước các cuộc khủng hoảng y tế ở 47/54 quốc gia châu Phi, đồng thời, đề xuất các chính sách tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe. 

Trước khi làm việc cho WHO, nữ chuyên gia 67 tuổi từng làm việc với Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) với tư cách là Trưởng nhóm của Tổ phụ trách châu Phi và Trung Đông tại Geneva, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) với tư cách Cố vấn Y tế khu vực Đông và Nam Phi và với Bộ Y tế Botswana với tư cách là bác sĩ và chuyên gia sức khỏe cộng đồng. 

Bên cạnh những cống hiến trong lĩnh vực y tế, bà Moeti còn là một trong những người tích cực đấu tranh vì sự công bằng và quyền lợi cho người dân châu Phi, đặc biệt là phụ nữ. “Tôi đang nỗ lực và hy vọng vào một ngày không xa, việc phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo trong các tổ chức lớn không còn là chuyện gây chú ý, mà trở thành một phần tất yếu trong chuẩn mực xã hội”, bà chia sẻ.

Bằng những hành động thiết thực trên cương vị lãnh đạo WHO tại châu Phi, bà Moeti đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo các ứng viên nữ khi muốn xin việc đều được coi trọng như nam giới. Bà tự hào vì đã “cân bằng” được tỷ lệ 4 giám đốc nữ và 4 giám đốc nam thay vì chỉ có 3 nữ và 6 nam trong ban lãnh đạo của tổ chức như trước đây. 

Ngoài ra, ở châu Phi, phụ nữ thường phải chịu đựng nhiều bất công và gặp không ít khó khăn. Đại dịch càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới hiện có tại châu lục này. Theo đó, phụ nữ phải đối mặt với nhiều bất ổn về kinh tế, tỉ lệ mang thai gia tăng, bên cạnh hàng loạt vấn đề về chăm sóc sức khỏe, vấn nạn bạo lực gia đình và tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nữ giới. 

Nhận thức rõ những bất cập, nữ tiến sĩ đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn này và đưa nó trở thành nhiệm vụ thiết yếu trong nhiệm kỳ của mình. Bà cũng cho rằng để giúp phụ nữ thoát khỏi bóng đen của đại dịch thì cần phải tiếp cận họ bằng các chiến dịch nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ kinh tế. Bất chấp các thách thức mà bản thân phải đối mặt, bà Moeti khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện việc chăm sóc sức khỏe người dân tại châu Phi, đặc biệt tập trung vào mục tiêu cải thiện cuộc sống của phụ nữ trẻ ở lục địa này. Sự thành công của bà Moeti đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ châu Phi bước ra khỏi vòng an toàn của mình, phấn đấu để trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.