Người trẻ tiếp nối truyền thống, vững bước tương lai
(PNTĐ) - Những câu chuyện, hình ảnh về Hà Nội xưa, về thế hệ cha anh kiên cường, bất khuất đã để lại cho thế hệ trẻ hôm nay nhiều cảm xúc cùng với sự biết ơn, trân trọng.
Cô giáo Phạm Thị Ánh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngạc A, Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Giáo dục truyền thống lịch sử, thắp lên ngọn lửa yêu nước cho học sinh
Trong những ngày tháng 10 lịch sử này, khi cả nước cùng hướng về Thủ đô kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng, trái tim tôi tràn đầy những cảm xúc khó tả. Bản thân tôi nói riêng và thế hệ trẻ nói chung vô cùng biết ơn sự hy sinh, công lao to lớn của thế hệ cha ông đi trước để chúng tôi được sống trong một đất nước độc lập, được đến trường, được theo đuổi ước mơ. Những điều đó thật quý giá và chúng tôi luôn trân trọng.
Là một giáo viên thuộc thế hệ trẻ của Thủ đô, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và hiểu rằng, mình cần có trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô. Tôi luôn mong muốn và cố gắng hết sức để thắp lên trong lòng các em học sinh ngọn lửa yêu nước, để các em hiểu rõ hơn về những hy sinh của thế hệ đi trước và ý nghĩa thiêng liêng của ngày Giải phóng Thủ đô. Tôi mong muốn các em sẽ trân trọng những gì mình đang có và nỗ lực học tập, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội phồn vinh, sánh vai cùng các đô thị lớn trên thế giới.
Chính vì vậy, nhiều năm qua, Trường TH Đông Ngạc A cũng như nhiều trường tiểu học khác trong quận Bắc Từ Liêm đã luôn chú trọng đến hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, nhất là các hoạt động gắn với giáo dục lịch sử địa phương. Ngoài việc tích cực tuyên truyền trên các kênh thông tin như trang website, FB của nhà trường, các nhóm zalo lớp học, bảng tin,… nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động như thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng, tham quan trải nghiệm tại bảo tàng, tổ chức các tiết học giáo dục truyền thống địa phương kết nối với các trường bạn trong và ngoài quận và nhiều tỉnh thành trên cả nước, tổ chức các buổi giao lưu, nói chuyện với nhân chứng lịch sử, các buổi trưng bày, triển lãm tranh, tư liệu về Thủ đô yêu dấu, về truyền thống của nhà trường,… Việc này không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là nuôi dưỡng tâm hồn, bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ.
Tôi cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay, cần có trách nhiệm trong việc tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha ông. Để làm được điều đó, chúng ta cần: Nắm vững lịch sử dân tộc qua việc tìm hiểu sâu về lịch sử như đọc sách, xem phim tài liệu, tham quan các di tích lịch sử, tìm hiểu về các nhân vật lịch sử; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tìm hiểu và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Bản thân mỗi người cần rèn luyện đạo đức, phẩm chất: Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo, trung thực, chính trực…; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội để giúp đỡ cộng đồng, hoạt động bảo vệ môi trường sống, xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp; các hoạt động văn hóa để quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước; đặc biệt, luôn học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ để trở thành những con người có ích cho xã hội...
Anh Văn Đình Tưởng, Bí thư Đoàn TNCS HCM xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội: Mỗi thanh niên hãy là một sứ giả văn hoá của Thủ đô Hà Nội
Nhìn lại những mốc son lịch sử hào hùng của dân tộc nói chung và Thủ đô thân yêu nói riêng, tôi luôn cảm thấy rất tự hào và biết ơn công lao của thế hệ đi trước, những người đã dành cả thanh xuân, cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Tôi rất quý trọng cuộc sống hòa bình ngày hôm nay và ý thức được trách nhiệm của mình là phải giữ gìn truyền thống cách mạng của dân tộc, phấn đấu nỗ lực để góp phần xây dựng đất nước thêm giàu mạnh, văn minh.
Bản thân tôi thấy rất đỗi tự hào khi mình là thế hệ đoàn viên thanh niên của Thủ đô Hà Nội. Giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ có ý nghĩa to lớn trong công tác chính trị, tư tưởng hiện nay của tổ chức Đoàn hiện nay. Tại xã Thư Phú, chúng tôi đã phối hợp các trường học đổi mới công tác giáo dục lịch sử cho thanh niên, học sinh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, trò chơi “Rung chuông vàng”; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, bồi dưỡng được phương pháp tự học, tự rèn luyện, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm hứng thú, say mê trong học tập lịch sử Đảng, lịch sử địa phương của các em học sinh, các bạn đoàn viên thanh niên thông qua chương trình trải nghiệm “Phiên toà giả định”, tham gia cuộc thi “Em yêu lịch sử Thường Tín”, “Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội”... Theo chủ đề hàng tháng, đoàn xã Thư Phú chỉ đạo các liên đội cho các em học sinh nghiên cứu làm việc nhóm, ngoại khoá tham quan tại các di tích lịch sử. Hoạt động tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử địa phương với nhiều phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp, như: Tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ… Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động nhất, vừa tri ân, vừa nhắc nhở thế hệ trẻ của tỉnh ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp cách mạng bằng việc góp sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Tôi thấy rằng, thế hệ trẻ cần phải chăm chỉ, sáng tạo, có mục đích và động cơ học tập đúng đắn, học tập để mai sau xây dựng đất nước, hiểu được học tập tốt là yêu nước. Mỗi thanh niên phải là một sứ giả văn hóa, phải làm sao để quảng bá tốt nhất văn hóa địa phương mình, đất nước mình đến bạn bè quốc tế; là lực lượng thích ứng nhanh, tiên phong nắm bắt và làm chủ công nghệ cùng sự linh hoạt, sáng tạo, thanh niên cần chủ động học tập, nghiên cứu và trang bị kiến thức để có nhiều phương thức, giải pháp gìn giữ và quảng bá văn hóa dân tộc trên không gian mạng. Hai là, cần tích cực rèn luyện đạo đức, tác phong; lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội; biết đấu tranh chống các biểu hiện của lối sống lai căng, thực dụng, xa rời các giá trị văn hoá - đạo đức truyền thống của dân tộc; biết trau dồi các kỹ năng hội nhập trong thời kỳ mới, tiếp thu sự phát triển của công nghệ, phát triển bản thân phù hợp với hoàn cảnh gia đình và xã hội; tiếp tục triển khai cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới” hướng đến 6 tiêu chí (Bản lĩnh vững vàng; Tri thức phong phú; Ứng xử văn hóa; Tuân thủ pháp luật; Sức khỏe dồi dào; Kỹ năng thành thạo) và 6 giá trị (Tiên phong - Gương mẫu - Đoàn kết - Trách nhiệm - Sáng tạo - Hội nhập)…
Tuổi trẻ xã Thư Phú nói riêng và tuổi trẻ Thủ đô Hà Nội nói chung cùng chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15 - NQ/TƯ ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, tiếp tục lập được những thành tựu mới, xứng đáng hơn nữa với niềm tin của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước dành cho Thủ đô, để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xứng đáng là Thủ đô anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Chị Nguyễn Thuỳ Dung, 22 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội: Mang sức trẻ cống hiến cho Thủ đô ngàn năm văn hiến
Những ngày này, Thủ đô Hà Nội hân hoan kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Từng con đường, góc phố của Thủ đô những ngày này được trang hoàng rực rỡ cờ hoa phố phường rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu... Tôi nhìn thấy nhiều ngôi nhà, chung cư tại Thủ đô đã treo cờ đỏ sao vàng để hòa vào không khí vui mừng trong những ngày trọng đại. Mặc dù không trực tiếp trải qua giờ phút thiêng liêng khi ông cha giải phóng Thủ đô, nhưng khi thấy những hình ảnh cả thành phố rộn ràng chào mừng ngày giải phóng, bản thân tôi vẫn có những xúc cảm đặc biệt. Đó là sự biết ơn đối với thế hệ cha anh đã ngã xuống để có được một Thủ đô yên bình, phát triển như hôm nay và đặc biệt nhất là tình yêu dân tộc, yêu nước được đánh thức mãnh liệt.
Là thế hệ trẻ, tôi nhận thức rõ sứ mệnh và trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng và phát huy những giá trị của Hà Nội. Tôi hiểu rằng sứ mệnh của người trẻ không chỉ là kế thừa, mà còn phải làm mới, nâng cao những giá trị truyền thống để Thủ đô luôn phát triển, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng. Để làm được những điều này, tôi luôn cố gắng không ngừng học hỏi, rèn luyện kiến thức và kỹ năng, đồng thời lan tỏa những giá trị văn hóa và tinh thần của Hà Nội đến bạn bè ở nhiều tỉnh thành khác và bạn bè nước ngoài mỗi khi có cơ hội. Mang trên mình màu áo xanh của Đoàn, tôi cũng cố gắng dành thời gian tham gia vào các hoạt động xã hội, các hoạt động thiện nguyện cũng như giữ gìn các di sản văn hóa của Thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung. Dù biết những đóng góp của mình có thể chưa nhiều nhưng với tinh thần năng động, sáng tạo và cống hiến cùng với sức trẻ của mình, tôi tin sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng Thủ đô ngày càng phồn vinh, hiện đại hơn trong tương lai.
Học sinh Lê Khánh Băng, Trường Trung học cơ sở Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội): Hiểu lịch sử để biết ơn và nuôi dưỡng khát vọng và ước mơ
Trong không khí hân hoan chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, là học sinh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, em luôn ý thức được trách nhiệm của mình là phải giữ gìn, phát huy sự nghiệp cách mạng vĩ đại của đất nước. Để làm được điều này, em cần phải am hiểu lịch sử nước nhà, bằng cách học tập, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử thông qua các bài giảng trên lớp, các buổi ngoại khoá của nhà trường, tham quan các di tích lịch sử và học qua sử sách, từ đó, nuôi dưỡng lòng biết ơn các vị anh hùng dân tộc, cha ông đi trước đã hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng đất nước. Tuổi trẻ chúng em hứa sẽ luôn cố gắng tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn, lao động, cống hiến hết mình, đó chính là cách tốt nhất để thể hiện tình yêu và sự biết ơn với Tổ quốc.
\