NHỚ NHỮNG MÙA THỊ CHÍN

Chia sẻ

Bao giờ cũng vậy, hễ cứ tháng Bảy Âm lịch tới là những cây thị trong vườn nhà tôi lại bắt đầu bước vào mùa quả chín. Đầu tiên là những quả chín bói, khi phải tinh con mắt lắm mới quan sát thấy những quả thị chín nép mình lấp ló sau các tán lá xanh biêng biếc tít ở trên cao.

Miền quê yên ả của tôi hầu như nhà nào cũng trồng thị, nhà ít thì một cây dùng để lấy quả để cúng bái sau đó dùng ăn chơi, còn nhà nhiều thì có khi trồng tới cả vài ba, bốn cây với mục đích bán quả. Gia đình tôi cũng có tới 4 cây thị cổ thụ, và những cây thị to lớn ấy với đường kính thân lên tới cả hơn nửa mét, cao cả vài chục mét là thành quả mà ông bà nội tôi đã vun trồng từ khi còn trẻ. Nội từng kể về sự tích của những cây thị trong vườn nhà.

Đó là thời thanh niên lúc nội đi lính, đóng quân ở miền rẻo cao Hà Giang, nhân thấy một gia đình người dân tộc Mông ở trong bản gần chỗ đóng quân có cây thị to, cao, quả mùa nào cũng sai lúc lỉu. Điều đặc biệt là cây thị ra quả rất to, to hơn gấp vài, ba lần so với giống thị bình thường ở đồng bằng. Người chủ của cây thị ấy giải thích rằng, ông lấy giống thị quý đó từ một cây thị mọc hoang trong rừng sâu mang về chiết ghép với giống thị nhà để cho ra một giống thị lai... Và rồi, do mê giống thị quả siêu to khổng lồ nên nội đã xin chủ nhà gần chục quả thị chín mang về lấy hạt nhân giống. Trong số những hạt thị được ươm trồng thì chỉ có 4 cây thị con mọc lên, và từ 4 hạt mầm nhú lên xanh tươi ấy đã cho ra kết quả là 4 cây thị hiện hữu sinh trưởng trong khu vườn nhà tôi cho tới tận ngày hôm nay.

NHỚ NHỮNG MÙA THỊ CHÍN - ảnh 1

Suốt quãng thời gian tuổi thơ tôi, chẳng có mấy khi mùa thị chín về là tôi lại vắng bóng dưới gốc thị, kể cả những buổi tối, hay đêm trăng sáng. Lũ trẻ con hàng xóm cũng hay tụ tập bên dưới những gốc thị nhà tôi để chơi các trò chơi dân gian, bởi dưới tán thị luôn rợp bóng mát, và khi mùa quả chín tới thì ngập tràn một mùi hương thơm ngào ngạt đến khoan khoái, dễ chịu của những quả thị chín treo lủng lẳng trên cây.

Như đã nói, vì nhà nào cũng trồng thị nên khi bước vào mùa quả chín thì không gian cả làng quê tôi luôn ngập tràn trong mùi thị chín. Hương thị ùa vào cả những gian phòng ngủ của mỗi gia đình. Chẳng vậy mà mỗi đêm hè trước khi đi ngủ mẹ luôn nhắc tôi mở toang cánh cửa sổ để cho căn phòng thoáng đãng, đồng thời “đón” hương thị thơm tho bay vào. Khi ấy, với những đứa trẻ thôn quê như chúng tôi thì chẳng có thú vui gì khi đợi mùa quả chín tới với sự háo hức vô cùng, bởi khi mùa thị chín tới không chỉ được sở hữu những quả thị chín màu vàng ruộm, cầm để ngửi hít hà, để chơi khi đan bị bằng sợi rồi thả những quả thị vào đó treo lủng lẳng, xách đi khoe bạn bè… Rồi khi thị chín mềm, màu vàng óng chuyển qua màu sậm là lúc chúng tôi mang ra ăn một cách ngon lành. Người ta thường bảo thị chỉ để chơi, để ngửi cho thơm, nhưng bọn trẻ chúng tôi thì khoái nhất là được ăn những quả thị chín vì nó ngon ngọt. Công tâm mà nói thì thị chín ăn cũng hấp dẫn không kém hồng xiêm, ổi, nhãn hay vài loại hoa quả khác là bao... Không riêng gì trẻ con, nhiều người già cũng thích ăn thị bởi nghe đâu trong thành phần thịt của quả thị có chất kích thích tiêu hóa rất tốt, cộng với vài loại vitamin và khoáng chất khác có lợi cho sức khỏe...

NHỚ NHỮNG MÙA THỊ CHÍN - ảnh 2

Thời gian trôi đi, có một điều mà tôi thấy nó không hề thay đổi từ xưa tới nay khi bắt đầu bước vào mùa thị chín, đó là ngày nội tôi còn sống, hễ cứ thấy những quả thị chín bói đầu tiên là nội lại bắc thang, hay sai con, cháu leo lên cây hái những quả chín ấy mang xuống, rửa sạch sẽ bụi bẩn, rồi sắp vào đĩa, sau đó đặt ngay ngắn lên bàn thờ để thắp hương khấn ông bà tiên tổ. Nội tôi từng nói với mấy anh chị em chúng tôi rằng: "Quả chín đầu mùa bao giờ cũng phải dành cho ông bà tiên tổ trước, bởi làm như vậy thì mùa sau ông bà tiên tổ mới phù hộ độ trì cho những cây thị sai quả hơn, quả to hơn...". Và sau này, khi ông nội già yếu rồi mất đi thì cha tôi luôn là người kế tiếp công việc mà khi xưa nội vẫn hay làm, đó là luôn hái những quả thị chín bói đầu mùa dâng lên bàn thờ để cúng ông bà tiên tổ, cúng nội, sau đó mới hạn lễ xuống phân phát chia cho mấy anh chị em chúng tôi những quả thị vừa cúng đó.

Mấy anh chị em chúng tôi sau này đều trường thành rời quê lên thành phố học tập rồi ở lại lập nghiệp. Mỗi khi về thăm quê, nhìn thấy những cây thị trong vườn trong thâm tâm tôi luôn thầm cảm ơn chúng bởi từ mấy cây thị nội trồng, nhiều năm đã là "cứu cánh" cho gia đình tôi, khi những quả thị chín qua mỗi mùa luôn được mẹ tôi hái mang ra chợ bán lấy tiền dùng phụ giúp chi tiêu cho cả nhà. Ngoài ra, tiền bán thị mẹ cũng luôn để dành cho mấy anh chị em chúng tôi mua sách bút, quần áo mới để tới trường học hành. Những quả thị ấy đã nuôi lớn chúng tôi.

Mùa thị lại về mang theo hương thơm ngào ngạt cùng những quả thị chín vàng óng ả treo lúc lỉu trên vòm cao của những cây thị cổ thụ trong khu vườn quê xinh xắn, êm đềm rộn rã tiếng chim kêu. Dù bây giờ không có nhiều điều kiện về quê, nhưng cứ mỗi mùa thị, tôi lại nôn nao nhớ nhà...

THẠCH BÍCH NGỌC
(ĐHQG TP HCM)

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.