Những loay hoay của người

Chia sẻ

Bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành (nxb Hội Nhà văn - 2022) vừa ra mắt đã nhận được những đánh giá cao của chuyên môn và độc giả. Bộ sách nói lên những trăn trở về đời người dâu bể của tác giả mà ông đã ấp ủ suốt 20 năm qua.

Theo tác giả, toàn bộ tiền bán sách sẽ dành để khởi dựng Quỹ “Cánh đồng”, quỹ tài trợ cho các nhà văn, nhà thơ và trao thưởng hàng năm cho các tác phẩm văn chương xuất sắc (Dự kiến giá trị giải khoảng 10 ngàn đô la/ giải thưởng).
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có bài viết về bộ tiểu thuyết này.

Những loay hoay của người - ảnh 1

Khá lâu tôi mới có can đảm và hứng thú đón nhận một bộ sách dày đến thế. Cảm giác đầu tiên là ngại ngần, vì thời gian của mình cũng không nhiều, trong khi còn bao thứ cần đọc. Thế rồi khi bập vào thì nỗi băn khoăn về thời gian dần tan biến đi, nhường chỗ cho niềm hứng thú. Cõi nhân gian có sức hút rất đáng kể, không phải theo hướng văn chương kỹ càng, trau chuốt mà cuốn ở độ sống động, ngồn ngộn của chuyện đời. Càng nhập vào mạch chuyện càng thấy tên tác phẩm chính xác với nội dung và thần thái nó truyền tải. Một cõi nhân gian theo đúng nghĩa, ở đấy người với người luôn va đập, dào dạt như sóng từ đầu tới cuối, chỉ có điều khác sóng ở chỗ nó không theo một chiều mà chuyển động hỗn độn. Dĩ nhiên trong cái hỗn độn đủ màu sắc, đủ mùi vị, đủ hình hài, tính cách kia, không phải mọi thứ lộn tùng phèo, mà vẫn có trật tự ngầm của nó. Trật tự này do nghệ thuật viết hoạch định, để phân biệt chính, phụ, đậm, nhạt, tránh hổ lốn bằng vai phải lứa. Mỗi nhân vật trong Cõi nhân gian đều cố gắng chuyển động theo hướng mà nó nhắm đến, vì tiền, vì quyền, vì tình, vì mưu sinh tối thiểu, nhưng tuồng như tất cả đều loay hoay, bởi thiếu “một cái gì đó”. Họ, những nhân vật ấy, có thể sắc lẹm, nhìn thấu mánh lới thiên hạ cũng như bản chất thật của chính mình, nhưng họ lại chưa thấy được cái cao hơn mưu sinh.

Ngay cả những người có địa vị, có quyền lực, có kinh nghiệm lọc lõi như ông Yên, bà Tám, cuối cùng cũng vẫn cứ loay hoay. Ông Yên đánh giá về bà Tám: “Bà Tám này không phải dạng vừa đâu. Tôi giờ chẳng làm gì được, như bị giam trong ngục của bà ấy, không có ngày mãn hạn tù.” Bà Tám “đọc vị” ông Yên: “Tôi có thể quay đầu, giống ông Tám nhà tôi, nhưng ông Yên là khó đấy. Tôi và ông Tám bị nhuốm lưu manh trần thế, thói lưu manh để mưu sinh, còn ông Yên, ngoài cái lưu manh bản thể con người, ông ấy còn có thêm lưu manh chính quy, được đỗ cao, học rộng. Cái lưu manh ấy mới thực sự nguy hiểm cho xã hội. Tụi lưu manh trần tục như tôi và ông Tám thì xã hội đã có công cụ để chế ngự, nhưng nguy hiểm ở chỗ, đám lưu manh chính quy kiểu ông Yên, thì lại đang dùng hệ thống công cụ ấy để điều hành xã hội.” Rõ ràng là họ nhìn rõ lòng dạ nhau mà không thể gỡ ra được, vì thế cuộc sống vẫn chỉ dừng ở mức là những chuyển động hỗn độn, vừa vui lại vừa thương. Người dẫn chuyện, nhân vật Hương, cũng trong tình trạng tương tự. Cái loay hoay của nhân vật này không chỉ vì sức ép xung quanh, mà đôi lúc do chính nó gây ra. Hương luôn làm “thủng” mình, rồi tự xoay xở vá víu lại. Anh ta là một khối những mâu thuẫn: Đàn ông mà đôi khi cả nghĩ, uỷ mị như phụ nữ, có tham vọng nhưng hay luỵ tình, lẽ ra cần luôn tỉnh táo để khỏi sa bẫy thì thường xuyên bị cảm xúc dẫn dắt.

Thế nhưng Hương là nhân vật gần như duy nhất trong Cõi nhân gian manh nha ý thức phản tỉnh xu thế thời cuộc bằng cách cố gắng cưỡng lại sự thụ động bị cuốn đi theo lực hút khách quan. Trong thâm tâm, Hương muốn bơi ngược dòng để giữ lại cái trong trẻo, thiện lương của mình, có điều anh ta chưa tìm ra giải pháp để thực hiện điều ấy. Hương loay hoay giữa đích gần là chấp nhận lấm lem để tồn tại, với đích xa là giữ sạch để sống đẹp. Chính chỗ đó khiến cho nhân vật Hương vừa sinh động vừa có độ thẳm sâu nhất định. Con người còn là con người, với đầy đủ sức cuốn hút, khi nó chấp chới giữa phân khúc thiện và ác, đã vượt qua phân khúc ấy, nó sẽ nhạt thếch theo một vị.

Những loay hoay của người - ảnh 2

Ở Cõi nhân gian, hệ thống nhân vật nữ đóng vai trò quan trọng, với những cá tính, số phận rõ nét và nhiều cảm xúc. Họ tưởng như yếu mềm nhưng lại là nguồn cơn để cánh đàn ông “ăn trái cấm” và bị trục xuất ra khỏi “vườn địa đàng”. Trong số phụ nữ của Cõi nhân gian, với địa vị khác nhau, thế hệ khác nhau, do đó hiển nhiên “nanh vuốt” cũng non, già khác nhau, thì Thảo là nhân vật gây ấn tượng. Người đàn bà này dám sống với đúng đam mê bản năng của mình, dù phải chấp nhận sự huỷ hoại cả về thể xác lẫn tinh thần. Đây là người ít cân đong đo đếm trên hành trình sống, vì thế ở khía cạnh nào đó, trở thành nhân vật có lý tưởng riêng, dù lý tưởng ấy không phát xuất từ lý tính và còn mờ nhạt. Một nhân vật nữ nữa ít xuất hiện, nhưng gây ấn tượng, không bởi vị trí quyền thế chót vót mà bởi gắn với các sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt, chính là Hà. Chi tiết Hà bỏ ngang chừng câu chuyện để lên phòng thờ bắt quả tang thằng cháu rút lõi tiền cúng, cũng là tiền biếu cho chị ta, rồi đem xử công khai trước mặt Hương, không chỉ dừng ở “đắt” mà tiến tới độ thần tình. Chỉ với chi tiết ấy thôi, đã cho thấy một sự biến chuyển ghê gớm trong quan niệm của những người có quyền chức, mà xã hội cũng chưa thể xác quyết biến chuyển đó văn minh hay suy đồi.

Trong Cõi nhân gian, không phải tất cả đều đã nhuốm hoen ố, trái lại, thảng hoặc vẫn còn đây đó những khoảng trong trắng. Bà Tám gớm ghê trong mọi góc độ nhìn nhận đời sống, vậy mà thi thoảng loé lên ý nghĩ phải kéo bằng được ông Yên về phía lương thiện. Người đàn bà ở giữa môi trường giang hồ bầm dập, thế nhưng còn nhân tính từ chối quan hệ tình dục với Hương vì mình đang bị phơi nhiễm. Cô Hoan vẫn khăng khăng tự gánh chịu những đau đớn, phiền muộn, vì “không muốn có thêm sinh linh nào sẽ phải khổ ngoài cháu”. Và cái khoảng trắng trong lớn nhất ở Cõi nhân gian chính là nhân vật “em”, vợ của Hương. “Em” kín tiếng, kiệm lời, nhưng luôn là nỗi cứu rỗi cho nhân vật dẫn chuyện. Suy cho cùng, “em” sẽ là người còn đọng lại, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi sức lôi cuốn của nhân tính lẫn độ kín đáo, mờ ảo.

Bằng trực giác cảm nhận về đời sống và thời cuộc, với khí văn giàu nội lực, ngôn ngữ chuẩn xác, thẳng thớm, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã dựng nên một Cõi nhân gian với đủ các cung bậc, ở đó mỗi nhân vật không chỉ là chính nó, mà còn đủ sức đại diện cho một hình mẫu chung. Và tôi tin những gì Cõi nhân gian đề cập đến sẽ vang vọng, day dứt trong nhiều độc giả khác, như đang vang vọng, day dứt trong tôi.

Nhà văn NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.