Những món quà quê

Lan Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bữa đó, vừa đi tập thể dục về tới sân, Lan bỗng nghe bố gọi: “Con à, bố đây”. Lan nhìn quanh, bố cô đang ngồi dưới gốc cây bàng, mồ hôi nhễ nhại, bên cạnh là chiếc xe máy chằng buộc đủ thứ lỉnh kỉnh.

Lan hốt hoảng: “Ôi bố, sao bố lại ngồi đây. Trên nhà có hai đứa, sao bố không gọi chúng nó mở cửa. Trời nắng nóng thế này, bố ngồi đây vất vả quá”.

Mới hơn 6 giờ sáng mà trên mảnh sân tập thể nắng đã trải vàng rực, báo hiệu lại một ngày nắng nóng kỷ lục. Vì vậy mà Lan càng thấy xót bố hơn. Con gái có nhà cửa đàng hoàng mà bố không vào.

Khi mẹ nhắn tin trong vườn có ít rau sạch, bố Lan sẽ mang lên tiếp tế cho mấy mẹ con, Lan đã vội nhắn bố cứ đi thong thả, không phải vội. Sáng dậy, Lan vẫn tranh thủ đi tập thể dục, nghĩ là chạy đôi vòng ở công viên gần nhà cho khỏe người rồi về đón bố vẫn kịp. Nào ngờ mới 5h30 sáng bố đã lên đường... Biết thế này, Lan đã không đi chạy.

- Không sao đâu con, bố ngồi đây cho thoáng. Với lại, bố sợ làm bọn trẻ thức giấc. Con tập thể dục thế này là tốt, bố rất mừng.

Lan biết ngay, không phải là bố thích “ngồi cho thoáng” mà chủ yếu bố sợ làm phiền con cháu. Bố muốn hai cháu ngoại được ngủ đủ giấc chứ biết ông đến, chúng lại phải dậy sớm để đón ông. Với Lan cũng vậy, bố chỉ sợ vì bố mà Lan phải đi làm muộn, rồi bị cơ quan phê bình. Vì vậy, bố sẽ đi sớm thật sớm.

Những món quà quê - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhà  ngoại Lan ở huyện ngoại thành Hà Nội. Trong nhà có mảnh vườn nhỏ là nơi bố mẹ tăng gia sản xuất, chủ yếu là để có thêm thịt thà, rau củ để thi thoảng gửi ra cho mấy mẹ con ở trong thành phố. Mặc dù Lan đã nhiều lần nói với bố mẹ ở chỗ cô không thiếu thứ gì, 5 cái siêu thị lớn bé mở cửa phục vụ từ sáng tới tối mịt, cần gì cũng có. Nhưng, bố mẹ Lan vẫn cho rằng, đồ nhà do mình tự trồng vẫn là sạch sẽ, ngon lành nhất.

Ít năm trước, bố Lan còn khỏe thì những chuyến bố tự lái xe mấy chục km từ quê ra thăm mẹ con Lan như thế này khá thường xuyên. Bây giờ, Lan thấy bố rõ là yếu đi nhiều. Tay hơi run còn mắt thì kém. Vì vậy, Lan không muốn bố tự đi xe đường xa nữa. Lan hứa là thi thoảng sẽ về chơi, rồi nhận đồ bố mẹ cho. Thế nhưng cứ mỗi khi cây bưởi ra trái, hay là trong nhà có ít trứng gà đẻ là thể nào bố mẹ cũng nhấp nhổm phải gửi lên cho Lan và các con ăn ngay cho tươi.

Sáng này, Lan tranh thủ rủ bố đi ăn sáng. Dù gì thì bố cũng đã ăn gì đâu. Bố Lan rất thích ăn phở ở cái quán gần nhà Lan, vì thấy nó mang vị “truyền thống” chứ không bị lai tạp. Nhưng, bố lại nằng nặc từ chối. Chỉ vừa mới đặt mấy thùng rau, 3 quả đu đủ và nải chuối chín xuống, bố đã chào Lan để về luôn. Lan giữ thế nào bố cũng không ở lại. Bố bảo về để Lan còn lo việc nhà rồi kịp đi làm.

Lan nhìn theo bóng bố đi xa dần mà nước mắt cứ chảy dài. Mấy thứ quà quê đó, mua nào đáng bao tiền nhưng với Lan chúng thực sự vô giá.

Lan vừa quay vào nhà thì mẹ gọi điện lên, dặn: “Hôm nay bố đi sớm quá, mẹ mới chỉ kịp nhặt rau muống và mồng tơi. Còn chỗ rau càng cua, mẹ hái vội ở vườn, con chịu khó nhặt thêm rồi hãy ăn nhé”. Lần nào cũng vậy, không chỉ gửi đồ mà bố mẹ còn sơ chế sẵn cho Lan. Rau thì mẹ nhặt sạch, xếp gọn gàng vào từng túi. Mẹ còn chia thành từng bữa cho ba mẹ con Lan. Trứng gà, mẹ vùi kỹ trong túi trấu. Chuối trong vườn, mẹ cũng tỉ mỉ gửi cả chuối đã chín, chuối còn ương để Lan đủ ăn dần trong các ngày.

Gà nhà nuôi, bố Lan mổ sạch sẽ còn kèm cả gừng, hành, lá chanh.... Thi thoảng mua được con vịt cỏ ngon ở chợ quê, mẹ “đính” kèm với rau húng vịt, mùi tàu, măng củ đã thái mỏng rồi luộc sẵn. Chưa hết, nhiều lần, mẹ còn tranh thủ nấu thịt kho, cá kho, chia vào các hộp, đề ngày nấu để Lan biết lấy ra ăn. Mẹ thì lo hậu cần, còn bố làm “tài xế” vận chuyển.

Những món quà quê - ảnh 2
Ảnh minh họa

Lan lần lượt xếp đồ quê của bố mẹ vào tủ lạnh. Đến một chiếc túi nhỏ, Lan mở ra, bên trong là đậu đen đã rang vàng. Lúc này, Lan mới nhớ ra hồi tháng trước, Lan có kể qua điện thoại với mẹ là định mua đậu về rang rồi đun nước cho bọn trẻ uống cho mát mà bận quá, chả có thời gian làm. Lan nghĩ đó chỉ là câu chuyện kể vu vơ, Lan nói nhanh rồi quên cũng rất nhanh. Vậy mà, mẹ Lan thì vẫn nhớ rõ. Bà lẳng lặng đi mua đậu đen, rang vàng gửi lên cho Lan. Bên trong có một tờ giấy nhỏ mẹ viết: “Đây là đậu đã rang, con đun lên cho các cháu. Con cũng uống luôn cho khỏe. Hết thì báo mẹ lại làm gửi lên cho”.

Bố mẹ sinh được 2 anh chị em Lan. Trong đó, vợ chồng anh trai sống ở miền Nam, Lan thì sống ngoài Hà Nội. Bố mẹ Lan cũng thương và thường nhắc nhiều đến anh cả, vì bảo anh ở xa quá, mẹ có muốn gửi đồ gì cho anh chị cũng không được. Vì vậy, cứ khoảng đôi năm, mỗi lần anh chị về thăm nhà với bố mẹ Lan lại giống như ngày hội. Mẹ đi chợ, mua đủ thứ đồ về nấu những món mà anh chị thích, dù anh chị nói ở trong Nam vẫn thường nấu ăn mấy món này. Đến khi anh chị về lại nhà thì trời ạ, hai kiện hàng to mà dường như vẫn không đủ để chứa đủ thứ đồ quê mẹ gửi theo.

Đó là bọc túi lá xạ đen mà mẹ hái trong vườn rồi phơi nắng khô giòn để anh chị mang vào Nam uống. Là mấy hộp bột chuối tiêu xanh, mẹ chặt từ buồng chuối vườn nhà từ lúc còn xanh rồi phơi khô, sau đó thuê người xay thành bột. Mẹ bảo, bột chuối tiêu xanh uống tốt lắm, nhất là với chị dâu đang bị dạ dầy. Rồi mẹ còn làm cả tôm khô, những con tôm đỏ au, đầy thịt... mẹ bỏ trong túi bóng để anh chị thi thoảng nấu canh bầu, canh bí. Cả quả xơ mướp, bố mẹ treo ở góc bếp cả năm trời chứ không dùng vì phải “để dành cho anh chị lúc nào ra lấy, mang vào đó làm đồ rửa bát”. Bỏ đồ lại thì ngại với bố mẹ, mà nhận rồi mang đi thì mỗi lần ra sân bay, hai anh chị lại lặc lè hành lý.

Đồ gửi cho các con xong, sau đó là những chuỗi ngày bố mẹ hồi hộp gọi cho các con để hỏi: “Con ăn rau cải chưa”, “đã ăn hết chuối chín chưa”, “đu đủ nhà mình có ngọt không, con nhớ ăn ngay kẻo hỏng thì phí”... Lan cứ phải liên tục trả lời để mẹ yên lòng.

Hiện nay, cả Lan và vợ chồng anh trai đều còn nhiều vất vả, chưa dư dả kinh tế để có thể báo đáp, mua cho bố mẹ đồ này, thức nọ. Nhưng, bố mẹ chẳng bao giờ trách cứ hay trông chờ gì ở các con mà ngược lại, còn cố gắng dang rộng vòng tay để tiếp tục che chở cho đàn con, cháu của mình.

Nghĩ đến tình cảm của bố mẹ gửi vào những món quà quê mà Lan thấy mình thật sự hạnh phúc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn

(PNTĐ) - Năm 2024, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã triển khai có hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Nhiều mô hình hiệu quả đã ra đời, được hội viên phụ nữ và người dân đồng tình hưởng ứng.
Món quà Giáng sinh cho con

Món quà Giáng sinh cho con

(PNTĐ) - Noel đã đến thật gần, nhiều bạn nhỏ thích thú, không bỏ lỡ dịp lễ đặc biệt này để tham gia hoạt động làm bánh mừng Giáng sinh ý nghĩa, đặc biệt khi được tự tay trang trí những chiếc bánh ngọt dưới sự quan tâm, hướng dẫn của cha mẹ.
Bà Nhàn “biết tuốt”

Bà Nhàn “biết tuốt”

(PNTĐ) - 23 năm làm cộng tác viên dân số, bà Bùi Thị Nhàn, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội đã giúp đỡ nhiều phụ nữ trong Tổ dân phố được đảm bảo quyền chăm sóc sức khoẻ sinh sản, có thêm hiểu biết về Kế hoạch hoá gia đình.
Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

Mát tay nuôi bò sữa, nữ nông dân Ba Vì thành tỉ phú

(PNTĐ) - Chị Tạ Thị Năm ở thôn Mồ Đồi, xã Vân Hoà, huyện Ba Vì là người đầu tiên ở xã Vân Hòa khởi xướng mô hình nuôi bò sữa. Hiện tại, chị đang có đàn bò sữa lớn nhất xã với tổng số 62 con. Chị cũng là nữ nông dân duy nhất của Thủ đô được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.