Nhức nhối nạn quấy rối tình dục trên môi trường mạng

Chia sẻ

Trong thời đại 4.0, phụ nữ và trẻ em gái đứng trước nguy cơ là nạn nhân của quấy rối trên môi trường mạng như gạ gẫm, tán tỉnh, chia sẻ hay gửi những hình ảnh, clip nhạy cảm, bị tung tin sai sự thật... Internet là ảo nhưng có thể để lại tổn thương, hậu quả thật với nạn nhân.

Cảnh giác với thủ đoạn quấy rối mới trên mạng

Nạn nhân của việc quấy rối trên mạng hầu hết là các cô gái trẻ. Họ bị các đối tượng xấu tiếp cận với cách thức khá giống nhau như: lân la bắt chuyện, làm quen, sau đó là lời nói thô tục và thậm chí gửi clip đồi truỵ, gọi điện “show hàng”...

M.N là một nữ sinh trung học trên địa bàn Hà Nội. Sau khi chụp bộ ảnh kỷ yếu với lớp học cuối cấp của mình, M.N nhận được tin nhắn trên facebook xin lại link bộ ảnh. Tin tưởng đó là tin nhắn của ê-kíp đã chụp bộ ảnh kỷ yếu cho lớp học cuối cấp của mình, đồng thời tự thấy đó là những hình ảnh nghiêm túc và rất đẹp, lưu giữ lại dấu ấn tuổi học trò nên M.N đã gửi các thông tin theo yêu cầu.

Nào ngờ, sau đó, một tin nhắn khác gửi đến M.N một đường link khác, dẫn đến 1 tài khoản facebook khác. Sau một click chuột, cô bàng hoàng khi thấy các hình ảnh của mình cắt ghép và bị nhiều người bình phẩm với những lời lẽ tục tĩu, biến thái…

Qua tâm sự với bạn bè trong lớp, nữ sinh này biết không chỉ mình mà nhiều bạn có mặt trong bộ ảnh kỷ yếu cũng bị quấy rối với thủ đoạn tương tự. Tất cả nạn nhân đều sống trong trạng thái bất an, lo lắng đúng thời điểm cần tập trung cho kỳ thi cuối cấp và đại học sắp tới. Sau đó, một nữ sinh quyết định vượt qua nỗi sợ hãi để công khai việc bị quấy rối tình dục của bản thân và các bạn trong lớp lên trên trang cá nhân và nhận được sự quan tâm, vào cuộc của một số tổ chức xã hội liên quan và cơ quan báo chí, hoá giải nỗi lo sợ bị quấy rối trên mạng suốt mấy tháng trời.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Dù đã xảy ra 1 năm, song N.A (sinh năm 1999), ở Hà Nội còn rùng mình khi nhớ lại sự việc mình bị một kẻ biến thái gửi các hình ảnh khiêu dâm trên mạng xã hội. Theo N.A, do bản thân có bán hàng online nên kết bạn với nhiều đối tượng, thậm chí cả người không quen biết trên facebook. Lần ấy, một tài khoản tên M gọi video qua mesenger cho cô. Khi cô ấn nghe máy, bên kia màn hình hiện lên là hình ảnh thủ dâm của tài khoản tên M khiến N.A giật mình, hoảng hốt. Mặc dù N.A đã nói sẽ tố cáo hành vi quấy rối trên mạng của M nhưng tên biến thái vẫn không hề sợ hãi và tiếp tục các cuộc gọi “làm phiền” vào những ngày sau. Quá hoảng sợ, N.A lập tức block (chặn) tài khoản này. “Giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy sợ. Dù biết trên mạng là ảo nhưng bây giờ ra ngoài đường mình luôn rơi vào tình trạng bất an và lo lắng có ai bám theo mình” – N.A chia sẻ.

Với sự phát triển của internet, cùng với mạng xã hội, trẻ em đã trở thành công dân số từ sớm. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 68 triệu người dùng mạng internet, trong đó có hơn 1/3 ở độ tuổi từ 15-24. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), mạng internet dễ dàng tạo ra chứng nghiện mạng nếu người dùng không biết cách sử dụng phù hợp, đặc biệt là với trẻ em. Với vô vàn thông tin có trên môi trường mạng, khi sử dụng, trẻ em hay gặp các thông tin không phù hợp hoặc tiêu cực. Nguy hiểm hơn, các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng (như bị quấy rối tình dục qua mạng, các hình ảnh bị xâm hại hoặc bóc lột được ghi, quay, chụp lại, dùng để đe doạ phát tán hoặc livestream khiến trẻ bị ép buộc, trở thành nô lệ tình dục…). Theo số liệu thống kê từ UNICEF, trên thế giới, mỗi ngày, có đến 720.000 hình ảnh liên quan đến lạm dụng trẻ em được đưa lên mạng internet. Tại Việt Nam kết quả điều tra của UNICEF năm 2016 cũng đưa ra con số đáng báo động: 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng. Các chuyên gia cho rằng, các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng thường có tác động mạnh hơn đến trẻ so với đời thực. Bên cạnh tác động đến sức khoẻ còn ảnh hưởng tâm lý, nhân sinh quan, thậm chí trong nhiều trường hợp còn bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng.

Cần phổ biến kỹ năng sử dụng Internet an toàn

Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, tuy nhiên, thực tế cho thấy, vụ việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng đã được cơ quan điều tra xử lý không hề ít. Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 3 năm từ 2017-2019, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em đã bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng. Do đó, việc tìm kiếm các biện pháp bảo vệ trẻ em thực sự đã và đang được các cấp ngành, phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Theo luật sư Lê Hồng Hiển, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện tại, nhiều người vẫn còn hiểu chưa đầy đủ về hành vi quấy rối tình dục. Họ cho rằng, những cử chỉ như ôm, hôn, sờ mó, đụng chạm cơ thể, tiếp xúc nghiêm trọng… mới là dấu hiệu của hành vi này. Thực tế, quấy rối tình dục còn bao gồm cả lời nói dung tục, khiếm nhã, hay sự cợt nhả tục tĩu, thậm chí là các câu chuyện gợi dục, nhạy cảm về giới hoặc nhận xét không hay về cơ thể, giới tính và trang phục của người nào đó. Đôi khi, kẻ quấy rối không trực tiếp nói ra mà có thể sử dụng công nghệ để gửi tin nhắn, email với những lời lẽ quấy rối. Bên cạnh đó, còn có những hành vi quấy rối phi ngôn ngữ gồm các hành động không đứng đắn như phát tán và phô bày hình ảnh nhạy cảm, khiêu dâm; Gửi thư, quà hoặc vật mang tính khêu gợi; Có cử chỉ, hành vi cơ thể nhạy cảm và ám chỉ tình dục đối với đối tượng bị quấy rối…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đại diện cho giới trẻ, Nguyễn Ngọc Nhi (CLB Thủ lĩnh vì sự thay đổi, Trường THPT Vân Nội – Đông Anh) cho biết, em đã từng chứng kiến những bạn nữ xung quanh bị quấy rối, đặc biệt là trên phương tiện công cộng như xe bus hoặc qua mạng xã hội. Sự im lặng của các bạn vô tình khiến cho những hành động này không được ngăn chặn. “Chúng ta không thể chọn việc mình có là nạn nhân của quấy rối hay không nhưng chúng ta có thể học cách ứng phó và phản kháng. Đối với em, em sẽ không trò chuyện với người lạ, không click vào những hình ảnh, đường link được gửi từ người lạ, sẽ chặn tài khoản đó và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, thầy, cô giáo và cơ quan chức năng nếu sự việc nghiêm trọng hơn” – Ngọc Nhi nói.

Chị Chu Thu Hà - Quản lý truyền thông của Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) cũng chia sẻ, các bạn gái cần học một số kỹ năng an toàn khi tham gia Internet như: Tránh chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội, sử dụng mật khẩu phức tạp, cài đặt các bước bảo mật an toàn để hạn chế rò rỉ những thông tin, hình ảnh cá nhân, không tham gia các nhóm, nhóm chat có nội dung không lành mạnh... để giảm thiểu tối đa việc trở thành mục tiêu công kích, quấy rối hay trở thành những người quấy rối trên Internet. “Chúng ta đừng là những chiếc đũa đứng riêng rẽ mà hãy cùng nhau trở thành một bó đũa chắc chắn, vững chãi, không thể bẻ gãy. Khi chúng ta đồng lòng lên tiếng, mọi hành vi quấy rối phụ nữ, em gái dù ở đâu, dù dưới hình thức nào cũng đều sẽ phải chấm dứt. Chúng tôi tin tưởng vào sự nhiệt huyết, sức mạnh và khả năng lan toả thông điệp tích cực của những thanh niên thế hệ mới” – chị Thu Hà nhấn mạnh.

Đối với các hành vi quấy rối tình dục trên mạng, tuỳ theo tính chất, mức độ, hành vi này có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi bị quấy rối, nạn nhân cần yêu cầu đối tượng quấy rối chấm dứt hành vi xúc phạm mình. Nếu đối tượng không dừng lại mà tiếp tục quấy rối với tính chất, mức độ ngày càng tăng, thì cần có biện pháp kiên quyết như block tài khoản, sử dụng chế tài pháp luật là làm đơn tố cáo đến cơ quan công an về hành vi của người đó, đồng thời cung cấp thông tin các tài khoản đó (tên facebook, zalo, email...), các bằng chứng (nội dung bình luận trên facebook, nội dung email, các email đã nhận được nội dung lăng mạ, chửi bới, số điện thoại cuộc gọi đến...) để cơ quan có thẩm quyền thụ lý, điều tra.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.