Nhà đất đang thế chấp có được sang tên sổ đỏ?

Chia sẻ

Anh chị họ tôi đang ốm nặng nên muốn sang tên sổ đỏ nhà đất đang ở cho con trai duy nhất, tuy nhiên sổ đỏ lại đang bị thế chấp tại ngân hàng để vay vốn kinh doanh. Vì vậy, anh chị tôi đang băn khoăn về việc này và chưa rõ thủ tục sang tên như thế nào? Xin Báo PNTĐ giải đáp giúp, tôi chân thành cám ơn!

Trả lời

Nhà đất đang thế chấp có thể được sang tên

Khi thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (gọi tắt là thế chấp nhà đất) thì bên thế chấp có nghĩa vụ giao giấy tờ liên quan đến tài sản trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Việc sang tên khi nhà đất đang thế chấp được quy định rõ đối với từng trường hợp:

Trường hợp 1: Chuyển nhượng, tặng cho nhà đất

Căn cứ khoản 8 Điều 320 và khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp bên nhận thế chấp đồng ý.

Như vậy, không phải lúc nào ngân hàng cũng đồng ý cho chuyển nhượng, tặng cho nhà đất đang là tài sản thế chấp.

Trên thực tế, nếu ngân hàng đồng ý cho chuyển nhượng thì sẽ ký cam kết giữa 3 bên (bên thế chấp, bên mua và ngân hàng) để chuyển nhượng nhà đất đang thế chấp trong đó ghi rõ quyền và nghĩa vụ của từng bên hoặc người muốn mua sẽ đưa tiền cho người thế chấp để thanh toán hết phần nghĩa vụ đối với ngân hàng (muốn trả trước hạn cho ngân hàng để lấy Sổ đỏ).

Trường hợp 2: Thừa kế nhà đất

Khi người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở đang thế chấp chết thì người thừa kế sẽ nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Theo khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013, trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất phải đăng ký biến động trong thời hạn không quá 30 ngày, tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất.

Như vậy, khi nhà đất đang thế chấp tại ngân hàng mà người thế chấp chết thì người nhận thừa kế vẫn được sang tên và có nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Nhà đất đang thế chấp có được sang tên sổ đỏ? - ảnh 1

Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:

- Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

- Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thủ tục sang tên Sổ đỏ khi nhà đất đang thế chấp

Trường hợp 1: Chuyển nhượng, tặng cho nhà đất

Bước 1: Công chứng hoặc chứng thực hợp đồng.

Bước 2: Kê khai nghĩa vụ tài chính.

Bước 3: Đăng ký biến động.

Căn cứ khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, hồ sơ nộp khi đăng ký biến động gồm:

- Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK.

- Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho nhà đất có công chứng hoặc chứng thực.
- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Trường hợp 2: Thừa kế nhà đất

Bước 1: Khai nhận di sản thừa kế

Bước 2: Kê khai nghĩa vụ tài chính

Bước 3: Đăng ký biến động

Trên đây là quy định giải đáp về việc nhà đất đang thế chấp có được sang tên. Theo đó, chỉ được chuyển nhượng, tặng cho nhà đất đang thế chấp nếu ngân hàng đồng ý. Trường hợp người thế chấp chết thì vẫn được sang tên và người nhận thừa kế thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản. Ngoài ra, tại Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định những trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất gồm:

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Như vậy, nếu người mua, người nhận là gia đình anh chị họ bạn tặng cho quyền sử dụng đất thuộc một trong bốn trường hợp trên thì không được phép sang tên sổ đỏ dù người bán, người tặng cho có đủ kiện.

BÁO PNTĐ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.