Những bàn tay hoa

Bài và ảnh Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Không phải là quá lời khi nói cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô chính là những tập thể, cá nhân năng nổ, sáng tạo đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Ở bất cứ đâu, cũng có thể tìm thấy một mô hình, một cá nhân hết lòng vì vẻ đẹp, cảnh quan của địa phương nơi mình sống.

Rác là… cảm hứng

Cán bộ, hội viên phụ nữ xã Song Phượng, huyện Đan Phượng vừa có thêm nghề mới: Ký gửi. Nghĩa là, những gia đình có đồ gia dụng, hay bất cứ đồ đạc gì không dùng đến nữa, đều có thể mang đến gửi Hội Phụ nữ. Từ đây, các chị em sẽ kết nối với người có nhu cầu sử dụng để nhận. Được biết, ngay ngày đầu tiên “khởi nghiệp”, tổng giá trị đồ mà chị em phụ nữ Song Phượng nhận kết nối đã lên đến 15 triệu đồng.

Chủ tịch Hội LHPN xã Song Phượng Tạ Kim Chung nói vui rằng: “Chị em được tin tưởng và đắt hàng đến vậy, là bởi đến rác, chị em cũng có thể biến được thành tiền, thành cảnh quan đẹp đẽ cho mọi người nhìn ngắm!”. Và thật sự, về với Song Phượng hôm nay, sẽ thấy đây là miền quê đáng sống với những con đường sạch sẽ, rực rỡ sắc màu. 

Những bàn tay hoa - ảnh 1
Cuộc thi “Phụ nữ Hoàng Mai tìm kiếm sáng kiến bảo vệ môi trường” của Hội LHPN quận Hoàng Mai

Sau một thời gian dài nhận thấy việc xử lý rác thải còn bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn rác có thể tái chế và ý thức người dân với vấn đề vệ sinh đường làng, ngõ xóm còn rất hạn hẹp, tháng 7/2021, Hội LHPN xã Song Phượng đã chọn Chi hội Phụ nữ thôn Thuận Thượng làm điểm mô hình phân loại rác.

Cán bộ, hội viên phụ nữ chuẩn bị 10 thùng rác cho 107 hộ gia đình, sau đó đến từng nhà, mang theo tờ hướng dẫn phân loại rác vô cơ – hữu cơ, và cả túi nilon để người dân đổ rác đúng cách. Thời gian đầu, người dân vẫn chưa có ý thức và có thói quen phân loại, nên trong suốt một tháng trời, các cán bộ, hội viên phụ nữ đều đặn dậy từ 5 giờ sáng, đến từng thùng rác làm công tác phân loại. Nhìn thấy chị em không ngại khổ, không ngại bẩn, ngày nào cũng bền bỉ phân loại như thế, dần dà người dân cũng thấy… ngại, ý thức về phân loại rác thải dần nâng cao.

“Công dụng” của rác chưa dừng lại ở đó. Thấy được việc phân loại rác thải trong dân đã ổn, chị em phụ nữ Song Phượng lại tiếp tục nghĩ ra mô hình… làm đẹp cho rác. Theo đó, các chị em tận dụng các vỏ chai, lọ… đã qua sử dụng để làm những giỏ hoa treo tường, làm đẹp ngõ xóm. Từ đây, cuộc thi “Sức sống từ rác thải tái chế” ra đời.

4 chi hội thi nhau làm ra những giỏ hoa, kết thành các mô hình thật đẹp để mang đi thi. Cuộc thi thành công tốt đẹp rồi nhưng dư âm vẫn còn vang rất xa, khích lệ chị em nỗ lực hơn trong các công việc tương tự. Ngay sau đó, Hội LHPN xã lại “cầm cân nảy mực” cho chị em thi đoạn đường “Sức sống từ rác thải tái chế”. Những con đường cũ kỹ, bao quanh là những bức tường đơn điệu, loang lổ, nay được điểm tô thêm những chậu hoa nhỏ xinh, mùa nào hoa nấy, khiến đường làng ngõ xóm trở nên sinh động, cuộc sống như tươi mới hơn.

Những bàn tay hoa - ảnh 2
Những chậu cây, lọ hoa xinh xắn được làm từ rác tái chế của phụ nữ thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng

Chị Chung tự hào nói: “Các mô hình của phụ nữ Song Phượng đều không mất tiền”. Bởi từ các hành động của chị em phụ nữ không chỉ đường làng, thôn xóm tươi đẹp mà ý thức bảo vệ môi trường trong các gia đình nâng cao, mà số tiền từ việc thu gom, bán phế liệu đều đặn hàng quý (trung bình, mỗi chi hội thu được 2 triệu đồng cho một lần tổ chức bán phế liệu) của chị em còn được sử dụng vào nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn, gắn kết tình cảm chị em với nhau và với phong trào Hội.

“Giờ đây, được gọi thân mật là “các bà đồng nát”, chúng tôi vui lắm, vì cách làm của mình được người dân đón nhận. Có hôm, đứng ở cửa hàng tạp hóa thấy ông hàng xóm mua bia, mà ông ấy cũng bảo rằng mua để lấy lon cho chị em trồng cây đấy, là hiểu việc chúng tôi làm ý nghĩa thế nào!”- chị Chung chia sẻ. 

Lan tỏa lối sống xanh

Phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã tích cực tham gia nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa với nhiều mô hình mang lại tính khả thi, hiệu quả thiết thực. Các giải pháp “sống xanh” được tổ chức phong phú, đa dạng tạo nên những tác động rộng lớn trong cộng đồng. 

Vì vậy, ở bất cứ mô hình bảo vệ môi trường nào, cũng đều thu hút mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp chị em phụ nữ tham gia. Như Chi hội Phụ nữ số 10 phường Liễu Giai quận Ba Đình, nơi có phần lớn cán bộ, hội viên là hưu trí, nhưng chưa khi nào các cô các bác thôi nhiệt huyết.

Từ tặng làn nhựa cho hội viên nhằm giảm thải, tiến tới không dùng túi nilon, cho đến hướng dẫn hội viên tái sử dụng, tái chế đồ đã qua sử dụng, sử dụng rác hữu cơ để ủ phân tưới cây, ngâm vỏ trái cây làm nước tẩy rửa..., cách làm nào cũng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp phụ nữ và nhân dân trên địa bàn về kỷ cương văn minh đô thị, giữ gìn môi trường sống, có hành vi tích cực trong cách ứng xử với môi trường, tạo sự thay đổi tích cực về cảnh quan đô thị.

Những bàn tay hoa - ảnh 3
Con đường đầy sức sống nhờ hoa và… rác tái chế thành lọ, bình hoa ở xã Song Phượng, huyện Đan Phượng 

Hay để đa dạng hóa và tìm kiếm sáng kiến bảo vệ môi trường, Hội LHPN quận Hoàng Mai đã phối hợp với Hội Người khuyết tật quận, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động hội viên, phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả.

Tại hội thi “Phụ nữ Hoàng Mai tìm kiếm sáng kiến bảo vệ môi trường”, 369 hội viên Hội Người khuyết tật quận đã nhiệt tình tham gia với những sản phẩm có nét đặc thù cao. Các cấp Hội cũng đã triển khai sâu rộng công tác bảo vệ môi trường, gắn với cuộc vận động thành lập CLB “Yêu môi trường”, Cuộc thi ảnh “Phụ nữ Hoàng Mai hành động vì môi trường xanh”, “Chống rác thải nhựa”... phát huy vai trò của các cấp Hội Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng quận ngày càng “Sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Cứ thế, mỗi ngày, chị em phụ nữ Thủ đô lại tiếp tục duy trì, phát huy và sáng tạo, nhân rộng những mô hình, xây dựng thêm nhiều công trình, nhiều mô hình hay trong việc bảo vệ môi trường. Hỏi các chị có vui không, trên gương mặt các chị đều nở nụ cười hạnh phúc. Thế nên ở Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 7, phường Phúc Đồng, quận Long Biên – nơi các bà, các cô được gọi thân thương bằng cái tên “Những bà đồng nát chê tiền”, thì chỉ cần thu xếp được thời gian là sẽ cùng chị em hướng dẫn người dân phân loại rác, thu gom… nhằm gây quỹ Hội, bảo vệ môi trường.

Số quỹ thu được từ việc bán rác tái chế cũng được sử dụng rất hiệu quả, như chi cho công tác khuyến học, khuyến tài, thăm hỏi hội viên và các hoạt động từ thiện nhân đạo… Không còn những điểm đen về rác thải, tình làng nghĩa xóm đi lên vì cùng hăng hái bảo vệ môi trường. Đó là những điều tốt đẹp mà các phong trào đã đem lại, nhờ “những bàn tay hoa” mà cuộc sống mỗi ngày đều tốt đẹp lên.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.