Những ‘Công chúa’ đu mình trên dây

BÀI VÀ ẢNH: AN THỊNH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Cuối tháng 10/2022, tại Liên hoan quốc tế “Công chúa xiếc” diễn ra tại Liên bang Nga, cái nôi lâu đời của nghệ thuật xiếc, với tiết mục “Đu son”, xiếc Việt đã được trao giải Vàng. Trong số những người tạo nên thành công đó, nhân tố chính là hai nghệ sỹ Phạm Thị Hướng và Chu Hồng Thúy. 7 năm cho những ngày khổ luyện, để có được vinh quang trong niềm vui tột bậc ở xứ người.

Đam mê với xiếc

Chúng tôi gặp Thúy và Hướng tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Hai cô gái vàng của ngành xiếc đang hối hả tập luyện cho vở diễn “Những cánh hồng bay” chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Trong đó, theo lời của Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Tống Toàn Thắng, đây cũng là dịp để đơn vị này tôn vinh 2 "công chúa" của Liên đoàn, chính là Phạm Thị Hướng và Chu Hồng Thúy. 

Cùng sinh năm 1990, Thúy và Hướng có nhiều con đường để gắn bó với xiếc, tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng họ lại cùng gặp nhau ở một niềm đam mê chung. 

Với Thúy, cô có điều kiện thuận lợi hơn là nhà ở gần trường xiếc. “Thời nhỏ, mỗi lần đi qua trường xiếc, thấy các anh, các chị biểu diễn các tiết mục em cứ ngẩn người dõi theo. Rồi xiếc ăn vào máu em lúc nào không biết”- Thúy kể. 

Năm 11 tuổi, Thúy nộp đơn và thi đỗ vào trường xiếc, nay là (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam). Đây cũng là cơ hội để Thúy dành nhiều thời gian nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. 

Với Hướng, con đường đến với xiếc của cô lại nhờ được lọt vào “mắt xanh” của các thầy cô của trường trong một lần về tuyển trạch tại nơi Hướng đang theo học văn hóa. 

Những ‘Công chúa’ đu mình trên dây  - ảnh 1
Hai nữ nghệ sĩ Phạm Thị Hướng và Chu Hồng Thúy biểu diễn tiết mục “Đu son”. 

Sau khi được kiểm tra về hình thể, Hướng được vào học tạo nguồn 2 tháng. Năm 13 tuổi, Hướng bắt đầu gắn bó với xiếc bằng những bước đi đầu tiên. “Khổ luyện” có lẽ là từ chung nhất dành cho các bộ môn thể thao và nghệ thuật, nhưng với xiếc, từ khổ luyện đó khắc nghiệt hơn nhiều. Hướng và Thúy không đếm được hết những vết sẹo trên cơ thể, những tai nạn trong quá trình luyện tập. Cũng chính vì thế, khi biết con cái gắn bó với bộ môn này, bố mẹ Thúy và Hướng đều không ít lần khuyên còn từ bỏ. 

“Bố bảo, nghề này theo được thì vất vả lắm, con gái lại càng vất vả hơn. Bố nghĩ con nên dừng lại”- Hướng kể. Cô cũng không nhớ bố đã nói với mình câu đó bao nhiêu lần nữa, nhất là mỗi khi thấy con trở về với những vết trầy xước mới trên cơ thể. 

Đến lúc, biết không thể làm xoay chuyển được niềm đam mê của con cái, đấng sinh thành cũng đành phải chuyển sang động viên và ủng hộ con trên bước đường dài. 
Niềm vui trên xứ người 

Đã nhiều tháng trôi qua, nhưng khoảnh khắc vinh quang tại nước Nga vẫn hiện hữu trong cảm xúc của những công chúa xiếc nước Việt. Hướng - Thúy dường như vẫn còn nghe văng vẳng tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả ở nước Nga xa xôi. 

“Kết thúc tiết mục, chúng tôi đã chào và vào cánh gà rồi, nhưng khi thấy tiếng vỗ tay càng ngày càng dồn dập hơn, khán giả còn đứng cả dậy để vỗ tay, chúng tôi đã lại bước ra để đón nhận tình cảm của khán giả. Đó là cảm giác hạnh phúc khó nói hết thành lời khi được khán giả quốc tế yêu mến”- Hướng kể. 

Lần biểu diễn đó, khi âm nhạc vừa vang lên trên sân khấu tròn, trong trang phục váy trắng thướt tha, Chu Hồng Thúy mở đầu bằng màn đu bay với đạo cụ hình khóa son lớn treo lơ lửng, còn Phạm Thị Hướng tạo dáng kéo đàn vi-ô-lông đầy điệu nghệ. Khóa son được kéo lên cao, Thúy lập tức treo ngược người trên khóa, dùng tay bắt lấy chân Hướng. Trong tư thế dốc ngược, Hướng vẫn say sưa chơi đàn ở độ cao cách gần 10m so với mặt đất. Cùng với sự sôi động của âm nhạc, tiết tấu biểu diễn càng lúc càng được đẩy lên cao. Hai nữ nghệ sĩ liên tục đu bám, di chuyển thoăn thoắt trên khóa son với những tạo hình mềm mại, đẹp mắt.

Những ‘Công chúa’ đu mình trên dây  - ảnh 2

Là trưởng đoàn kiêm tác giả, đạo diễn của tiết mục, NSND Tống Toàn Thắng cho hay: Tiết mục “Đu son” được bạn bè quốc tế đánh giá cao vì có động tác khó, kỹ thuật điêu luyện, đòi hỏi diễn viên phải biến hóa liên tục. Sự kết hợp giữa kỹ thuật, nghệ thuật, âm nhạc và phong cách biểu diễn trong tiết mục đã để lại ấn tượng cho khán giả và Ban Giám khảo ngay từ phút diễn đầu tiên. 

“Tiết mục hoàn toàn không sử dụng dây bảo vệ, tính mạo hiểm rất cao nên đòi hỏi sự chuẩn xác của các động tác kỹ thuật phải gần như tuyệt đối. Có những động tác với đu tĩnh đã khó, để thực hiện với đu động như thế này càng khó hơn”,  Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói. 

Trăn trở bám nghề 

Phạm Thị Hướng và Chu Hồng Thúy không chỉ là cặp đôi ăn ý trong khi trình diễn tiết mục, họ cũng là những người có điểm chung với nhau. Chồng của Hướng và Thúy cũng đều là nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. “Trong gia đình, một người theo nghề đã vất vả, hai người cùng theo nghề thì vất vả hơn nhiều” – Thúy miêu tả. 

Thu nhập eo hẹp, để có thể bám nghề và nuôi dưỡng đam mê của mình, hai vợ chồng Thúy đều phải tìm việc làm thêm bên ngoài. “Khi người ta nghỉ trưa thì tôi đi dạy thêm, khi người ta dành thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động thì tôi vật lộn với công việc bên ngoài. Cả chồng tôi cũng vậy. Nhiều lúc cũng nản lắm, nhưng khi đón nhận được tình cảm của khán giả, nỗi buồn đó lại bị lấn át đi”- Thúy tâm sự. 

Khác với Thúy, chồng Hướng đã buộc phải rời Liên đoàn Xiếc để ra ngoài làm hẳn để chăm lo cho cuộc sống của gia đình với hai con nhỏ. “Bất đắc dĩ lắm chồng em mới phải ra ngoài làm, nhưng anh ấy luôn là người động viên em phải bám lấy nghề. Cả hai cùng đam mê, nhưng phải có một người gác lại đam mê để lo cho cuộc sống”- Hướng kể trước khi lại đu mình lên dây, bắt đầu cho một bài tập mới. 

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì bị vợ quản

Khổ vì bị vợ quản

(PNTĐ) - Hôm nay là ngày anh Toàn và vợ chính thức ra tòa ly hôn, dù vợ anh trước đó vẫn khăng khăng mình yêu chồng, làm tất cả vì chồng vì con. Còn anh Toàn dẫu không phải đã cạn tình với vợ, song anh không thể chịu đựng thêm cái tính “quản phu” gắt gao của vợ mình.
Nếp nhà Việt tại Úc

Nếp nhà Việt tại Úc

(PNTĐ) -Em sinh ra ở Úc vào 14 năm về trước. Em rất thích cái tên Việt Nam mà ông bà ngoại đặt cho em - Việt Hải. Ông bà đặt tên này cho em với mong muốn em luôn nhớ về đất nước Việt Nam và quê hương Hải Phòng, nơi bố mẹ em sinh ra.