Những bông hoa người tốt việc tốt của phụ nữ Thủ đô

Chia sẻ

Những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ Thủ đô tham gia, tạo sức lan tỏa sâu rộng và góp phần xây dựng Hội ngày càng vững mạnh.

Từ đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ Hội, phụ nữ tiêu biểu xuất sắc, họ là những bông hoa người tốt, việc tốt của phụ nữ Thủ đô góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh. 

“Hô biến” 12ha đất đồi thành trang trại VAC

Việc học và làm theo Bác từ những việc nhỏ, giản dị trong đời sống hàng ngày đã tạo nên phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Phong trào đã có sức lan tỏa và phát triển sâu rộng trên địa bàn Thủ đô, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của hội viên phụ nữ. Năng động, sáng tạo chị Phùng Thị Thơ, hội viên phụ nữ thôn Vật Lại 1, xã Vật Lại, huyện Ba Vì dám nghĩ dám làm, khai thác và “hô biến” 12ha đất đồi trống cằn cỗi để xây dựng mô hình kinh tế trang trại vườn - ao - chuồng (VAC).

Chị Phùng Thị Thơ, người phụ nữ vượt khó làm giàu trên mảnh đất Ba VìChị Phùng Thị Thơ, người phụ nữ vượt khó làm giàu trên mảnh đất Ba Vì

Để có được thành quả như bây giờ, chị Phùng Thị Thơ đã phải quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn vất vả, nhất là khi giải quyết bài toán khó trong chống xói mòn, cải tạo vùng đất đồi trống cằn cỗi. Ban đầu, chị cải tạo đất đồi trống cằn cỗi bằng việc trồng cây đậu, đến mùa thu hoạch đậu ra nhiều quả ở cả 2 mảnh đồi, mà chỉ có 2 vợ chồng nên việc thu hoạch cùng một lúc gặp nhiều khó khăn. Nhưng bù lại, chính thân và lá của cây đậu lại có tác dụng cải tạo đất rất tốt. Những năm sau đó, gia đình chị lại chuyển sang trồng củ đậu rồi chuyển tiếp sang trồng cây bưởi, cây nhãn...

Không ngừng học hỏi, chị Phùng Thị Thơ đã quyết tâm xây dựng mô hình kinh tế theo hướng trang trại vườn – ao – chuồng. Sau những tháng ngày dài vất vả, được gia đình, người thân, tổ chức đoàn thể giúp đỡ, đến nay mô hình trang trại của gia đình chị đã đạt quy mô trên 12ha với 1ha mặt nước nuôi thuỷ sản; 11ha vườn trồng trên 1000 cây bưởi diễn, 25 vạn cây dứa và 1000 m2 chuồng trại nuôi các đặc sản như nhím, lợn rừng và thường xuyên nuôi 100 con lợn thịt, 15 con lợn nái sinh sản, 15.000 con gà thả vườn đồi với tổng doanh thu ước tính khoảng 1,8 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí bình, quân thu nhập đạt gần 700 triệu đồng. Không những thế chị Thơ còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt tại trang trại, bằng việc thực hiện tự động hóa, đầu tư máy đào gốc, chặt rễ cây, máy bón phân… Chính vì vậy những năm gần đây chị đầu tư trồng thêm cây nhãn Hương Chi vừa ngọt vừa thơm, sản phẩm bước đầu đáp ứng được nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng.

Mô hình kinh tế trang trại VAC hiệu quả của gia đình chị là tấm gương sáng để nhiều hộ gia đình trong khu vực và vùng lân cận đến học tập và làm theo. Chị còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động với thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt đối với những hộ nghèo, ngoài việc vận động bà con trong chi hội giúp đỡ, hàng năm, gia đình chị còn chủ động nhận giúp đỡ 5 - 7 hộ nghèo về vốn, việc làm... Không những giỏi về sản xuất phát triển kinh tế gia đình, mà chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tích cực tham gia vận động hội viên và nhân dân góp công và tiền để làm mới các đoạn đường của địa phương xuống cấp với tổng kinh phí hơn 50 triệu đồng. Năm 2016, chị vinh dự nhận danh hiệu Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu do Hội LHPN Hà Nội trao tặng.

Mô hình kinh tế trang trại VAC hiệu quả, của chị Phùng Thị Thơ là tấm gương sáng để nhiều hộ gia đình trong khu vực và vùng lân cận đến học tập và làm theoMô hình kinh tế trang trại VAC hiệu quả, của chị Phùng Thị Thơ là tấm gương sáng để nhiều hộ gia đình trong khu vực và vùng lân cận đến học tập và làm theo

20 năm miệt mài làm việc thiện

Bà Nguyễn Thị Hường sinh năm 1950 - nguyên chi hội trưởng phụ nữ khu dân cư số 5 (nay là số 4), phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội với 20 năm tham gia công tác Hội. Bà Hường không những làm việc tận tâm, trách nhiệm mà còn có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện. Bà Hường cho biết “Còn sức khỏe tôi sẽ còn làm nhiều việc từ thiện. Mỗi khi giúp đỡ được một gia đình, một em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc lắm!”.

Chẳng thế mà, trong nhiều năm liền, bà Hường đã thường xuyên dành dụm tiết kiệm tiền ăn sáng, tiền thu gom phế liệu bán và tiền lương hàng tháng để tới thăm hỏi, động viên tinh thần và tặng quà cho các cháu nhỏ trong CLB máu mãn tính tại bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), đồng thời tới tặng quà cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện K; bệnh viện U Bướu với tổng giá trị hơn 50 triệu đồng. Qua đó, tiếp thêm sức mạnh tinh thần, vật chất giúp các bệnh nhân có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật, ổn định cuộc sống. Năm nay dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng bà vẫn thường xuyên vận động gia đình, con cháu, chị em hội viên phụ nữ thực hành tiết kiệm để làm từ thiện. Trận lũ lịch sử năm 2013 xảy ra đối với người dân tỉnh Quảng Bình đã khiến nhiều căn nhà bị tàn phá, hoa màu bị hư hại và người dân lâm vào cảnh tay trắng. Bà đã vận động chị em hội viên phụ nữ quyên góp với tổng số tiền 100 triệu đồng để mua nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập cho các cháu thiếu nhi. Bà cùng với chị em trong Hội PN phường cùng chuyến xe hàng trực tiếp vào Quảng Bình trao quà cho người dân. Năm 2021, dù không tham gia là chi hội trưởng phụ nữ nhưng bà vẫn là hội viên phụ nữ tích cực của tổ chức Hội.

Bà Nguyễn Thị Hường học và làm theo bác từ những điều giản dị hàng ngàyBà Nguyễn Thị Hường học và làm theo bác từ những điều giản dị hàng ngày

Với những việc làm thiết thực, cụ thể hết lòng vì cộng đồng, bà Nguyễn Thị Hường nhiều năm liền được các cấp Hội PN từ phường tới thành phố, Đảng ủy, chính quyền địa phương biểu dương ghi nhận và đánh giá cao. Năm 2017, bà vinh dự là 1 trong 10 Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu được Hội LHPN Hà Nội biểu dương. UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen “Người tốt việc tốt”.

Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc học tập làm theo Bác, thực sự đi vào chiều sâu, có hiệu quả và trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp trong cán bộ, hội viên và phụ nữ Thủ đô. Trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, đồng chí Lê Kim Anh – Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Thời gian tới, các cấp Hội PN sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong các tầng lớp phụ nữ Thủ đô về ý nghĩa, tầm quan trọng, giá trị to lớn, những nội dung của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; các cấp Hội tiếp tục kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân, nhân tố mới điển hình tiên tiến; tuyên truyền, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, tạo động lực cho phong trào thi đua của các cấp Hội. Đồng thời, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cũng mong các bác, các chị và các gia đình hội viên phụ nữ Thủ đô bằng những việc làm thiết thực, đáng quý của mình sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên cổ vũ nhiều người tham gia thi đua làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi trọng việc xây dựng, gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình, rèn luyện văn hóa ứng xử của người Hà Nội để ngày càng có thêm nhiều những bông hoa người tốt, việc tốt của phụ nữ Thủ đô, tô đẹp thêm cho truyền thống ngàn năm văn hiến của Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hoà bình.

Bài và ảnh: THANH THANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.